Cần có một tấm lòng

07:00 | 29/11/2013

865 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mọi sự ủng hộ cả về tinh thần và vật chất, dù nhiều hay ít cũng là nguồn động viên to lớn để người dân miền Trung có thêm động lực khôi phục lại phần nào những gì đã mất và ổn định cuộc sống sau cơn bão.

Năng lượng Mới số 278

Hai cơn bão lớn đã đi qua nhưng nỗi đau còn ở lại. Hiện tại, thiên tai đã tạm lắng xuống nhưng những con số thống kê thiệt hại về người và của tại miền Trung vẫn tăng lên, điều đó đồng nghĩa với những khó khăn mà người dân miền Trung gánh chịu lại càng tăng lên gấp bội.

Mọi sự ủng hộ cả về tinh thần và vật chất, dù nhiều hay ít cũng là nguồn động viên to lớn để người dân miền Trung có thêm động lực khôi phục lại phần nào những gì đã mất và ổn định cuộc sống sau cơn bão.

Thế nhưng, cũng sau hai cơn bão lụt vừa qua lại bộc lộ những thiếu sót không đáng có. Trước hết phải nói đến vai trò, trách nhiệm của các vị lãnh đạo cấp cao. Khi bão đang tiến gần bờ thì có hai Phó thủ tướng Chính phủ trực tiếp đến các tỉnh miền Trung để kiểm tra, đôn đốc việc phòng chống bão lụt. Nhưng khi bão tràn qua, hậu quả để lại nặng nề, cần có sự chỉ đạo kịp thời, cụ thể để khắc phục thì không có vị lãnh đạo nào có mặt. Và cho đến nay, đã gần 2 tháng trôi qua, hàng nghìn người dân miền Trung còn đang gồng mình chịu đựng cảnh, không nhà cửa, không đồ dùng sinh hoạt và công cụ lao động nhưng cũng chỉ có mấy vị lãnh đạo cấp thứ trưởng, vụ trưởng tới thăm hỏi, động viên và chỉ đạo địa phương biện pháp khắc phục. Người dân vùng bão lụt chỉ còn biết trông đợi và sống qua ngày bằng hàng cứu trợ của các doanh nghiệp, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài.

Bộ đội Quân khu 5 giúp dân sau bão ở Quảng Ngãi

Phải chăng các vị lãnh đạo cấp Trung ương quá bận rộn với trăm công nghìn việc; và những việc ấy quan trọng hơn nhiều so với số phận của người dân?

Nghịch cảnh diễn ra trong thời gian qua trên phạm vi cả nước là có khá nhiều cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm, hội họp mà lẽ ra, một số cuộc có thể hoãn hoặc hủy bỏ để tập trung cho cứu dân vùng bão lụt. Có những buổi lễ và hội chợ được “sân khấu hóa” rình rang tốn kém tới bạc tỉ và bao công sức của hàng nghìn con người. Và thật bất ngờ, trong các cuộc vui đó, có khá nhiều vị cán bộ cấp Trung ương tham dự. Như vậy thì không thể nói rằng, các vị quá bận rộn. Và cũng có thể khẳng định rằng, các cuộc vui đó không thể quan trọng bằng nhiệm vụ cấp bách là cứu hàng vạn người dân đang trong cảnh khó khăn.

Tục ngữ có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Chỉ với những thùng mì tôm, những thùng nước lọc, những cơ số thuốc mang tới kịp thời đã cứu được bao nhiêu mạng người cận kề cái chết. Nếu có sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cấp cao tại chỗ thì còn giảm thiểu đáng kể tổn thất cho dân. Châm ngôn có câu: “Niềm vui nhân đôi, nỗi buồn sẻ nửa”. Trong lúc hoạn nạn này, sự có mặt của các vị lãnh đạo sẽ là nguồn động viên to lớn đối với người dân để họ gắng gượng vươn lên. Nỗi đau buồn của họ vơi đi và niềm tin yêu của họ đối với cán bộ lãnh đạo được nhân lên.

“Mưu sự tại nhân, vạn sự tại thiên”. Khi loài người chưa thể làm chủ được thiên nhiên, phải chấp nhận một quy luật nghiệt ngã này thì đó là việc của trời. Còn chúng ta, mỗi khi có chuyện vui buồn, con người xích gần lại nhau hơn, đoàn kết chặt chẽ với một trái tim nhân ái, trách nhiệm. Khi có việc vui, chúng ta cần có nhau để nhân lên niềm vui; khi có nỗi buồn, chúng ta phải đến với nhau để cùng chia sẻ. Đó mới là phương châm trong quan hệ, ứng xử của xã hội loài người... Tiếc thay, chúng ta đã không làm được trọn vẹn điều ấy!

Nhớ lại thời chống Mỹ, tỉnh Thanh Hóa bị một trận bão lụt lớn, hàng vạn người dân lâm vào cảnh mất mùa đói khát. Tỉnh có kho lương thực dự trữ quốc gia nhưng cán bộ tỉnh không dám xuất kho cứu đói cho dân. Đúng lúc ấy có một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị vào công tác, chứng kiến hoàn cảnh cấp bách, đã quyết định cho tỉnh mở kho lương thực cấp ngay cho dân. Sự quyết đoán của vị lãnh đạo ấy đã giúp cho hàng nghìn người dân thoát chết đói.

Lại nhớ thời ông Lê Huy Ngọ làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đúng ngày ông có lịch giải trình những vấn đề bức thiết của nông nghiệp Việt Nam trước Quốc hội thì cũng là ngày có cơn bão lớn đang đổ bộ vào các tỉnh phía nam. Ông đã nói vắn tắt vài câu rồi xin phép Quốc hội đến ngay vùng bão cùng địa phương tìm biện pháp phòng chống. Cách hành xử ấy của ông khiến các đại biểu Quốc hội cảm phục và thông cảm. Vậy mà hôm nay, chúng ta lại vắng bóng những cán bộ lãnh đạo chỉ vì những cuộc vui như thế!

Hai tháng qua, bà con bị bão lụt ở miền Trung rất biết ơn sự hảo tâm của những tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đã có mặt kịp thời, hỗ trợ họ bước đầu vượt qua khó khăn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngân hàng Vietinbank, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên, Quỹ Tấm lòng vàng và nhiều đoàn thể, cá nhân khác đã đi đầu trong công tác này. Nhưng bà con vẫn thật sự cần hơn nữa sự chung tay góp sức từ tất cả những tấm lòng hảo tâm trong nước và quốc tế.

Một điều quan trọng nữa cần phải nói đến là cách ủng hộ đồng bào vùng bão lụt. Với những nơi bị bão tàn phá nặng nề thì bà con trắng tay, cái gì cũng thiếu. Thông lệ lâu nay, các tổ chức và cá nhân thường khẩn trương chuyển đến cho bà con đủ loại hàng hóa, khiến công việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng có những trục trặc, vô lý. Những cái cần ngay trước mắt thì chưa có mà cái chưa cần dùng ngay thì lại quá nhiều. Thậm chí, lực lượng vận chuyển, phân phát chưa có nên hàng hóa thường để ùn tắc ở một điểm. Đó là chưa kể sự tiêu cực, khuất tất của một số cán bộ địa phương, bớt xén hàng và tiền cứu trợ, phân chia không công bằng. Việc làm sai trái ấy phải được xử lý nghiêm bằng pháp luật.

Qua nhiều lần bão lụt, bà con đã nêu lên nguyện vọng để các nhà hảo tâm mỗi khi đi ứng cứu có kinh nghiệm từ thực tiễn để điều chỉnh kịp thời. Đó là: Đi cứu trợ lương thực thì không nên mang quá nhiều mì tôm và gạo. Củi không có, nước, xoong nồi cũng không, bà con làm sao đun nấu; trong khi bà con hiện đang cần cái để ăn được ngay. Mì tôm, gạo chỉ có thể sử dụng sau khi đã ổn định trở lại. Cùng với cái ăn là quần áo, chăn màn, nước sạch, thuốc men, bạt che mưa nắng… Ngoài ra, để tiếp cận với bà con vùng lũ, các đoàn cứu trợ cần chuẩn bị sẵn giày ủng, áo phao, áo mưa, thuốc men và những tư trang thiết yếu khác vì nhiều nơi xe không đến được, phải lội bùn, lội nước, ảnh hưởng đến sức khỏe người đi cứu trợ. Đã không ít trường hợp, đoàn cứu trợ chỉ dừng lại bàn giao hàng ở nơi mà ôtô đến được rồi ra về. Làm như vậy, hình ảnh và tấm lòng người đi cứu trợ dễ phai mờ, thiếu thiện cảm đối với người dân.

Dùng tài khoản là cách tiện lợi giúp cho tất cả các tấm lòng hảo tâm dù ở xa hay ở gần, dù là đang sử dụng ngân hàng nào cũng có thể ủng hộ ngay bất cứ lúc nào với số tiền không hạn chế. Hình thức nhắn tin chỉ ủng hộ 4.000 đồng/sms, ủng hộ trực tiếp sẽ tốn thời gian và công sức đi lại thì ủng hộ trực tuyến là hình thức nhanh nhất để các nhà hảo tâm có thể vươn cánh tay nhân ái của mình đến với bà con. Cách thức này đơn giản và nhanh gọn, chỉ cần có tài khoản Internet banking của ngân hàng hoặc thẻ Visa - Master là có thể ủng hộ ngay, đáp ứng được cả nhu cầu đóng góp của bà con kiều bào trên khắp thế giới.

Mong rằng, từ nay sẽ không còn tái diễn sự vô tâm, thiếu sót nói trên.

Bùi Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc