Bước ngoặt Năng lượng xanh của nước Nga tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Petersburg 2021 (SPIEF-2021)

14:54 | 07/06/2021

|
Lần đầu tiên kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, Nga đã tổ chức khá thành công sự kiện có quy mô. Khoảng 13.000 người từ 140 quốc gia trên thế giới đã tham gia trực tiếp hoặc trực tuyến diễn đàn kinh tế lớn nhất của Nga. Gần 800 thỏa thuận, trị giá hơn 3.860 tỷ rúp (khoảng 53 tỷ USD) đã được ký kết trong khuôn khổ diễn đàn. Số lượng hợp đồng được ký kết cũng như tổng giá trị đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Bước ngoặt Năng lượng xanh của nước Nga tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Petersburg 2021 (SPIEF-2021)

Bên lề diễn đàn SPIEF 2021, Rosneft đã ký được 73 thỏa thuận với các đối tác tổng trị giá 616,5 tỷ rúp (8,2 tỷ USD), trong đó hơn 50 hợp đồng liên quan đến triển khai dự án chiến lược Vostok Oil tổng trị giá 7,5 tỷ USD.

Nổi bật là những vấn đề được quốc tế đặc biệt quan tâm:

Nga hoàn thành nhánh đầu tiên của đường ống Nord Stream 2;

Du lịch vacxin Covid-19 dành cho người nước ngoài tại Nga;

Nga từ bỏ hoàn toàn đồng USD khỏi Quỹ phúc lợi quốc gia;

Chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng và số hóa nền kinh tế;

Bước ngoặt Năng lượng xanh của nước Nga.

Chương trình nghị sự Xanh là chủ đề trọng tâm, nổi bật và xuyên suốt trong 4 ngày làm việc của SPIEF 2021. Số lượng phát biểu về các vấn đề môi trường và việc ký kết các thỏa thuận khác nhau liên quan đến công nghệ môi trường tiên tiến tại diễn đàn đã phá vỡ những kỷ lục trước đó.

Tổng thống Putin đã lệnh cho Chính phủ phải xây dựng xong kế hoạch giảm lượng khí thải đến năm 2050, đồng thời nhấn mạnh, khối lượng phát thải ròng khí nhà kính tích lũy tại Nga sẽ thấp hơn EU. Tổng thống Putin cũng cho rằng, một thị trường tín chỉ carbon đang được hình thành trên thế giới và có thể chiếm một vị trí đặc biệt. Doanh thu của ngành khí hậu tại trường Nga trong thời gian tới có thể vượt quá 50 tỷ USD/năm. Tại phiên họp toàn thể, Tổng thống Putin cũng lệnh cho Chính phủ chuẩn bị khuôn khổ pháp lý để thực hiện các dự án khí hậu tại Nga trước tháng 07/2022, đồng thời cho rằng, các công ty đang có kế hoạch mua tín chỉ carbon ở nước ngoài thì tốt hơn nên đầu tư vào các dự án khí hậu ở Nga.

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Petersburg 2021 (SPIEF-2021), Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, năng lượng hydro sẽ đóng vai trò quan trọng vào năm 2050. Khoảng 116 triệu tấn hydro được tiêu thụ trên thế giới mỗi năm, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp và lọc dầu. Trong khi đó, các lĩnh vực giao thông, sản xuất điện, dịch vụ tiện ích khác vẫn tiêu thụ lượng hydro khiêm tốn, khoảng 10 triệu tấn. Triển vọng sử dụng hydro trong các lĩnh vực này là rất lớn. Theo các ước tính khác nhau, thị trường hydro toàn cầu vào năm 2050 có thể đạt từ 27 - 370 triệu tấn. Phía Nga dự báo ở mức từ 39 - 167 triệu tấn. Phó Thủ tướng Novak lưu ý, chi phí sản xuất hydro rẻ nhất vẫn là sử dụng phương pháp nhiệt hóa hơi metan, trong khi đắt nhất là phương pháp điện phân nước sử dụng điện gió, điện mặt trời hoặc điện hạt nhân. Trong trường hợp chi phí sản xuất hydro tái tạo ngày càng giảm, chi phí máy điện phân nước sẽ giảm xuống còn 200 USD/KWh.

Ông Novak cho biết thêm, Nga đang chuẩn bị chiếm lĩnh 20% thị trường hydro toàn cầu. Phía Nga có thể sản xuất hydro với chi phí cạnh tranh từ khí thiên nhiên và từ quá trình điện phân nước, sử dụng điện hạt nhân. Trong dài hạn, Nga có cả những cơ hội cạnh tranh trong phân khúc sản xuất hydro tái tạo, sử dụng điện gió và điện mặt trời. Chính phủ Nga đã đặt ra nhiệm vụ phát triển và đưa vào thị trường trong nước các công nghệ hydro tiên tiến, cũng như thúc đẩy tiêu thụ hydro trong lĩnh vực giao thông, nhà ở, dịch vụ xã hội và năng lượng. Các khu vực hứa hẹn nhất để phát triển năng lượng hydro là Viễn Đông, Khu tự trị Yamalo-Nhenhetxky, các khu vực tây nam của đất nước. Chính phủ Nga sẽ xây dựng các cụm hydro, cơ sở hạ tầng khoa học - công nghệ, phát triển các nguồn NLTT và thực hiện các cơ chế hỗ trợ nhà nước. Phía Nga cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hydro. Trong tháng 4 vừa qua, Bộ Năng lượng Nga đã ký thỏa thuận với Đức, đàm phán với Pháp và Úc để phát triển và nội địa hóa các công nghệ hydro phù hợp.

Tập đoàn Rosneft và công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes đã ký một thỏa thuận về quản lý carbon tại SPIEF-2021. Trong quá trình thực hiện, hai bên sẽ đánh giá tiềm năng sử dụng các công nghệ và thiết bị tìm kiếm, đo lường, đánh giá và giảm phát thải khí nhà kính, chủ yếu là phát thải khí metan tại các cơ sở sản xuất của Rosneft. Các công nghệ carbon thấp của Baker Hughes được thiết kế để nâng cao hiệu quả kinh doanh năng lượng của Rosneft trong lĩnh vực dịch vụ khoan, giải pháp kỹ thuật số ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng. Hai bên cũng sẽ xem xét khả năng sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, bao gồm cả hydro.

Tại SPIEF-2021, hai tập đoàn Novatek và Severstal đã ký thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án chung về sản xuất blue hydro từ khí thiên nhiên, áp dụng công nghệ thu gom và lưu trữ CO2. Hai bên sẽ cùng nhau phát triển các tiêu chuẩn, quy định, giải pháp kỹ thuật để sản xuất và cung cấp đường ống vận chuyển hydro, tuabin, hệ thống lưu trữ hydro và bồn vận chuyển hydro. Bên cạnh đó, hai bên cũng đồng ý phát triển các giải pháp công nghệ sử dụng nhiên liệu hydro và các hợp chất mang hydro. Chủ tịch Novatek Mikhelson cho biết, các công ty luyện kim là một trong những nhà công nghiệp tiêu thụ khí thiên nhiên lớn nhất. Việc sử dụng các công nghệ thu giữ và lưu trữ CO2, cũng như nhiên liệu hydro sẽ làm giảm lượng khí thải carbon tổng thể của hai bên và tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trong ngành luyện kim của Nga.

Phạm Tiến Thắng

Văn phòng Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại LB Nga