Sức mạnh đoàn kết biến điều không thể thành có thể
Kịp thời gỡ các “nút thắt”
Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối (Đường dây 500kV mạch 3) có quy mô đầu tư lớn với 4 dự án thành phần, tổng chiều dài 519km, 2 mạch, tổng vốn đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng. Thông thường, một dự án tương tự phải thi công ít nhất 3-4 năm, trong khi mục tiêu cấp bách Chính phủ đề ra phải hoàn thành đường dây này trong thời gian 6 tháng. Ngay từ khi khởi công, rất nhiều người cho rằng, đây gần như là một nhiệm vụ “bất khả thi”, bởi muôn vàn những khó khăn phải đối mặt.
Đầu tiên, phải kể đến những thách thức lớn trong thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Dự án đi qua 9 tỉnh, 43 huyện, 211 xã, phải thu hồi khoảng 1,83 triệu m2 đất, di dời, hỗ trợ, tái định cư, ổn định sản xuất cho 5.415 hộ dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã 3 lần kiểm tra công trường, 6 lần chủ trì các cuộc họp, ban hành nhiều công điện, văn bản tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công cho đường dây 500kV mạch 3 - Ảnh: Ngọc Tuấn |
Tại thời điểm 27-28/1/2024, khi Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đi kiểm tra công trường thi công và làm việc trực tuyến với 9 địa phương có dự án đi qua, công tác giải phóng mặt bằng còn rất chậm và nhiều vướng mắc.
Tại buổi làm việc này, Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là dự án trọng điểm quốc gia, đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ, ngành, các tỉnh có đường dây đi qua và người dân bị ảnh hưởng bởi dự án; đòi hỏi phải phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, chúng ta phải đối mới cách làm, trước đây, chỉ có chủ đầu tư, giờ các địa phương cũng phải vào cuộc, cùng nhau bàn bạc, cùng nhau làm vì nhiệm vụ chung, đặt lợi ích của quốc gia, lợi ích của dân tộc lên trên hết. Sau cuộc họp này, tinh thần “Chỉ bàn làm, không bàn lùi", "Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, làm việc 3 ca, 4 kip, xuyên lễ, xuyên Tết” của Thủ tướng Chính phủ được lan tỏa rộng khắp; lãnh đạo, chính quyền các cấp ngay lập tức bắt tay vào hành động.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho hay, khi có chủ trương triển khai dự án đi qua địa bàn tỉnh với chiều dài gần 100km, 202 vị trí móng cột; địa bàn triển khai dự án rộng, trải dài qua 6 huyện, nhiều điểm có địa hình phức tạp, hiểm trở; phải tiến hành thu hồi, chuyển đổi diện tích lớn các loại rừng, đất, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng…, tỉnh Nghệ An cũng rất áp lực trước yêu cầu gấp rút về tiến độ. Tuy nhiên, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Nghệ An xác định việc triển khai dự án là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng được ưu tiên hàng đầu. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt, linh hoạt, “khó ở đâu tháo gỡ ở đó”. Trước các vấn đề, tình huống phát sinh, lãnh đạo tỉnh đã có mặt ngay tại hiện trường để tập trung xử lý; nhận được thông tin phản ánh vướng mắc, tỉnh cho kiểm tra, chỉ đạo xử lý ngay không chờ văn bản báo cáo.
Một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của đường dây 500kV mạch 3 là nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Trong ảnh: Người dân tỉnh Nghệ An xem triển lãm ảnh về quá trình thi công đường dây tại lễ Khánh thành ngày 29/8/2024 - Ảnh: Thành Vinh |
Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, để phục vụ dự án, tỉnh phải giải phóng mặt bằng, thu hồi hơn 581.000 m² tại vị trí móng và gần 4 triệu m² trong hành lang an toàn, ảnh hưởng đến 1.276 hộ dân. Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho biết, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung cao cho công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của công dân; thực hiện tốt phương châm: Tuyên truyền liên tục, vận động đa chiều; tuyên truyền, vận động là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành thông qua kênh các cơ quan truyền thông, qua mạng xã hội và qua tuyên truyền miệng. Trong quá trình thực hiện, cán bộ, Đảng viên phải nêu gương, tạo sức lan tỏa. Các lực lượng chức năng công an, quân sự sâu sát cơ sở nắm chắc tình hình, thường xuyên báo cáo cấp ủy các vấn đề phát sinh, ngăn chặn kịp thời các đối tượng xấu xuyên tạc, kích động nhân dân…
Không chỉ có vậy, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư, nhà thầu và các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc tác động vào rừng để mở đường tạm, công trình tạm phục vụ thi công, do chưa có các quy định của pháp luật hướng dẫn về thủ tục tác động vào rừng. Ngay lập tức, người đứng đầu Chính phủ vào cuộc. Dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, sự vào cuộc của Bộ NN&PTNT, ngày 06/3/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/NĐ-CP ngày 16/11/2018, trong đó quy định về tạm sử dụng rừng phục vụ thi công dự án lưới điện vì lợi ích quốc gia, công cộng, kịp thời tháo gỡ “nút thắt” này…
Với nỗ lực lớn, hành động quyết liệt từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ của người dân, công tác giải phóng mặt bằng - vốn là một trong những “điểm nghẽn” lớn của nhiều dự án, công trình điện – đã được gỡ khó kịp thời, để chủ đầu tư bàn giao mặt bằng các vị trí móng, khoảng néo cho nhà thầu theo tiến độ thi công.
Linh hoạt, sáng tạo trong triển khai
Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối đòi hỏi cung cấp khối lượng vật tư, thiết bị quy mô lớn trong một thời gian ngắn, nên luôn đối mặt với nguy cơ thiếu hụt, không bảo đảm tiến độ cung cấp vật tư, thiết bị, máy móc phục vụ thi công.
Toàn tuyến với 1.177 vị trí cột triển khai đồng loạt nên việc huy đôngj máy móc, đặc biệt là những thiết bị chuyên dụng là bài toán không đơn giản. Trong đó, toàn tuyến có tới 239/1177 vị trí móng cọc – đây là những vị trí phải huy động đồng thời các máy ép cọc có trọng tải lớn, thời gian thi công trung bình 100 ngày/móng, trong khi số lượng máy ép cọc của các nhà thầu có hạn. Có những thời điểm, thiếu máy ép cọc/đóng cọc, lãnh đạo EVN/EVNNPT đã thường xuyên có mặt tại công trường, sâu sát với các nhà thầu để huy động, điều động máy móc, thiết bị, đảm bảo tiến độ thi công.
Địa hình thi công khó khăn, thời tiết khắc nghiệt là một trong những thách thức lớn trong quá trình thi công đường dây 500kV mạch 3 - Ảnh: Thành Vinh |
Hay việc cung cấp cột thép cũng là một thách thức lớn. Với 1.177 vị trí cột, tương đương hơn 139.000 tấn thép, yêu cầu trong thời gian ngắn, đòi hỏi các nhà sản xuất cột thép phải huy động tất cả các nguồn lực, làm việc tăng ca để đáp ứng tiến độ. Để đảm bảo tiến độ, EVN/EVNNPT, các nhà thầu đã áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo để xử lý kịp thời các phát sinh bảo đảm có đủ vật tư đầu vào. Cụ thể, EVNNPT cử người trực tiếp sang làm việc với các nhà sản xuất thiết bị, vật tư nước ngoài để thương lượng, đàm phán, thu xếp việc nhập khẩu hàng; lãnh đạo EVN/EVNNPT, các ban quản lý dự án xuống tận xưởng sản xuất để kiểm tra, đôn đốc việc giao hàng đúng tiến độ; yêu cầu nhà cung cấp tập trung ưu tiên nguồn lực để sản xuất thiết bị, vật tư phục vụ trước cho dự án trọng điểm quốc gia…
Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo, làm việc không có ngày nghỉ để tạo điều kiện cao nhất cho các vật tư, thiết bị nhập khẩu được giao theo đúng tiến độ đề ra. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị vận tải biển đã kịp thời “tiếp sức”, vận chuyển gần 1.000 container vật tư, thiết bị nhập khẩu từ các nước về Việt Nam để bàn giao cho các đơn vị thi công đúng tiến độ, chất lượng.
Một trong những “đặc sản” và cũng là thách thức lớn trong thi công đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối đó là địa hình và thời tiết quá khắc nghiệt. Đường dây đi qua nhiều vị trí qua ao hồ, đầm lầy, phải vận chuyển vật tư, thiết bị bằng sức người, do xe cơ giới không vào được. Hay những vị trí trên núi cao, móng cột dài, dốc, nên rất khó khăn khi trời mưa đường dốc, trơn trượt, phải vật chuyển thiết bị bằng xe chuyên dụng…
Cùng với đó là diễn biến bất lợi của thời tiết, thời điểm các tháng 4, 5, 6, 7 và 8, mưa nắng thất thường, khắc nghiệt. Tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa thường xuyên nắng nóng gay gắt, nhiều ngày có mưa lớn kèm theo giông, sét; các vị trí trên dãy Hoành Sơn thường có gió mạnh từ 3 đến 7 tiếng/ngày nên nhiều thời điểm phải dừng thi công để đảm bảo an toàn cho người lao động và thiết bị thi công.
Khó khăn chồng chất, nhiều thời điểm, các đơn vị, nhà thầu thi công tưởng chừng không thể vượt qua được. Song “trong cái khó ló cái khôn”, chủ đầu tư và các nhà thầu đã điều hành rất linh hoạt, ứng dụng nhiều sáng kiến, công nghệ vào công tác thi công, đảm bảo tiến độ dự án.
Công nhân lơ lửng trên độ cao hàng chục, hàng trăm mét trong quá trình thi công dự án - Ảnh: Thành Vinh |
Ông Vũ Ánh Dương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 chia sẻ, tham gia thi công đường dây 500kV mạch 3, tất cả các đơn vị cảm nhận được sự hỗ trợ chân thành, quyết liệt và luôn đồng hành, từng bước tháo gỡ các đường găng của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng ứng dụng triệt để công nghệ số trong quản lý dự án, điều hành và giám sát dự án, cập nhật tiến độ theo thời gian thực. Đặc biệt, rất nhiều sáng kiến, sáng tạo và công nghệ tiên tiến lần đầu tiên được áp dụng đã mang lại nhiều lợi ích như: Sử dụng nhiều thiết bị chuyên dụng, cơ giới hóa để tăng tốc tiến độ như máy đóng cọc chuyên dụng, bê tông tươi và bơm chuyên dụng; sử dụng cẩu lớn lắp dựng cột; sử dụng thiết bị bay để kéo rải dây mồi, thiết bị kéo hãm thủy lực đồng bộ có thể cùng lúc kéo rải 4 dây dẫn kích thước lớn khoảng néo dài…
Công trình của niềm tin và sức mạnh đại đoàn kết
Đường dây 500kV mạch 3 có lẽ là dự án lưới điện truyền tải lập kỷ lục về số người tham gia, với khoảng 23.000 người.
Trong giai đoạn thi công móng, dự án đã huy động hơn 7.273 lao động phổ thông ở các địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”. Bước sang giai đoạn thi công dựng cột, kéo dây, do đặc thù của công việc nên yêu cầu nhân công phải có chuyên môn, sức khỏe để làm việc trên cao, cường độ lớn, liên tục nhiều ngày trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nắng, nóng, gió mạnh. Lúc này, một bài toán khó tiếp tục được đặt ra, đó là nhà thầu chỉ đáp ứng được 50% yêu cầu về nguồn nhân lực.
Thi công đường dây 500kV mạch 3 đã được huy động tổng lực với nhiều lực lượng tham gia |
Tinh thần “Chỉ bàn làm, không bàn lùi” lại tiếp tục được phát huy. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và lời hiệu triệu của EVN, các cơ quan, đơn vị đã tích cực vào cuộc, hỗ trợ EVN/EVNNPT và các nhà thầu trên mọi phương diện. Trong đó, EVN đã huy động hơn 3.300 cán bộ, kỹ sư có chuyên môn, tay nghề cao đến từ 5 Tổng công ty Điện lực và 4 Công ty Truyền tải điện. Các tập đoàn Viettel, VNPT, PVN hỗ trợ thêm hơn 250 kỹ sư, công nhân tham gia dựng cột, kéo dây. Lực lượng Công an, Quân đội, dân quân tự vệ đã huy động lên đến hơn 1.500 người tham gia hỗ trợ vận chuyển vật tư thiết bị, kéo dây tại các vị trí thi công khó khăn, đảm bảo an ninh, trật tự. Đoàn Thanh niên các tỉnh đã huy động hàng trăm tổ đội với hơn 6.000 đoàn viên tham gia hỗ trợ thu dọn nhà cửa, vật kiến trúc dưới hành lang tuyến, phân luồng giao thông…
Cùng với đó, các cơ quan, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương như Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội liên hiệp phụ nữ cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên, tích cực tham gia công tác hậu cần, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho kỹ sư, công nhân tham gia dự án. Chính quyền các cấp và lực lượng công an địa phương đã đảm bảo an ninh trật tự, bố trí nơi ăn, chốn ở chu đáo cho lực lượng thi công…
Có thể nói, cả hệ thống chính trị đã cùng góp sức, để ngành Điện Việt Nam viết tiếp kỳ tích trong xây dựng đường dây siêu cao áp đường dây 500kV Bắc-Nam.
Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, nếu đường dây 500kV mạch 1 được xây dựng bằng tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, đường dây 500kV mạch 2 được xây dựng bằng tinh thần phát huy nội lực và chứng minh khả năng tự cường dân tộc, thì đường dây 500kV mạch 3 được xây dựng trên tinh thần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, người dân đã chung sức, đồng lòng cùng giải quyết khó khăn, đổi mới cách làm để sau hơn 6 tháng thi công đã hoàn thành theo đúng tiến độ.
Tại lễ khánh thành ngày 29/8/2024, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Đường dây 500kV mạch 3 là công trình của niềm tin và sức mạnh đại đoàn kết, quan điểm "Dân là gốc" của Đảng, Nhà nước ta, sự chung sức, đồng lòng, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là công trình thể hiện khát vọng, tự tin, bản lĩnh, giá trị con người Việt Nam, với tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", tinh thần đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, của sự quyết tâm vượt lên mạnh mẽ của đất nước chúng ta.
H.Hoa
-
Thủ tướng: 5 định hướng, 11 nhiệm vụ để tạo "cuộc cách mạng cho cây lúa"
-
PC Long An: Hơn 5 giờ khắc phục sự cố điện do thiết bị Drone gây ra
-
Thủ tướng: Chuyển đổi số cần hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tăng tốc, bứt phá hơn
-
Giá điện tăng ảnh hưởng như thế nào tới người dân, doanh nghiệp?
-
Giá bán lẻ điện tăng 4,8% từ 11/10: EVN khẳng định mức tăng hài hòa an sinh xã hội
-
Hành động đẹp của những nhân viên điện lực
-
[PetroTimesMedia] Bel Albatros: Tái chế rác thải nhựa thành vật liệu kiến trúc nghệ thuật
-
Luật Điện lực (sửa đổi) tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi năng lượng bền vững
-
Tiến bộ công nghệ khoan dầu khí tiên tiến trên đất liền và ngoài khơi (Kỳ 2)
-
Trao quyết định bổ nhiệm Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than