“Cát” là một từ Việt gốc Hán

13:47 | 23/12/2013

|
Bạn đọc: Trong phim “Học giả An Chi - Hành trình thầm lặng” do TFS sản xuất năm 2012, ông có giơ quyển Thật dụng học sinh tự điển ra rồi nói nhờ nó mà mình mới biết rằng, “các” cũng là một từ Việt gốc Hán. Nhưng một người bạn của tôi lại nói rằng, ai có học “nhân chi sơ, tay sờ vú mẹ” cũng có thể biết được đó là một chữ Hán? Nguyễn Hải Bằng (Bà Rịa)

Bạn đọc: Xin ông cho biết, đâu là từ nguyên của “vâm” có nghĩa là “voi”.

Trần Thanh Tú (Đống Đa, Hà Nội)

Ảnh chữ CÁT trong TDHSTĐ:
chữ đầu, hàng dọc thứ tư từ phải sang

Học giả An Chi: Bạn của ông chỉ lo đọc Tam tự kinh mà không chịu suy nghĩ xem thực ra An Chi muốn nói gì. Vì anh ta nói theo giọng miền Nam nên cái từ mà anh ta muốn nói đến là “cát” trong “đất cát”, “cát bụi”, “đường cát”, v.v… chứ đâu phải “các” trong “thưa các ông, các bà”… mà nói đến chuyện… sờ vú mẹ!

Xin mời bạn xem ảnh của chữ CÁT trong Thật dụng học sinh tự điển (viết tắt: TDHSTĐ - Thương vụ ấn thư quán ấn hành cách đây hơn 80 năm), qua ảnh in kèm theo đây. Trong ảnh, nó là chữ đứng làm đầu mục từ ở hàng dọc thứ tư từ phải sang. Nhìn vào ảnh, ta có thể dễ dàng thấy rằng, đây là một hình thanh tự mà nghĩa phù là “thổ” [土] còn thanh phù là “giới” [介], được phiên âm bằng chữ “cát” ngay bên dưới còn nghĩa thì được ghi là “trần cấu dã”, nghĩa là “bụi bặm”, “cát bụi”.

Cứ như trên thì hiển nhiên “cát” trong “cát bụi” là một từ Việt gốc Hán.

Từ nguyên của “vâm”

Học giả An Chi: Về vấn đề này, chúng tôi đã có nói đến trên Kiến thức Ngày nay số 134 (15/3/1994). Nay xin nhắc lại như sau:

Từ nguyên của chữ “vâm” là con voi có liên quan đến chữ “vi” 為 là làm, vì chữ này trong giáp cốt văn đời nhà Thương chính là hình một con voi như đã nói ở Kiến thức Ngày nay số 111, “Chuyện Đông chuyện Tây”, tr.32, cột 3. Vương Lực đã chứng minh rằng “voi” là âm xưa của chữ “vi” còn tồn tại trong tiếng Việt ngày nay  (X. “Hán Việt ngữ nghiên cứu”, Hán ngữ sử luận văn tập, Bắc Kinh, 1958, tr.359). Khi mà tự hình cổ xưa của chữ “vi” là một con voi và âm cổ xưa của nó (voi) cũng là tên của con vật này thì ta có cơ sở để luận ra rằng “vi” ngày xưa có nghĩa là voi.

Chữ vi này, theo phép âm dương đối chuyển trong tiếng Hán cổ, còn có thể đọc là “viêm”. Các quyển từ điển quen thuộc như Khang Hy tự điển, Từ nguyên, Từ hải, Hình âm nghĩa tổng hợp đại từ điển, v.v... đều không ghi nhận âm này. Nhưng Lo Tch’ang-Pei (La Thường Bồi), trong một bài thông báo nhan đề “Correction de j- en ãj- dans le système du chinois ancien de M. Karlgren”, đọc tại Hội nghị lần thứ 158 của tổ chức American Oriental Society tại New York ngày 30/3/1948, có cho biết rằng ông đã khảo chứng được một âm nữa của nó là “viêm”. Ông đã nêu các thiết âm sau đây: “vu liêm”, “vu triêm”, “vinh kiềm”. Cả ba thiết âm này nói lái lại thì đều cho âm “viêm” (lu, tru, kình). Vậy rõ ràng chữ vi đang xét còn có thể đọc là viêm. Và từ “viêm” sang “vâm” thì chỉ có một bước (nhớ rằng “nhậm” cũng đọc thành “nhiệm”).

A.C