“Chất vàng mười” trong người công nhân ngành điện

18:15 | 28/09/2020

200 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ai đã từng đọc tác phẩm văn học “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân sẽ không thể quên “chất vàng mười” mà ông nói đến trong tùy bút ca ngợi vẻ đẹp, ca ngợi bản tính quý báu của con người Tây Bắc được tôi luyện trong cuộc sống, giống như thứ vàng mười được tôi luyện trong lửa. Trong cuộc sống ngày nay, chúng ta đều bắt gặp “chất vàng mười” ấy ở những con người bình dị với những công việc thường ngày nhưng đã cống hiến tâm huyết của mình để góp phần cho sự phát triển của đất nước. Trong vô số những con người ấy, chúng ta ắt hẳn sẽ không bao giờ quên hình ảnh những chiến sĩ áo cam, những người lính ngày đêm chiến đấu bền bỉ trên tất cả các mặt trận “nắng, mưa” của cuộc sống để giữ gìn nguồn điện sáng cho mọi người.
1410-b54b3a6a-e36f-4424-8cb0-ca13da742eae

Bất kỳ ở đâu, thời tiết thế nào, các anh công nhân điện vẫn sẵn sàng có mặt để mang ánh điện đến người dân một cách sớm nhất

Những người công nhân ngành điện ở đâu cũng vậy, dễ thích nghi và lạc quan yêu đời - đó là những ấn tượng ban đầu của tôi khi tiếp xúc với các anh. Hôm ấy là ngày nghỉ, tôi hẹn ông anh bạn làm bên ngành điện lực đi cafe để trò chuyện, chia sẻ về công việc và cuộc sống. Cuộc trò chuyện chỉ vừa được đôi dăm câu, ly cafe bưng ra chưa kịp nhấp môi thì anh lại vội vàng cáo lỗi với tôi vì: “Có sự cố điện, tổng đài gọi nên phải trở về đơn vị để xử lý”. Trước khi rời đi, anh ngoái đầu lại nhẹ nhàng cười tạm biệt và chỉ vội nói: “Chú thông cảm, nghề của anh là thế! Không kể ngày đêm nắng mưa, chỉ cần ở đâu người dân cần, tụi anh đều lên đường làm nhiệm vụ”. Chứng kiến nỗi vất vả, nhọc nhằn của những người thợ điện, nghe các anh kể về cuộc sống và công việc mới thấy đối với những người thợ điện không chỉ có trách nhiệm mà có lẽ phải có lòng yêu nghề, say nghề và sự hi sinh thầm lặng mới có thể làm được.

Với tôi, ấn tượng về các anh có lẽ là bộ trang phục áo cam bạc màu dần theo năm tháng, khuôn mặt rám nắng, đôi bàn tay chai sần, tinh thần làm việc trách nhiệm…. Có lẽ, đó là “chất vàng mười” mà Nguyễn Tuân đã từng ca ngợi về người lao động trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà”.

Mỗi nghề đều có những đặc trưng và cái khó của nghề đó. Nhưng có thể nói, công việc của những người thợ điện lại mang nét riêng biệt. Chỉ cần chuông điện thoại reo, bất kể những ngày nắng hay những ngày mưa bão gió lớn, các anh vẫn lên đường. Hiểu được công việc của các anh, tôi mới thấm thía hết những gian nan, vất vả mà các anh đã phải “nếm” trong suốt bao năm công tác.

Vào mùa mưa bão khi gió lớn, lốc, lũ đổ về, hệ thống lưới điện chịu nhiều tác động; nhiều cột điện, đường dây có khi bị cuốn quật ngã. Và mỗi khi gặp sự cố dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người thợ điện đều phải vác ba lô đồ nghề lên đường, có mặt sớm nhất tại hiện trường để khắc phục sự cố một cách nhanh nhất. Bởi các anh đều hiểu, nếu chậm cấp điện trở lại sẽ gây nhiều cản trở cho hoạt động bình thường của người dân và các cơ quan hành chính, kéo theo sự thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng tới sinh hoạt của rất nhiều người.

Hay những ngày nắng nóng kéo dài khi mọi người được hưởng cái không khí dễ chịu trước máy quạt hay điều hòa thì những người thợ điện vẫn làm việc miệt mài, treo mình trên cột điện. Hình ảnh đó hiện lên thật đáng khâm phục!

Và bất kể sáng sớm hay đêm khuya, các anh vẫn thầm lặng bám trụ cùng những tuyến đường dây, cùng vị trí cột, với từng chiếc cờ lê, mỏ lết, kìm kẹp… để phát hiện, xử lý kịp thời những sự cố dù là nhỏ nhất. Các anh tâm sự: “Đối với chúng tôi, công việc xử lý sự cố cũng giống như chăm sóc con nhỏ. Chỉ cần chậm một phút là nhiều nhà phải chờ điện, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất”. Rõ ràng, để làm công việc này thì đòi hỏi tinh thần của các anh lúc nào cũng phải sẵn sàng và khẩn trương, chỉ cần "gọi là chạy". Tất cả chỉ bởi một lẽ rất giản đơn là sự an toàn, thông suốt và bình yên của dòng điện. Gian nan, vất vả là vậy nhưng mỗi khi xử lý xong sự cố và nghe thấy tiếng reo hò của người dân “Có điện rồi, có điện rồi!” đối với các anh là một niềm tự hào và vui sướng. Chia sẻ với chúng tôi, các anh bảo vui: “Nghe tiếng reo của người dân, chúng tôi vui như nhận tin nhắn tit tít của người yêu ấy”.

1411-cong-nhan-2-b65975dacfc54adcbf9a6c6d9f75201620200924163934
Không kể nắng nóng, “chất vàng mười” trong những chiến sỹ áo cam vẫn luôn tồn tại vì mục đích cuối cùng là giữ gìn nguồn điện sáng

Dù vất vả, áp lực công việc là thế nhưng dường như trên những khuôn mặt đen sạm vì rám nắng ấy lại luôn luôn tỏa sáng bởi nụ cười như luôn hiện hữu trên khuôn mặt các anh. Dẫu biết nghề điện lực như “làm dâu trăm họ”, vẫn có lúc, vẫn có nơi, một số người dân chưa thực sự chia sẻ, cảm thông với công việc của mình. Thế nhưng, dù bất cứ hoàn cảnh nào, các anh vui cười và cố gắng khắc phục sự cố nhanh nhất để đem ánh sáng đên cho người dân và khách hàng.

Có lẽ, bên cạnh tinh thần làm việc hăng say thì “chất vàng mười” ở các anh còn là “cái tình”. Bởi lẽ, trong quá trình làm việc, gắn bó, vui có, buồn có; thậm chí là có cả tình huống "éo le” nhưng trong các anh đều đọng lại tình cảm chân thành, chan hòa, giúp đỡ lần nhau. Đó là tình cảm giữa những người “lão làng” trong nghề sẵn sàng chia sẻ những kiến thức, những kinh nghiệm trong cuộc sống để các bạn trẻ có thể tiến bộ hơn. Vì thời gian làm việc không cố định, phải luôn luôn xa nhà, phải luôn luôn ăn vội những bữa cơm bên cột điện, giữa rừng sâu… nên các anh luôn coi nhau như anh em ruột thịt, luôn hỗ trợ giúp đỡ nhau. Những khi nhận nhiệm vụ khó khăn, phải xử lý trong đêm bão hoặc phải xung phong vào những vùng sâu xa thì cánh thợ trẻ sẵn sàng xung phong nhận công việc khó, nặng nhọc, tạo điều kiện cho các bác, các chú lớn tuổi được làm những công việc nhẹ nhàng hơn...

Với tinh thần trách nhiệm trong công việc, với tình người ấm áp cùng nhau chia sẻ và giúp đỡ nhau trong khó khăn, những người lính áo cam dường như tỏa sáng trên mọi nẻo đường của quê hương. Họ không chỉ đem ánh sáng đến mọi người mà ở họ còn tỏa sáng vẻ đẹp “vàng mười” của con người Việt Nam.

Văn Hiển (EVNCPC)