Cảnh báo nạn mua bán nội tạng người ở Việt Nam

07:00 | 08/12/2015

10,183 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo các điều tra viên, khi nhu cầu về mua - bán nội tạng, đặc biệt là thận còn rất cao trong xã hội sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh trật tự như môi giới bán nội tạng, làm giấy tờ giả để hợp pháp hóa việc bán tạng. Thậm chí, những tay “cò” có thể lừa những người cùng quẫn tiền bạc sang nước ngoài để bán tạng…  

200 triệu đồng/quả thận

Tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội đầu tháng 12-2015, thông tin được Thượng tá Lê Huy - Phó phòng Cảnh sát Hình sự (PC45 -  Công an TP Hà Nội) đưa ra khiến nhiều người giật mình: Trên địa bàn thủ đô đã xuất hiện những vụ mua bán thận với giá 150-200 triệu đồng.

Theo Thượng tá Lê Huy, đây là loại tội phạm mới đặc biệt nguy hiểm. Theo đó, một số đối tượng tỉnh ngoài đến Hà Nội để tìm những thanh niên khỏe mạnh có nhu cầu bán thận rồi tập hợp lại và thuê nhà ở. Sau đó, họ câu kết với các “cò” ở TP HCM, Đà Nẵng, Nam Định làm giấy tờ đưa người vào Bệnh viện Trung ương Huế bán thận với giá 150 - 200 triệu đồng cho người có nhu cầu. Riêng người bán chỉ nhận được từ 100-150 triệu đồng.

canh bao nan mua ban noi tang
Nam thanh niên này từng túng quẫn chấp nhận bán đi một quả thận của mình mà không lường hết hệ lụy

Cảnh báo rất đáng lưu tâm. Bởi từ nhiều năm nay, một số trang mạng, diễn đàn trên Internet đã đăng tải công khai thông tin việc mua, bán thận. Trong thế giới mạng đó, tháng nào cũng có vài chục người rao bán thận với giá 80-150 triệu đồng.

Những thanh niên trẻ này thường đưa một số thông tin vắn tắt giới thiệu về giới tính, nhóm máu, chiều cao, cân nặng, quê quán và cả số điện thoại để các đối tượng buôn thận liên hệ. Có người than thở: “Mình cần tiền phẫu thuật tim cho mẹ nên bán thận hoặc giác mạc. Mình ở Hà Nội, nhà mình chỉ có hai mẹ con, bố bỏ đi từ lúc mình sinh ra nên không còn người thân để nhờ. Mình đang là sinh viên nên không thể giúp được gì cho mẹ, chỉ còn cách này mong được sự giúp đỡ”.

Lợi dụng sự túng quẫn của một số người, những đường dây buôn bán thận xuất hiện ngày càng nhiều.

Trước đó, vào tháng 7-2015, Cục Cảnh sát hình sự (C45) đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Việt Dũng (32 tuổi), trú tại Hải Phòng - kẻ chuyên làm giấy tờ giả nhằm mục đích hợp pháp hóa cho những vụ môi giới bán thận kiếm lợi nhuận. Cùng bị điều tra với Dũng còn có Lê Thị Yến (50 tuổi), trú tại TP Nam Định và một người khác.

Theo lời khai, những đối tượng đã câu kết với nhau để hình thành một đường dây môi giới mua bán thận cho những người có nhu cầu ghép thận tại Bệnh viện Trung ương Huế. Vai trò của bà Yến là biết ai có nhu cầu muốn mua thận để ghép hoặc bán thì liên hệ với Dũng để tìm người bán.

Còn Dũng, chỉ cần click lên mạng Internet và gọi đến những số điện thoại liên hệ để lại của những người có nhu cầu bán thận. Dũng sẽ thỏa thuận với họ giá cả bán thận (thường là 150 triệu đồng/quả thận).

Sau khi người bán đã đồng ý, Dũng sẽ đón họ để đưa đi xét nghiệm HLA (mất khoảng 10 triệu đồng) để xem các chỉ số phù hợp với người nào cần ghép, nuôi ăn ở, chi phí máy bay vào Huế cho họ để thực hiện việc ghép thận.

Với mỗi ca ghép này, người mua thận phải chi trả thường từ 220 triệu đồng đến 300 triệu đồng cho phía môi giới và người bán thận. Sau khi chi phí hết, trả cho bà Yến tiền môi giới khoảng 3-5 triệu đồng thì Dũng kiếm được 25-30 triệu đồng/ca.

canh bao nan mua ban noi tang
Những kẻ cầm đầu trong đường dây bán thận bị cơ quan chức năng bắt giữ trong thời gian vừa qua

Đáng chú ý, để mọi việc trót lọt, Dũng còn làm giả các loại giấy tờ theo quy định như: Giấy xác nhận của chính quyền xã, phường xác nhận người cho thận và người bán thận có mối quan hệ anh em, họ hàng; giấy xác nhận của công an xã, phường về tư cách, hạnh kiểm của người cho thận không có tiền án tiền sự, vi phạm pháp luật gì; giấy cam kết của người đại diện gia đình người cho thận (bố, mẹ, vợ chồng) đồng ý cho thận có xác nhận của chính quyền phường, xã…

Hệ lụy khôn lường

Bạn đọc còn nhớ, cách đây không lâu, dư luận đã bàng hoàng trước tin sinh viên Tô Công Luân (trú huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) đã tử vong trước ngày cưới không lâu vì bán thận. Vì cần tiền cưới vợ, Luân đã đồng ý bán và sang Trung Quốc bán thận.

Tại Trung Quốc, vì những kiểm tra qua loa, người ta đã không hay biết Luân mắc chứng bệnh máu lâu đông, một trong những chứng bệnh không thể cho thận. Bi kịch đã xảy ra, Luân được đưa về Việt Nam trong tình trạng suy kiệt, chỉ vài tuần sau thì qua đời. Cho đến khi xảy ra vụ việc Tô Công Luân, dư luận mới dấy lên ồn ã về một thị trường mua bán thận.

Một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về ghép tạng, đồng thời cũng là thành viên trong Ban Soạn thảo Luật Hiến mô và ghép tạng, GS-BS Trần Đông A cho báo chí biết: Từ khi ra đời cho tới nay, với sự tiến bộ của các kỹ thuật ghép, ghép tạng đã trở thành cái phao cứu sống hàng triệu người trước các bệnh hiểm nghèo.

Thế nhưng nhu cầu ghép tạng ngày càng cao, vì suy thận giai đoạn cuối chỉ có ghép mới cứu sống được và là phương pháp rẻ tiền nhất so với chạy thận nhân tạo. Chỉ tính riêng tại Việt Nam mỗi năm có thêm hàng ngàn người bị suy thận giai đoạn cuối cần phải ghép.

Như vậy, cung không đủ cầu, tất nhiên là sẽ nảy sinh những vấn đề tiêu cực và người rao bán thận không hề biết những “bất trắc” mà các chuyên gia cảnh báo. Họ đều chỉ nghĩ đơn giản rằng, có mất đi một quả thận, họ vẫn có thể sống khỏe. Không mấy người biết, họ đang tự hủy hoại chính bản thân mình.

Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế Việt Nam đã chống việc mua bán tạng phủ và coi đó là hành vi vô nhân đạo. Xét cho cùng, người dùng tiền đi mua tạng phủ của người khác - hành vi của họ về mặt đạo đức - cũng là hành vi vô nhân đạo.

Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Huy An, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, trước đây khi chưa có sự tiến bộ của y khoa, những người mắc bệnh thận coi như không còn cách cứu chữa. Nhưng nay, y học phát triển, người bệnh có quyền hy vọng kéo dài sự sống bằng cách ghép thận.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề nghi ngại, đặc biệt là vấn đề quản lý như thế nào, nhất là với những đối tượng vì mục đích thương mại, lừa đảo, biến những người cho, hiến nội tạng thành miếng mồi ngon.

Do đó, để ngăn chặn được hành vi này, ngoài việc xem xét kỹ hồ sơ của người ghép thận và người cho thận, các y, bác sĩ cũng cần phải lấy đạo đức nghề nghiệp làm đầu. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải tăng cường chức năng giám sát tuyên truyền trước vấn nạn này.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế): Theo quy định hiện hành cho phép tự nguyện hiến tặng mô tạng, nếu việc hiến tặng hoàn toàn thông qua Trung tâm Điều phối Quốc gia về hiến ghép mô tạng sẽ kiểm soát phòng chống mua bán mô tạng hiệu quả hơn.

Còn nếu việc “tự nguyện hiến tặng” mà có địa chỉ tiếp nhận mô tạng cụ thể thì dễ xảy ra mua bán hơn. Việc có mua bán tạng hay không có thể thông qua Cơ quan Công an xem xét.

Ông Quang cũng cho rằng, nếu quảng cáo mua bán mô tạng trên Internet công khai thì cần đề nghị cả Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc.

Thảo Phượng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc