Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam có thể trở thành "vịnh tránh bão”?

12:23 | 29/10/2018

226 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, Việt Nam có thể có cơ hội nhận được nhiều hơn các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, đón được một phần dòng vốn FDI đang rời khỏi Trung Quốc để né thuế, tức là có thể trở thành vịnh tránh bão trong cuộc chiến này thay vì chỉ chịu tác động tiêu cực.
chien tranh thuong mai my trung viet nam co the tro thanh vinh tranh bao
Đại biểu Hà Sỹ Đồng tham gia thảo luận tại Nghị trường.

Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Nghị trường Quốc hội, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, ngành du lịch đang đối mặt với sự thách thức từ sự giảm tốc nhanh của khách du lịch quốc tế, sâu xa hơn, đó là tác động của chiến tranh thương mại đến nhu cầu của thị trường Trung Quốc, thị trường lớn thứ 2 về hàng hóa và lớn nhất về du lịch của Việt Nam.

"Đây sẽ là rủi ro không chỉ cho năm 2018 mà còn cho cả các năm tiếp theo", ông Đồng nhận định.

Đại biểu Đồng cũng nhấn mạnh đến yếu tố bên ngoài có tầm ảnh hướng rất lớn đối với chúng ta, đó là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang tiếp tục leo thang. Xâu chuỗi các sự kiện kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự liên quan đến Mỹ - Trung cho thấy cuộc chiến Mỹ - Trung đã bộc lộ một bản chất là một cuộc đối đầu chiến lược, không phải thuần túy về thương mại.

"Như vậy, chúng ta cần xác định rõ đây là cuộc chiến tổng lực lâu dài đối với cả hai bên, cả về thương mại kinh tế nói chung, cả về an ninh, quân sự và đối ngoại. Việt Nam với vị thế đặc biệt là sát cánh và còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Cả Mỹ và Trung Quốc hiện là hai thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất, nhì của Việt Nam", ông Đồng nhấn mạnh.

Trong khi đó, vấn đề biển Đông được vị đại biểu đánh giá là đầy phức tạp và nhạy cảm nên sẽ chịu tác động rất lớn bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dễ thấy ngay là chịu sự rủi ro cao về thương mại, về tiền tệ và dòng vốn.

"Tất nhiên, Việt Nam cũng có thể có cơ hội nhận được nhiều hơn các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, đón được một phần dòng vốn FDI đang rời khỏi Trung Quốc để né thuế, tức là có thể trở thành vịnh tránh bão trong cuộc chiến này thay vì chỉ chịu tác động tiêu cực", ông nói.

Ông Đồng cho rằng, đây là thời điểm đặc biệt nhạy cảm, đòi hỏi chính sách ngoại giao của Việt Nam phải hóa giải được tình thế lưỡng nan cũng như chớp được cơ hội, đồng thời tránh hoặc giảm thiểu được những rủi ro, mối nguy tiền ẩn này.

Nói về nội dung này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không chỉ là câu chuyện của tranh chấp thương mại nữa mà còn là những cuộc tranh chấp lớn về những vị trí trong bản đồ chính trị thế giới và câu chuyện của địa chính trị, những vấn đề lớn của chính trị đối ngoại.

"Vì vậy, có rất nhiều hệ lụy nhưng Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này. Các bộ, ngành có liên quan cũng đã có nghiên cứu và có sự phối hợp thường xuyên để báo cáo đầy đủ, kịp thời cho Chính phủ", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, trong điều hành thường xuyên cũng như các chiến lược sắp tới thì đều đã có những khuyến nghị và có những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chúng ta triển khai trong thời gian tới, khai thác tốt những cơ hội và hạn chế những nguy cơ, những tác động tiêu cực và hệ lụy của nó ảnh hưởng tới quan hệ đối ngoại cũng như thương mại quốc tế những vấn đề khác nhạy cảm hơn.

Còn theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM), khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc xảy ra trong năm 2018 đã tác động đến thị trường tiền tệ quốc tế, nhiều đồng tiền trên thế giới mất giá từ 10-20%, nhưng ở Việt Nam thấy tỷ giá biến động nhẹ và được kiểm soát trong phạm vi chúng ta cho phép. Bên cạnh đó vấn đề về môi trường cũng được quan tâm chặt chẽ, tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhờ vậy mà Tổ chức WEB khi đánh giá về yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam thì đánh giá điểm rất cao là 75 điểm so với 12 yếu tố chỉ có 58 điểm.

"Tình hình kinh tế thế giới trong thời gian tới, tôi thấy còn rất nhiều phức tạp và có rất nhiều rủi ro, diễn biến khó lường và ngay đầu tháng 10 Tổ chức IMF đã cắt dự báo về tăng trưởng kinh tế của toàn thế giới 0,2%, dự báo trước đây là 3,9% bây giờ chỉ còn là 3,7%. Với một độ mở kinh tế là trên 200% thì tôi nghĩ rằng chúng ta chắc chắn sẽ bị những thách thức nhất định từ những biến động kinh tế thế giới", ông nói.

Do đó, ông Ngân cho rằng, điều quan trọng hiện nay là chúng ta cần phải nhìn nhận lại đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thành công ở nước ta trong năm 2018, để từ đó giúp chúng ta thực hiện được kế hoạch kinh tế - xã hội ở giai đoạn 2016 - 2020.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban dân nguyện cho rằng, cần tăng cường công tác dự báo tình hình trên tất cả các lĩnh vực trong và ngoài nước. Trong đó, chú ý nhất là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, nhằm tranh thủ thời cơ, tận dụng tối đa các cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có ưu thế của Việt Nam, đó là nông sản, thủy sản, gỗ, sản phẩm từ gỗ, rau quả, v.v...

"Bên cạnh đó, sẵn sàng đưa ra các giải pháp hạn chế những thách thức có thể xảy ra đối với nền kinh tế mà nhất là các vấn đề có liên quan đến xuất, nhập khẩu và dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc và tỷ giá. Nếu chúng ta dự báo tốt thì sẽ làm giảm thiệt hại cho nền kinh tế mà trực tiếp sản xuất ra hàng hóa là người nông dân. Bên cạnh đó, còn tránh được tình trạng được mùa mất giá cũng như giải cứu các mặt hàng ở lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian vừa qua", ông Hải nhấn mạnh.

Theo Dân trí

chien tranh thuong mai my trung viet nam co the tro thanh vinh tranh bao

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam "lo ngại hơn là thuận lợi"

Đại biểu Quốc hội đánh giá, biến động chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động tới vĩ mô, thậm chí nếu nhìn lại vấn đề xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ thì "chúng ta sẽ rất kẹt".