Cần chính sách thúc đẩy đầu tư phát triển thị trường điện khí

11:12 | 14/12/2023

14,732 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh khí, bảo đảm cân bằng thị trường, hướng tới bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện các mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngày 14/12, tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam".

Tới dự và tham luận diễn đàn có ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; TS Chử Đức Hoàng - Chánh văn phòng, Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; ông Mai Xuân Ba - Trưởng ban Đầu tư xây dựng Tổng công ty Khí Việt Nam cùng các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp.

Cần chính sách thúc đẩy đầu tư phát triển thị trường điện khí
Toàn cảnh diễn đàn

Diễn đàn tạo cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ngành, cơ quan lập pháp và các nhà nghiên cứu kinh tế cùng thảo luận, trao đổi thông tin và kiến thức về năng lượng; đồng thời tìm giải pháp cho những vướng mắc trong các quy định, thể chế đối với phát triển ngành công nghiệp khí, điện khí, từ đó đóng góp hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách, hướng tới phát triển hiệu quả, bền vững lĩnh vực điện khí LNG tại Việt Nam nói riêng và sự phát triển ngành năng lượng Việt Nam nói chung.

Cần chính sách thúc đẩy đầu tư phát triển thị trường điện khí
Ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam cho biết, việc tổ chức Diễn đàn Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam là cần thiết và ý nghĩa. Đây sẽ là không gian để các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng cùng thảo luận, trao đổi thông tin và kiến thức về năng lượng, cùng tìm kiếm những hướng đi, giải pháp để thúc đẩy phát triển điện khí LNG tại Việt Nam nói riêng và sự phát triển ngành năng lượng Việt Nam nói chung.

Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) thì đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí sẽ chiếm tới 24,8% tổng công suất toàn hệ thống phát điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện, trong khi nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%.

Cũng theo ông Hùng, trong tương lai, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và dân số, ngành điện Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như: nhu cầu điện đang và còn tiếp tục tăng trưởng cao; nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt và khả năng cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế, dẫn đến sớm phải nhập khẩu nhiên liệu; xây dựng nhiều nguồn điện không theo sát quy hoạch, phân bố trên vùng miền mất cân đối dẫn đến tăng thêm lượng điện truyền tải lãng phí, tổn thất truyền tải còn cao; sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời dẫn tới những khó khăn nhất định trong vận hành hệ thống điện, các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực…

Phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện VIII để bảo đảm cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và bảo đảm đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu; đồng thời nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, bảo đảm ổn định cung cấp điện cho hệ thống.

“Để vượt qua các khó khăn, thách thức, bảo đảm cung cấp điện ổn định, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, tận dụng được hết tiềm năng vốn có thì cần những chính sách thúc đẩy công tác đầu tư các dự án khai thác mỏ, cơ sở hạ tầng khí, nhập khẩu khí, điện khí, tái hóa khí hóa lỏng LNG; cung cấp các cơ hội thích hợp, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng, xây dựng các chính sách thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp này có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tại diễn đàn còn có tham luận của các chuyên gia, doanh nghiệp về những vướng mắc khó khăn phát triển điện khí tại Việt Nam như: Giải pháp phát triển năng lượng bền vững; Những thuận lợi và khó khăn trong phát triển điện khí; Cơ chế giá phù hợp cho thị trường điện khí LNG tại Việt Nam cho sản xuất điện; Hướng đi cho việc phát triển điện khí LNG nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng; Cơ hội và thách thức trong việc sử dụng LNG cho Việt Nam…

Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam" được tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng Công ty khí Việt Nam - CTCP ( PV GAS).

Tiến Tùng