Chiến tranh và những người đàn bà “hóa đá”

07:00 | 04/05/2014

2,120 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nữ văn sĩ Xôviết Svetlana Alexievvitch từng nổi tiếng với tiểu thuyết “Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ”. Ở mảnh đất xứ Nghệ, có hai người phụ nữ không trực tiếp cầm súng ra chiến trường nhưng cuộc đời họ lại bị “gặm nhấm” bởi cái bóng - nỗi ám ảnh của chiến tranh. Giờ đây, cuộc chiến ấy đã lùi xa, họ vẫn sống với hình bóng người đàn ông của mình đã ngã xuống nơi chiến địa, không có mặt trong đoàn quân ca khúc khải hoàn.

Năng lượng Mới số 317+318

Hơn 40 năm thờ di ảnh người yêu

Trước mắt chúng tôi là người phụ nữ đã cận kề tuổi 70, mái tóc đã phai sương và trên khuôn mặt in hằn vô số vết chân chim, có vẻ như bà già hơn so với tuổi. Bà có tên là Hoàng Thị Trinh (sinh 1945) ở xã Nam Cát, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Trò chuyện với bà, chúng tôi chợt nghĩ hay tên bà đã vận vào chính cuộc đời bà? Bởi cho đến nay, khi đã sắp bước vào độ tuổi “cổ lai hy”, bà vẫn chưa biết đến sự ôm ấp, chiều chuộng của người đàn ông. Nhưng điều sâu xa là hơn 40 năm qua, bà vẫn tôn thờ người đàn ông - người lính - người yêu của mình đã ngã xuống dưới đạn bom của đế quốc Mỹ.

Bà Hà Thị Tính bên cuốn nhật ký

Suốt buổi trò chuyện, bà gần như chỉ có khóc, lời kể của bà cũng ngập trong những tiếng nấc nghẹn ngào. Hơn 40 năm qua bà đã khóc quá nhiều nên nước mắt không còn chan chứa, mà chỉ rịn ra từng giọt từ khóe mắt rồi chảy trên gò má nhăn nheo. Bà Trinh mở đầu câu chuyện: “Tôi và anh ấy ở cùng làng, anh hơn tôi 3 tuổi, cảm mến nhau từ những buổi sinh hoạt chi đoàn và lao động XHCN nhưng không ai nói ra...”. Thế rồi, một ngày giữa năm 1965, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn gay go, ác liệt, người thanh niên có tên Hồ Đức Tín - người yêu bà Trinh lên đường nhập ngũ. Không kể hết những lưu luyến, bịn rịn lúc chia tay nhưng hai người vẫn ngập ngừng, e thẹn nên không kịp nói lời hẹn ước. Đã gần 50 năm trôi qua nhưng bà Trinh vẫn thuộc như in những câu thơ người yêu gửi kèm trong một bức thư:

“Anh gửi cho em dòng thơ tháng Bảy
Nét chữ thân quen tiếp cho dòng mực chảy

Những đợt sóng vô hình tràn đến xốn xang
Tất cả đêm nay như lòng anh lửa cháy
Nhớ Thúy Trinh bé nhỏ, thân thương
Anh cứ đợi chờ trong nỗi vấn vương
Vừa mới gặp nhau, nay xa cách
Hỡi ánh trăng Thu rải thảm trên đường
Hai bánh xe em vẫn lăn đều
Anh ước gì có đôi bánh xe bon
Để ngày hòa bình gặp lại
Anh cùng em thăm cảnh nước non”.

Vào một ngày tháng 8/1968, cô giáo Hoàng Thị Trinh đang tập huấn tại xã Xuân Lâm (cách nhà gần 10km) hay tin người yêu trên đường công tác được ghé thăm nhà nhưng vẫn chờ hết buổi mới trở về. Buổi tối hôm đó lại đúng vào ngày chi bộ tổ chức kết nạp cho đảng viên mới, trong đó có cô giáo Trinh nên hai người vẫn chưa thể gặp nhau. Ngày hôm sau là Chủ nhật, người lính trở về từ chiến trường năn nỉ mãi cô giáo làng mới chịu đến nhà ăn bữa cơm trưa, vì chiều hôm đó người lính lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ.

Một năm sau khi chiến sĩ Hồ Đức Tín ghé về thăm nhà, cô giáo Hoàng Thị Trinh nhận được quà của người yêu gửi về từ chiến trường, do một người đồng đội trao đến tận tay. Cô giáo làng rất đỗi bất ngờ khi món quà ấy là tấm Huân chương Chiến công hạng Ba, một chiếc nón lá, một đôi dép và vải may áo quần. Kèm theo là một bức thư với lời lẽ tha thiết yêu thương, người lính bảo rằng sắp tới sẽ xin phép đơn vị nghỉ mấy ngày để về làm đám cưới. Vì thời gian không có nhiều nên xin phép bố mẹ được rút bớt các lễ nghi, bỏ qua một số thủ tục cưới xin. Và chiến sĩ Tín nhờ cô giáo nhắn hộ với mẹ thầy của mình chuẩn bị 50kg nếp và 1 con lợn để làm đám cưới. Nhận được thư và quà, cô giáo vừa mừng, vừa lo. Mừng vì sắp được trở thành cô dâu, trở thành vợ của người lính trận, thỏa lòng mong ước và nỗi khát khao, đợi chờ. Lo vì chiến tranh, bom đạn ngày càng ác liệt, không biết đến bao giờ người yêu mới được trở về. Dù vậy, hằng đêm, sau khi soạn xong giáo án, cô giáo Trinh dành thời gian thêu khăn và đôi gối có hình đôi bồ câu để chờ ngày cưới...

Một thời gian sau, gửi nhiều thư đi nhưng không nhận được hồi âm, “Người gái nhỏ hậu phương” chợt thấy lo lắng, bồn chồn, lòng luôn phấp phỏng, nôn nao.  Rồi, một ngày cuối năm 1971, cô giáo Trinh lặng người khi nhận được tin người yêu vừa hy sinh tại chiến trường Quảng Trị. Một đồng đội gửi thư về báo tin chiến sĩ Hồ Đức Tín bị mảnh bom phạt ngang bẹn làm mất nhiều máu và không thể cứu chữa trong điều kiện đạn bom ác liệt. Đang đứng trên bục giảng, tin dữ chợt đến khiến cô giáo Hoàng Thị Trinh quỵ ngã, các đồng nghiệp phải đưa sang trạm y tế để cấp cứu. Về nhà, cô giáo thẫn thờ, đêm khóc ướt cả gối, rồi lấy những bức thư cũ ra đọc. Linh cảm của người mẹ đã mách bảo con gái mình đang gặp chuyện chẳng lành, mẹ cô hỏi rõ sự tình và khuyên con gái mình hãy gượng lên để tiếp tục sống và làm việc. Nhưng nỗi đau này quá lớn, quá sức chịu đựng đối với một cô gái đang trong độ tuổi yêu đương. Thân hình cô gầy rộc, cặp mắt trũng sâu, hết giờ lên lớp lại về nhà ngồi thẫn thờ, ôm khư khư chồng thư và những kỷ vật của người yêu. Trước tình cảnh đó, bố cô phải cất chồng thư của con gái lên mái tranh, để cô khỏi nhìn thấy lại thêm đau khổ. Tưởng thế là ổn, nhưng ai ngờ suốt ngày Hoàng Thị Trinh lại nằm trên giường, mắt nhìn trân trân lên mái nhà, nơi bố cô cất chồng thư và ngửa mặt khóc. Sợ con gái mình sẽ chết mòn trong đau khổ, bố cô lại lấy chồng thư và các kỷ vật như nón, dép, vải, khăn, gối xuống thắp hương và xin châm lửa để hóa.

Những dòng nhật ký nhuốm “màu thời gian” của bà Tính

Cũng từ đó, cô giáo Hoàng Thị Trinh xin phép bố mẹ liệt sĩ Hồ Đức Tín nhận mình làm con dâu và xin được rước di ảnh người yêu về nhà hương khói. Từ bấy đến nay, tính ra đã 43 năm, quãng thời gian quá dài đối với một đời người. Trong 43 năm ấy, có không ít người đàn ông tìm đến mong được gắn bó, chia sẻ nhưng bà Trinh chỉ trả lời đúng một câu là lửa lòng đã tắt, nguyện suốt đời chung thủy với một người, cho dù người đó không bao giờ trở về giữa cuộc sống thực tại. Bố mẹ lần lượt khuất bóng, rồi bản thân đến tuổi nghỉ hưu, giờ đây đang ở với gia đình người em trai, bà Trinh vẫn thờ di ảnh liệt sĩ Hồ Đức Tín. Bà nói trong nước mắt: “Ngày xưa, anh ấy viết thư trả lời muốn được cùng tôi ăn cơm suốt cuộc đời, có lẽ anh đã thỏa ước nguyện. Vì bữa cơm nào tôi cũng ngước lên di ảnh và thầm gọi tên anh, mời anh cùng ăn”. Dù có tiền lương hưu nhưng bà Trinh vẫn mở một quán nhỏ để bán hàng tạp hóa. Theo bà, thu nhập chẳng đáng là bao nhưng được cái khuây khỏa, tìm được niềm vui và sự chia sẻ. Vào ngày giỗ liệt sĩ Tín, bà lại làm mâm cỗ đem lại nhà bố mẹ đẻ của người yêu để dâng lên ban thờ, xem như mình là một thành viên trong gia đình, là vợ của người đã khuất. Giỗ tết, bà luôn thắp hương và dâng lễ trước di ảnh của người yêu, mong hương hồn người chiến sĩ được yên nghỉ nơi chín suối. Mỗi khi có dịp, đồng đội của liệt sĩ Hồ Đức Tín lại tìm đến nhà bà Trinh, tất cả cùng thắp hương nguyện cầu và chia sẻ khó khăn với người phụ nữ trung trinh, tiết hạnh.

Những người lính năm xưa giờ đầu tóc đã bạc, con cháu đuề huề, mỗi lần về thắp hương cho đồng đội đều không cầm được nước mắt. Trong những giọt nước mắt ấy có sự xót thương cho đồng đội không được trở về, có sự kính trọng và cảm thông với người phụ nữ đã hơn 40 “hóa đá” bên di ảnh người yêu.

Gần nửa thế kỷ viết nhật ký chờ chồng

So với cô giáo Hoàng Thị Trinh, dược sĩ Hà Thị Tính (75 tuổi) ở Phường Hưng Phúc, TP Vinh (Nghệ An) vẫn còn ít nhiều may mắn. Bởi lẽ, dù sao bà cũng đã được làm vợ (dù chồng bà đã hy sinh) và làm mẹ của những đứa con (dù có người bị tật nguyền). Nhưng với cuộc đời bà,  thời gian như ngưng đọng lại và người phụ nữ ấy luôn sống với ký ức của một thời đã qua.

Tiếp chuyện chúng tôi, bà Tính không giấu được vẻ buồn bã và đau khổ. Người phụ nữ bất hạnh ấy chia sẻ: “Trong cuộc sống ồn ào, bon chen, có lúc tưởng chừng như sẽ gục ngã. Nhưng những lúc như thế, nhớ đến chồng, những ký ức về tình yêu đã giúp tôi gượng dậy và nâng bước tôi gữa cuộc đời”. Rồi bà kể về cuộc đời và những trang nhật ký đẫm nước mắt của mình. Bà Tính sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Xuân An, Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Bố và 2 anh trai đều là cán bộ tiền khởi nghĩa, bị địch giết vì đi theo cách mạng. Noi gương cha và anh, năm mới 16 tuổi, cô gái có tên Hà Thị Tính xung phong đi dân công hỏa tuyến. Hai năm sau, cô gái ấy trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ Chủ tịch xã Xuân An. Rồi một ngày tình cờ vì công việc, nữ Chủ tịch xã Xuân An gặp Trần Văn Minh (quê Nghệ An) - chàng thanh niên 18 tuổi tình nguyện lên đường nhập ngũ. Tình yêu của đôi họ đến nhẹ nhàng nhưng hết sức thắm thiết và bền chặt. Không lâu sau, một đám cưới giản dị được tổ chức trong niềm hân hoan của hai bên gia đình và làng xóm. Giống như bao người vợ trông hoàn cảnh chiến tranh, đất nước còn chia cắt, cô dâu Hà Thị Tính hưởng niềm hạnh phúc làm vợ vẻn vẹn chỉ được một tuần lễ, vì cưới được một tuần thì người lính trẻ Trần Văn Minh lại mang balô ra chiến trường.

Bà Hoàng Thị Trinh và đồng đội trong ngày giỗ liệt sĩ Hồ Đức Tín

Theo lời bà Tính, suốt cả cuộc đời bà chưa bao giờ bà được ở bên cạnh chồng hơn một tuần lễ. Bởi lẽ, ông Minh đi biền biệt, đi từ chiến trường này đến chiến trường khác. Nhưng hễ dừng chân ở đâu, có thời gian rảnh là ông lại viết thư về thăm vợ. Đây là một đoạn trong một bức thư ông Minh gửi vợ: “Em yêu thương của anh ơi! Đằng đẵng hai năm trời mà anh và em không nhận được lá thư nào, lòng anh như lửa đốt.  Anh rất tin ở em và mong em làm bằng được mọi điều như những người phụ nữ  “ba đảm đảng khác”. Anh cũng xin hứa với em và các con trong mọi hoàn cản công tác, lập trường luôn hoàn thành tốt để xứng đáng là người chồng của em, người bố của các con…  Ngày 10-6-1962”. 

Ở nhà, bà Tính luôn nâng niu và xem những lá thư của chồng là báu vật của riêng mình. Lòng bà thấp thỏm lo âu, chờ đợi tin tức của người lính trận. Chiến tranh không ước hẹn, trong đợi chờ và nỗi lo âu, người vợ trẻ chỉ biết trải lòng mình lên trang viết (sau này bà gọi đó là những trang nhật ký): “Anh Minh! Trong bom rơi, đạn nổ ở chiến trường, những lúc có thể, anh lại tranh thủ cố gắng viết thư về cho vợ, cho con. Bao giờ cũng vậy, thư nào anh viết cũng động viên em cố gắng vượt qua mọi khó khăn vất vả để anh yên tâm hoàn thành nhiệm vụ…”.

Từ ngày lên đường nhập ngũ, ông Minh chỉ kịp về thăm nhà 2 lần, bà Tính nhớ rất rõ lần thứ nhất vào năm 1961. Đến năm 1964, trước khi được điều động chuyển sang công tác “đặc biệt” tại Thái Lan, ông được cấp trên cho phép về thăm vợ con, bà không ngờ rằng, đó là lần cuối cùng mình còn được nhìn thấy chồng bằng da, bằng thịt. Để rồi, vào một ngày cuối Thu năm 1967, bà Tính nhận báo tử của chồng, bàng hoàng đau đớn đến tê dại. Bà không dám tin đó là sự thật, không thể khóc nổi thành lời. “Tôi không thể tin nổi, tôi vẫn cố nghĩ là anh ấy vẫn còn sống, biết đâu anh Minh đi tuyến Thái Lan, thời đó Đảng ta đang còn giữ bí mật nên phải có giấy báo tử sống để anh hoạt động. Từ đó, tôi không nhớ đã có bao nhiêu đêm mình ngồi viết nhật ký chờ chồng” - bà kể lại. Bà cứ chờ đợi với niềm tin như thế, nên bà luôn gắng gượng để hoàn thành mọi công việc được giao. Mãi đến năm 1984, khi đất nước thống nhất đã gần 10 năm, tình cờ bà Tính gặp lại người đồng đội cũ của chồng. Người ấy đã nắm lấy tay bà và khóc: “Anh Minh đi thật rồi, chị cố gắng thay anh ấy dạy dỗ các cháu”. Lúc đó, bà mới tin là chồng đã ra đi thật. Đêm đó, bà ngồi khóc một mình, đúng hơn là với chiếc bóng của chính mình.

Bà Hà Thị Tính và ông Trần Văn Minh có với nhau 3 người con, 2 người con gái đầu và cậu con trai út. Năm 1967, khi vừa nhận Giấy báo tử của chồng không lâu thì trong một trận bom kinh hoàng, con trai 4 tuổi Trần Hồng Sơn bị sức ép của bom Mỹ nên bị thương nặng, dẫn đến bại liệt. Người mẹ ấy đã gồng mình gánh vác mọi công việc, chăm con trai thương tật và nuôi 2 con gái học hành. Lúc bấy giờ, bà Tính đang công tác tại Trạm Kiểm định chất lượng dược phẩm, thuộc Sở Y tế Nghệ Tĩnh. Những năm tháng bao cấp, rau hết gạo cạn, ban ngày đi làm, ban đêm về bóc lạc và đan áo thuê để kiếm tiền nuôi con. Và có lúc bà tưởng chừng như gục ngã. Những lúc như thế, bà Tính lại lần giở, tìm đọc những lá thư chồng gửi về năm xưa, nhìn lại nét chữ thân thương, lẩm nhẩm lời dặn dò mẹ con ở nhà phải thật kiên cường, đảm đang. Những lá thư ấy đã tiếp cho bà thêm sức mạnh để vượt lên hoàn cảnh khó khăn, khổ cực. Rồi bà vặn nhỏ ngọn đèn dầu, giở từng trang nhật ký... Hôm nay xảy ra chuyện gì, những vất vả, thiếu thốn, sự khôn lớn của từng đứa con bà đều chia sẻ với chồng. Những lúc như thế bà luôn có cảm giác chồng đang ở bên và nghe được những điều bà nói, những trăn trở và khó khăn mẹ con bà đang gặp phải. Hễ làm việc bà cũng “hỏi ý kiến” hoặc “báo cáo” với chồng. Bà vẫn nghe văng vẳng đâu đây tiếng ông động viên và nhắc nhở. Bà luôn hứa với chồng sẽ cố gắng nuôi dưỡng các con khôn lớn, trưởng thành. Rồi đến lúc 2 cô con gái đi học xa và bước chân theo chồng, những đêm giao thừa mình bà với đứa con trai tật nguyền trong căn nhà quạnh quẽ, bà lại chạnh lòng rồi có chút giận hờn, trách móc: “...Cuộc đời anh, tuy thương vợ, thương con nhưng vợ con chỉ có một phần bé nhỏ trong trái tim anh. Anh đã từng nói với em: “Trong chiến đấu, trước mắt anh là kẻ thù của nhân dân”. Như vậy, cuộc đời anh, anh trọn vẹn với nhân dân, còn em và con anh bỏ lại”. Và nữa: “Anh đi anh im lặng! Để lại cho cuộc đời 4 mẹ con em đầy đắng cay và đau khổ...”.

Những cuốn nhật ký có trang được dán kín lại, đó chính là những điều riêng tư mà bà chỉ muốn nói với chồng, không thể chia sẻ cùng ai. Có những thời gian bà viết liên tục, nhưng có những khi ngắt quãng cả tháng trời, đó là những lần công việc quá vất vả và bà còn phải lo chạy chữa thuốc thang cho con trai. Đứa con trai út luôn là nỗi niềm đau đáu của  bà. “Mỗi lần cho con ăn, em lại khóc. Em còn sống, em thay anh chăm sóc Sơn, em chết đi, ai chăm sóc con?... Đã hơn 30 năm rồi nhưng có những đêm em không thể nào chợp mắt được”. Rồi một ngày đầu năm 2009, Trần Văn Sơn - con trai út của bà đã lặng lẽ ra đi ở tuổi 45. Cuộc đời bà Tính giờ đây thêm một lần đau đớn.

Mong mỏi lớn nhất của cuộc đời bà Hà Thị Tính là đưa được hài cốt chồng về quê hương. Ngày bà cùng đồng đội của chồng sang xứ sở Chùa Vàng tìm mộ chồng, khi đặt chân lên bản làng ven sông Mê Công ở Thái Lan, linh cảm rằng chồng đang nằm đâu đây, bà Tính thắp mấy nén nhang, ngửa mặt lên trời bà thầm cầu khấn. Và điều kỳ diệu đã đến, người đồng đội cũ của ông Minh đã phát hiện ra mộ năm xưa. Mộ ông Minh nằm cô đơn bên triền núi ven sông, xung quanh cỏ mọc um tùm. Sau hơn một giờ đồng hồ đào xới, những mảnh hài cốt màu trắng lộ ra dưới vồng đất đen, khoảnh khắc đó bà Tính chỉ biết lao xuống ôm nắm xương của chồng rồi òa khóc. Nước mắt của sự mừng vui sau suốt mấy chục năm trời, ước mong tìm di cốt chồng giờ đã toại nguyện. Dòng nước mắt ấy còn là nỗi xót xa, đau đớn khi người chồng yêu dấu  năm xưa giờ chỉ là nắm xương tàn dưới nấm mồ hoang vắng. Buổi sáng ngày hôm ấy bầu trời nặng trĩu, rồi mưa xối xả. Hài cốt của liệt sĩ Trần Văn Minh được gói vào balô theo bà cùng cháu ngoại và đồng đội trở về quê hương… Cuối cùng, bà Tính cũng chờ được ngày trở chồng về! Và hằng đêm, bà vẫn trò chuyện với chồng qua những trang nhật ký.

“Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ” nhưng xét ở một góc độ nào đó, phụ nữ là những người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của chiến tranh. Có thể thấy, cuộc đời bà Hoàng Thị Trinh và Hà Thị Tính là điển hình cho số phận đau thương, bất hạnh của bao người phụ nữ Việt Nam trước mầm họa chiến tranh. Họ đã “hóa đá” để chờ đợi người bạn đời theo bước chiến chinh.

Phóng sự của Bùi Khánh Huyền