Cần cơ chế, chính sách cho điện mặt trời mái nhà “tự sản, tự tiêu”

14:46 | 26/08/2024

184 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việc xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà với mục đích tự sản, tự tiêu nhằm từng bước thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch là cần thiết.

Đây là nhiệm vụ cấp bách, giải pháp quan trọng để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo đúng chủ trương của Chính phủ về tăng trưởng xanh và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam để hiện thực hóa mục tiêu giảm lượng phát thải nhà kính về “Net Zero” vào năm 2050.

Tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho phát triển điện mặt trời mái nhà

Bộ Công Thương cho biết, việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà để quy định cụ thể về phát triển điện mặt trời mái nhà, tạo hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; ban hành cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà đồng bộ để thu hút các doanh nghiệp, người dân tự đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng.

Đồng thời, phát triển điện mặt trời mái nhà để tiếp tục phát huy những lợi thế, ưu điểm của điện mặt trời mái nhà, góp phần bảo vệ môi trường, cung cấp nguồn năng lượng sạch tại chỗ phục vụ nhu cầu sử dụng năng lượng, sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, việc phát triển điện mặt trời mái nhà để cung cấp nguồn năng lượng tại chỗ, giúp giảm tải cho lưới điện, hệ thống truyền tải quốc gia, từ đó giảm chi phí đầu tư cho ngành điện, giảm tổn thất điện năng. Thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà để tạo nguồn năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính, bổ sung thêm nguồn cung cấp tại chỗ, góp phần giảm tổn thất điện năng trong hệ thống lưới điện, đồng thời các cơ quan quản lý có thể theo dõi việc đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà, không để xảy ra trường hợp phát triển điện mặt trời mái nhà mà không đảm bảo tuân thủ các quy định.

Cần cơ chế, chính sách cho điện mặt trời mái nhà “tự sản, tự tiêu”
Ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà “tự sản, tự tiêu”

Quan điểm xây dựng dự thảo “Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu” là thực hiện đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền về quản lý nhà nước cho UBND cấp tỉnh; tăng cường phân cấp cho các đơn vị điện lực trong quá trình thực hiện các hoạt động, nhà nước không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đảm bảo sự phù hợp và đồng bộ giữa chính sách phát triển điện lực, chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà với các chính sách có liên quan khác, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đồng thời khắc phục các bất cập trong quá trình thực thi pháp luật hiện hành.

Xây dựng pháp luật về điện mặt trời mái nhà nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ về phát triển điện mặt trời mái nhà, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm xây dựng và phát triển ngành điện nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hoạt động phát triển điện mặt trời mái nhà cần bảo đảm an ninh, vận hành an toàn hệ thống điện, công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra cần bảo đảm thực hiện có hiệu quả, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.

Cần có cơ chế ưu đãi cho điện mặt trời mái nhà

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng dự thảo và có báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp để tự sử dụng mà không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Theo dự thảo, chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất thuộc kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được xác định là phù hợp với khoản 1 Điều 11 Luật Điện lực năm 2004, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Luật số 24/2012/QH13. Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất, khi đầu tư phát triển, sử dụng điện mặt trời mái nhà, các chủ đầu tư được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được ưu tiên bố trí ngân sách; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi...

Dự thảo cũng nêu rõ, để thực hiện các cơ chế khuyến khích trên, các bộ, ngành và địa phương cần tham chiếu các quy chuẩn về an toàn công trình, phòng cháy chữa cháy theo quy định hiện hành… khi lắp đặt thiết bị, hệ thống điện, theo hướng đẫn để đơn giản hóa các thủ tục, hồ sơ khi cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển và triển khai lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Thủ tục đơn giản, chính sách ưu đãi cho điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Tại cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về dự thảo "Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu" ngày 26/7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, trong dự thảo cuối cùng, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được sản xuất, tiêu thụ do dùng một pháp nhân hoặc cá nhân tổ chức thực hiện để phục vụ chủ yếu cho nhu cầu của tổ chức cá nhân đó.

Dự thảo nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng hiện hữu gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh đã được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối lên lưới điện quốc gia được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất; tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia.

Việc sản xuất điện dư không dùng hết thì được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất lắp đặt, trên cơ sở quy hoạch phát triển điện lực đã dược phê duyệt.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho hay, việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu căn cứ trên khả năng điều độ hệ thống điện quốc gia, bảo đảm an toàn lưới điện. Nghị định cần tiếp cận theo cơ chế bù trừ điện năng để vừa phát triển nguồn điện, tận dụng nguồn lực trong dân.

Về trình tự, thủ tục đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho rằng, cần đơn giản hóa giấy tờ liên quan đến hoạt động xây dựng như đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân thì theo quy định về sửa chữa, cải tạo công trình; còn công sở, khu, cụm công nghiệp thì chỉ cần lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Theo đại diện lãnh đạo EVN, cần có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại khu, cụm công nghiệp trước hết để chống quá tải lưới tại chỗ, đồng thời có thể đầu tư hệ thống lưu trữ điện năng để chuyển thành điện nền huy động vào giờ cao điểm. Đây là tiềm năng vô cùng lớn, có thể thực hiện được ngay.

PGS. Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí Đại học Bách Khoa cũng nhất trí với chủ trương ủng hộ phát triển điện mặt trời mái nhà để huy động nguồn lực xã hội, giảm áp lực trong việc phát triển các nguồn điện để phục vụ sự phát triển của nền kinh tế. PGS. Nguyễn Việt Dũng cho biết, về mặt kỹ thuật ông hoàn toàn ủng hộ không có việc mua bán và thương mại trong phát triển điện mặt trời áp mái. Việc đấu nối chỉ diễn ra trong điều kiện điện áp mái không đủ để dùng trong những giờ không có nắng, những hôm thời tiết không ủng hộ.

Theo các chuyên gia, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo khá dồi dào và đa dạng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối… Trong đó, khu vực miền Trung và miền Nam có tiềm năng lớn về điện mặt trời mái nhà với độ bức xạ đạt từ 4,2 đến 4,8 kWh/m2/ngày.

Điện mặt trời trên mái nhà tính chất phân tán, tiêu thụ tại chỗ, thời gian phát chủ yếu vào ban ngày sẽ làm giảm áp lực về phụ tải lưới điện và giảm gánh nặng về đầu tư hệ thống. Không những thế, việc phát triển điện mặt trời mái nhà còn giúp người dân và doanh nghiệp giảm chi phí tiền điện do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm, giảm giá mua điện bậc cao.

Việc phát triển điện mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Vì vậy, khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực có nguy cơ thiếu điện.

N.H

Petrovietnam khai thác và sử dụng tài nguyên Dầu khí: Trách nhiệm, hiệu quả, hướng tới phát triển bền vữngPetrovietnam khai thác và sử dụng tài nguyên Dầu khí: Trách nhiệm, hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững
Bộ Công Thương bám sát chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng dự thảo mua bán điện mặt trời mái nhàBộ Công Thương bám sát chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng dự thảo mua bán điện mặt trời mái nhà
Phát triển thị trường điện gió, điện mặt trời cạnh tranh: Còn nhiều gian nan!Phát triển thị trường điện gió, điện mặt trời cạnh tranh: Còn nhiều gian nan!