Ca khúc tục tĩu không liên quan đến chữ "Underground"!

15:47 | 18/06/2014

1,312 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ca sĩ Lương Bằng Quang, người từng làm việc theo phong cách Underground gần 10 năm qua khẳng định: ca khúc tục tĩu là do người viết chứ không liên quan đến chữ "Underground".

>> Ca khúc phản cảm của Yanbi, Mr.T bị gỡ bỏ

>> “Giải tiền tỷ” loại ca khúc của Sơn Tùng

Lương Bằng Quang

- Nhiều người cho rằng, dòng nhạc Underground (ngầm) tách biệt với những thể loại âm nhạc đại chúng. Họ hát vì sở thích vì niềm say mê âm nhạc. Lợi thế của dòng nhạc này là sự tự do, thoải mái nói trong thế giới của họ… Vì thế chuyện xuất hiện những ca từ tục tĩu trong ca khúc thể loại này là chuyện bình thường! Là người từng làm việc theo phong cách Underground, anh nhận xét thế nào về khái niệm như trên?

- Quang làm nhạc âm thầm, không theo chuẩn mực hay thị hiếu chung của âm nhạc Việt Nam đầu những năm 2000. Cụ thể là Quang ứng dụng những hiệu ứng nhạc điện tử, công nghệ vào quá trình cho ra sản phẩm, tạo ra xu hướng. Còn việc bài hát có “tục tĩu”” thì là do người viết bài hát chứ không liên quan gì đến chữ Underground. Và sự thật là không có nhạc Underground, chỉ có phong cách Underground mà thôi.

- Dòng nhạc theo phong cách Underground có thật sự tồn tại nhỏ lẻ, trong phạm vi hẹp, trong góc khuất nào đó mà thôi?

- Bản chất của cái tên Underground đã nói lên điều đó, nhưng âm nhạc là một sản phẩm vô hình, nên nếu nó lôi cuốn thì nó vẫn có thể nổi hơn bất kỳ một bài hát chính thống nào.

- Như vậy, có nghĩa là nếu biết cách thể hiện ca từ, giai điệu thì Underground là một dòng nhạc khá thú vị?

- Như đã nói, ca từ phản ánh phong cách sống của người viết. Còn chất nhạc hiệu đại, âm thanh bắt tai thì đó là kiến thức của người viết. Và Underground được gắn với Quang vào 9 năm trước là vì cách làm việc âm thầm cùng êkip riêng của mình, không PR, không scandal, không giải thưởng.

- Lương Bằng Quang nghĩ gì về chuyện đưa những lời lẽ tục tĩu vào bài hát thuộc dòng Underground ?

- Quang có nghĩ thế này: những chàng trai đường phố cũng biết viết nhạc, họ hát cho chính họ nghe, họ khoe cho bạn bè của họ nghe, chuyện ai đó có muốn nghe hay không họ cũng không quan tâm vì họ chẳng nhận từ ai một đồng nào cho việc người ta nghe hay không.

Ca khúc tục tĩu "Phiếu..." của Yanbi và MrT vừa bị gỡ bỏ

- Vậy theo anh thì chuyện họ hát gì, kể cả tục tĩu là tự do của họ chăng? Nhưng rõ ràng đó là việc làm thiếu ý thức, thiếu văn hóa của những gương mặt trẻ thuộc dòng Underground hiện nay. Bởi ngay cả ở cái nôi phương Tây của thể loại này thì cũng không có chuyện nhạc dung tục, phản cảm được phổ biến rộng rãi! Anh nghĩ sao?

- Quang không đồng ý với quan điểm của bạn nhưng không có nghĩa Quang nói bạn sai vì đơn giản bạn không thể cấm người khác không được chửi tục được. Ai thấy không thích thì chỉ có thể tách mình ra khỏi đại bộ phận người “thiếu ý thức” và “thiếu văn hoá” đó mà thôi. Đương nhiên, sự tự do chỉ được phép tồn tại trong một phạm vi hẹp, còn khi ra cộng đồng, tất cả phải tuân theo những luật lệ, quy tắc chung.

Ở phương Tây thì khi một bài hát (nhất là những bài Rap) được phát trên truyền thông thì họ luôn tự lọc (mute) những đoạn có từ ngữ không phù hợp, họ phải làm thế vì bài hát đó quá hot.

"Đừng để đồng tiền và sự nổi tiếng làm bạn bị tê liệt trong việc học hỏi!"

- Có một vấn đề là, dòng nhạc Underground chủ yếu lấy beat từ nước ngoài. Nhưng việc làm này gần đây bị dư luận phản ứng, họ không công nhận việc làm đấy là sáng tác, thậm chí xem nó như hành vi ăn cắp trắng trợn. Anh nghĩ sao về việc này ?

- Ở Việt Nam, đến lúc này thì Underground vẫn được hiểu theo cách là một sự “khỏi đầu non nớt”. Mà đã là non nớt thì người theo phong cách này chẳng biết phải bắt đầu từ đâu (thay vì bắt đầu bằng việc tự học) nên kéo theo sau đó là hàng loạt những sai phạm. Nhưng bạn biết đấy, sai phạm nào cũng đều có cái giá của nó.

- Có ý kiến cho rằng, dòng nhạc Underground hiện tại là “ăn sẵn” và “làm bậy”. Tức là lấy nhạc nước ngoài và chế lời tục tĩu để đưa lên mạng nhằm thu hút sự chú ý của nhiều người. Hẳn đó là một điều rất tệ hại cho dòng Underground?

- Đó là cách làm nhạc đốt giai đoạn, nó cũng không liên quan đến chữ Underground. Trước đây từng có vài nhạc sĩ có tên cũng đã bị lên báo vì những hành động đốt giai đoạn này và cái giá phải trả là đánh mất hết danh tiếng và danh dự của họ. Còn gì tệ hơn khi mất cả 2 cái “danh” đó?!

Sơn Tùng M-TP bị phản ứng khi lấy beat nhạc nước ngoài để sáng tác

- Theo anh, cô hội hay hướng phát triển dòng Underground ở VN là như thế nào?

- Từ khi có internet, thì dòng Underground đã xuất hiện, nên sự thật thì ca sĩ và Underground rồi cũng phải cộng sinh với nhau. Nên Underground ở VN sẽ là một “cơn bão” khủng khiếp trong tương lại, nhưng sau cơn bão này có lợi nhiều hơn hại.

- Hiện nay càng có nhiều gương mặt trẻ theo Underground. Họ cũng dần bước ra ngoài thế giới showbiz chính thống chứ không còn trong cộng đồng nhỏ hẹp nào đó. Nếu có lời nhắn gì với họ, anh sẽ nhắn gì?

- Đừng quên xuất thân của bạn, vì đó là cách nhắc nhớ động lực nào khiến bạn sáng tạo, động lực nào khiến bạn lao động hết mình để có được sự công nhận của công chúng yêu nhạc. Đừng để đồng tiền và sự nổi tiếng làm bạn bị tê liệt trong việc học hỏi!

- Anh có thể chia sẻ thêm về phong cách làm nhạc Underground của anh trước đây?

- Bám thật sát đuôi xu thế âm nhạc của thế giới, muốn làm được điều đó, Quang đã phải học rất nhiều qua mạng internet về hoà âm, mix nhạc, viết giai điệu cũng như những công nghệ phòng thu. Và Quang cũng đang chia sẽ những gì mình đã biết trên facebook/quangluongbang và trên youtube kênh riêng của Quang với mong muốn nhiều bạn trẻ tiếp cận với âm nhạc nhiều hơn.

- Cảm ơn anh!

Trúc Vân (thực hiện)