Chất lượng không khí tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh: Vẫn đang ở mức báo động

07:00 | 11/09/2019

2,029 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong 3 năm qua, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) đã liên tục cập nhật và báo cáo về chất lượng không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, dù chất lượng không khí đã có cải thiện tích cực nhưng vẫn đang ở mức báo động.

Từ các nguồn dự liệu GreenID thu thập được, báo cáo chất lượng không khí năm 2018 cho thấy, nồng độ PM2.5 trung bình của Hà Nội năm 2018 vượt quá giới hạn cho phép của Việt Nam 1,5 lần và vượt cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tới 4 lần. Phân tích dữ liệu theo ngày, số ngày có nồng độ bụi PM2.5 trung bình ở mức cao vẫn chiếm đa số. Cụ thể, tại trạm đo Đại sứ quán Mỹ có 88 ngày, tương đương 24% tổng số ngày trong năm, so sánh với tiêu chuẩn của WHO thì lên tới 232 ngày, tương đương với 64% ngày trong năm.

Dữ liệu tại 10 trạm quan trắc của UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ ra rằng, khu vực nội thành Hà Nội bị ô nhiễm bụi và thông số bụi PM2.5 ở mức độ cao nhất. Trong đó, mức độ ô nhiễm bụi tại các khu vực cũng khác nhau. Cụ thể, các trạm đo tại đường Minh Khai và Phạm Văn Đồng có số ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt quá quy chuẩn cao nhất, lần lượt là 129 ngày (35% số ngày trong năm) và 109 ngày (30% số ngày trong năm), trong khi đó, các khu vực khác như đường vành đai 3 hay Hà Đông thì mức độ bụi PM2.5 chỉ ở mức thấp và rất ít ngày vượt tiêu chuẩn cho phép.

chat luong khong khi tai ha noi tp ho chi minh van dang o muc bao dong
Các nhà máy nhiệt điện có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng không khí

Một thông tin đáng mừng là chất lượng không khí trong 3 năm qua đã có dấu hiệu cải thiện. Trong đó, mức giảm đáng ghi nhận khi tính riêng chỉ số PM2.5 từ trung bình 50,5 trong năm 2016 giảm xuống còn 40,6 trong năm 2018. Trong đó, chất lượng không khí tại Hà Nội chịu tác động khá lớn bởi yếu tố thời tiết khi các ngày nồng độ bụi vượt quá tiêu chuẩn cho phép rơi vào những tháng mùa đông. Đây là giai đoạn Hà Nội chịu ảnh hưởng không khí từ phía Đông và Đông Bắc. Ngược lại các tháng mùa nóng (từ tháng 5 đến tháng 9), Hà Nội có chất lượng không khí khá tốt, dưới mức giới hạn cho phép.

Tại Hội thảo “Chất lượng không khí Hà Nội - thực trạng và định hướng giải pháp”, điều phối viên Nguyễn Thị Anh Thư - đại diện nhóm nghiên cứu của GreenID - giải thích về hiện tượng này, đó là sự khác biệt giữa điều kiện khí tượng giữa các mùa trong năm làm ảnh hưởng tới sự phân tán các chất ô nhiễm. Vào mùa đông, khuếch tán bị hạn chế do ít mưa nên nồng độ bụi cao hơn. Hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra do khối không khí trên cao có nhiệt độ cao hơn khiến cho các chất ô nhiễm không phát tán lên cao được. Ngoài ra, bên cạnh các nguồn ô nhiễm hiện tại như phát thải xe cộ, xây dựng... trong thành phố có gió mùa Đông Bắc góp phần chuyển các chất ô nhiễm từ Trung Quốc và các hoạt động của các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất năng lượng từ phía Đông nước ta vào thủ đô.

Tổng hợp đánh giá về chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội cho thấy, mức độ ảnh hưởng của nồng độ bụi PM2.5 đạt mức trung bình, không nguy hại đến sức khỏe.

Một điều khá đặc biệt, tại TP Hồ Chí Minh, chỉ số AQI chủ yếu ở mức trung bình và còn tốt hơn so với Hà Nội. Tương tự như Hà Nội, chất lượng không khí ở thành phố lớn nhất miền Nam đã cải thiện đáng kể chỉ số PM2.5 và mức độ ô nhiễm không khí so với 2 năm trước đây.

Theo đánh giá của GreenID, chỉ số chất lượng không khí tại TP Hồ Chí Minh vẫn ở mức chấp nhận được, mức độ nguy hại thấp. Chỉ riêng tại quận 7 có số ngày chỉ số AQI ở mức không tốt cho những người nhạy cảm xuất hiện khoảng 42% số ngày trong năm.

Về hiện trạng các nguồn phát thải ra không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có những điểm đáng lưu ý.

Với Hà Nội, bên cạnh các nguồn phát thải trong nội thành đã đề cập ở trên, các khu công nghiệp và nhà máy nhiệt điện ở phía Đông thành phố (Hải Phòng, Quảng Ninh) và các khu công nghiệp nặng, xi măng hóa chất phía Nam (Ninh Bình) là nguồn phát thải ảnh hưởng tới chất lượng không khí của Hà Nội. Nồng độ SO2, NO2 ở cả hai cụm này đều cao hơn trong Hà Nội. Hơn nữa, cả hai chất thải nguy hại NO2 và SO2 tại các khu vực này đều tăng liên tục trong 5 năm qua, gây ảnh hưởng xấu tới không khí của toàn miền Bắc, không riêng Hà Nội. Ngoài ra còn các nguồn phát thải khác ở phía Bắc, từ Trung Quốc, nhưng mức SO2 và NO2 xung quanh các nguồn này đã giảm đáng kể trong thời gian qua.

Là đô thị lớn, mật độ dân cư cao nhất nước ta, TP Hồ Chí Minh là điểm nóng phát thải đáng kể ở khu vực miền Nam. Dựa trên phân tích dữ liệu vệ tinh, bên cạnh các nguồn phát thải đô thị trong TP Hồ Chí Minh thì các cụm công nghiệp, nhà máy điện xung quanh Phú Mỹ ở phía Đông Nam là nguồn phát thải chính vào không khí của TP Hồ Chí Minh. Mức độ NO2 trong thành phố, đặc biệt khu vực phía Đông Nam, đã tăng đáng kể trong 10 năm qua.

Theo phân tích của GreenID, không khí tại TP Hồ Chí Minh tốt nhất vào những tháng cuối năm. Trong đó, các khối không khí tốt thổi từ biển vào hoặc các khối không khí chuyển động nhanh từ phía Bắc. Bởi vậy, muốn nâng cao chất lượng không khí TP Hồ Chí Minh cần kiểm soát tốt các khu công nghiệp từ các vùng lân cận của thành phố như Biên Hòa, Bình Dương và tỉnh ven biển là Bà Rịa - Vũng Tàu.

Khảo sát gần đây nhất của Viện Nghiên cứu Mê Kông cho thấy, ô nhiễm không khí xếp thứ 2 trong những vấn đề lo lắng nhất của người dân Việt Nam, chỉ sau việc làm và đứng trên cả tham nhũng. Mối quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với chất lượng nước và không khí đòi hỏi chính quyền các cấp cần đặt việc cải thiện chất lượng không khí lên hàng đầu, có kế hoạch hành động lập tức, trong đó có việc huy động ngay người dân tham gia cải thiện điều kiện môi sinh tại khu dân cư.

Cảm nhận về chất lượng không khí tại Hà Nội, chị Vũ Minh Hiền - Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội - cho biết: “Không khí ở Hà Nội ô nhiễm nhiều. Vì tỷ lệ dị ứng, khói bụi nhiều. Ở nhà tôi đóng kín cửa suốt ngày mà vẫn thấy rất nhiều bụi. Hai đứa con tôi rất dễ bị viêm mũi do thay đổi thời tiết và bụi bặm của thành phố. Mỗi khi có dịp đi xa, tôi thấy không khí trong lành hơn hẳn, mọi người trong nhà đều thấy dễ chịu”.

Có thể thấy rằng, thực trạng chất lượng không khí của hai thành phố lớn nhất nước vẫn đang nằm trong nhóm báo động. Người dân luôn mong mỏi về một “bầu không khí trong lành”. Bởi vậy, chính quyền thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần nỗ lực hơn nữa trong công tác hạn chế các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí, phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận thực hiện các giải pháp giảm phát thải công nghiệp, đấu tranh quyết liệt với các doanh nghiệp gây nguy hại tới môi trường, có mức độ phát thải cao.

Nếu chính quyền và người dân không lập tức hành động, chất lượng không khí sẽ có thể vượt mức kiểm soát bất cứ lúc nào.

TP Hồ Chí Minh là điểm nóng phát thải đáng kể ở khu vực miền Nam. Các cụm công nghiệp, nhà máy điện xung quanh Phú Mỹ ở phía Đông Nam là nguồn phát thải chính vào không khí của TP Hồ Chí Minh. Mức độ NO2 trong thành phố, đặc biệt khu vực phía Đông Nam, đã tăng đáng kể trong 10 năm qua.

Thành Công

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc