Cần nới quy định điện mặt trời mái nhà dưới 1MW?

13:45 | 12/08/2020

5,693 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Quy định dự án điện mặt trời mái nhà có công suất không quá 1MW đang khiến người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn.

Chia nhỏ công suất

Ngày 7/8, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, xử lý thông tin về điểm bất hợp lý trong việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà - nguồn năng lượng có vai trò quan trọng trong việc giảm áp lực về nguồn điện.

Cụ thể, tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, giới hạn dự án điện mặt trời mái nhà có công suất không quá 1MW. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, ở các khu công nghiệp, trang trại có diện tích mái nhà lên đến vài ha, công suất lắp đặt hệ thống điện mặt trời có thể lớn hơn 1MW rất nhiều. Vì thế, quy định này đang khiến các đơn vị, doanh nghiệp cũng như đơn vị cung cấp hệ thống điện mặt trời gặp khó.

can noi quy dinh dien mat troi mai nha duoi 1mw
Nhiều diện tích mái nhà, xưởng, khu công nghiệp có diện tích lớn, đầu tư được hệ thống điện mặt trời lớn hơn 1MW.

Ông Đào Quang Đức - Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Phương Đông (thương hiệu Greenhome Solar) nhận định, đây là vướng mắc của hầu hết các đơn vị cung cấp hệ thống điện năng lượng mặt trời.

“Phía công ty chúng tôi và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nhiều lần trao đổi về vấn đề này. Các bên đều thống nhất rằng, đầu tư các dự án có công suất lớn là rất tốt, tuy nhiên do hệ thống hạ tầng điện tại nhiều địa phương chưa tương xứng nên quy định này sẽ thay đổi khi hệ thống hạ tầng điện phát triển hơn” - ông Đức nói.

Đại diện thương hiệu Greenhome Solar cũng cho biết, để phù hợp với quy định hiện hành và phân tích trên tài chính của khách hàng, Greenhome Solar sẽ đưa ra các giải pháp theo lộ trình từng giai đoạn. Cụ thể, đầu tiên sẽ giải quyết vấn đề triệt tiêu tiền điện bậc cao của các hộ, doanh nghiệp. Sau khi các vướng mắc về cơ sở hạ tầng được phía EVN giải quyết thì sẽ có các bài toán đầu tư tiếp theo.

“Trước tiên bên mình sẽ phân tích hóa đơn tiền điện của các hộ/doanh nghiệp. Thông thường, sẽ có các khung giờ cao điểm với giá mua điện từ EVN cao bởi hiện nay tính điện theo bậc thang. Dựa trên số tiền điện ở khung giờ giá cao đó, bên mình sẽ tư vấn giai đoạn đầu là triệt tiêu hoàn toàn hoặc 1 phần chi phí này. Kết thúc phần chi phí giá cao sẽ đến giai đoạn mức chi phí giá trung bình và giá thấp.

Thường khung giờ giá cao sẽ rơi vào khoảng thời gian có nắng và hệ thống sản sinh ra điện để tiêu thụ trực tiếp nên cũng sẽ không dư điện để bán lại cho EVN. Đến các khung giờ giá trung bình và thấp thì sẽ có những khung giờ không có ánh nắng thì giải pháp là điện dư thừa buổi sáng bán ra cho EVN và mua điện từ EVN vào buổi tối. Với gói giải pháp này thì có thể tổng hệ thống đầu tư trên 1MW nhưng sản lượng điện để bán ra cho EVN không bị vượt quá tải trọng hệ thống chịu đựng được nên phía EVN cũng hoàn toàn ủng hộ và ít gặp các vướng mắc trong quá trình hòa lưới” - đại diện thương hiệu Greenhome Solar nói.

Đại diện Tập đoàn Sơn Hà - đơn vị cung cấp và phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời có uy tín ở Việt Nam cho biết: Qua khảo sát, có khá nhiều nhà máy có thể lắp đặt được hệ thống điện mặt trời từ 3-4MW nhưng chính sách chỉ cho phép dưới 1MW nên phải chia ra làm nhiều pháp nhân để đảm bảo không vượt quá chính sách của Nhà nước. Việc này dẫn đến tốn kém cho chính doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Cần nới quy định?

Đại diện Tập đoàn Sơn Hà cho rằng, để lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà trên những xưởng, khu công nghiệp có diện tích lớn hơn 1MW, các đơn vị sẽ lập ra 3 trạm với 3 pháp nhân khác nhau trong khi nếu quy định cho phép thì chỉ cần 1 pháp nhân để kéo giảm công suất theo đúng quy định.

Từ đó, đơn vị này kiến nghị nên tháo nút thắt quy định khống chế hệ thống điện mặt trời mái nhà dưới 1MW, tiến tới thực hiện dự án theo diện tích mái nhà có sẵn để đảm bảo tối ưu lợi ích của các bên. Đặc biệt các nhà máy có diện tích lớn và tiêu thụ nhiều điện thì nên được lắp tối đa công suất.

can noi quy dinh dien mat troi mai nha duoi 1mw
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng, cần nới quy định điện mặt trời mái nhà dưới 1MW để thúc đẩy ngành năng lượng này phát triển.

Thẳng thắn nhìn nhận cần phải thay đổi để gỡ khó cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy ngành năng lượng mặt trời phát triển, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi khẳng định, với sự phát triển hiện nay của nền công nghiệp năng lượng, không nên hạn chế việc lắp đặt các hệ thống điện mặt trời áp mái dưới 1MW.

“Không hạn chế việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà dưới 1MW thì thị trường này mới phát triển nhanh hơn, thuận lợi cho nhân dân và Nhà nước. Bởi trên thực tế, dù là hệ thống lớn hay nhỏ thì vẫn cần một bộ inveter và việc lắp đặt như nhau. Nếu được lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất lớn hơn 1MW người dân chỉ mất một lần đầu tư, xây dựng chứ không phải chia nhỏ để đảm bảo thực hiện đúng quy định hiện hành như hiện tại” - ông Ngãi nói.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, với các đơn vị cung cấp, phát triển năng lượng mặt trời, nếu phải chia nhỏ dự án để đảm bảo công suất dưới 1MW thì rõ ràng là tốn kém, gây khó khăn và phiền hà cho người dân. Vì vậy, ông Ngãi cho rằng cần bỏ quy định hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất dưới 1MW.

Trước thực tế này, nên chăng cần nới quy định khống chế dự án điện mặt trời mái nhà công suất dưới 1MW để thúc đẩy ngành năng lượng này phát triển?

Mục 5, Điều 3, Chương I của Quyết định Số: 13/2020/QĐ-TTg Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam có nêu: Hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống của Bên mua điện.

Xuân Hinh