Bức tranh tổng quan về vụ bê bối Watergate (Kỳ I)
Carl Bernstein và Bob Woodward tại tòa soạn tờ Washington Post năm 1973.
Kỳ I: Vai trò của 2 phóng viên Bob Woodward và Carl Bernstein
Vụ bê bối Watergate đã gây chấn động chính trường Mỹ sau khi người ta phát hiện 5 nhân viên phụ trách vận động tranh cử của đảng Cộng hòa đột nhập vào trụ sở của đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate ở Washington hôm 17-6-1972. FBI đã làm rõ vụ bê bối sau khi bắt 5 đối tượng đột nhập vào văn phòng của đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate hôm 17-6-1972. Người đứng sau vụ đột nhập kể trên là thân tín của Tổng thống Richard Nixon. Nhưng sau đó các kết quả điều tra của FBI đã bị “rơi vào hố đen” và chẳng ai biết sự thật nếu không có những bài viết trên tờ Washington Post. Ngay sau loạt bài viết của 2 phóng viên Bob Woodward và Carl Bernstein của tờ Washington Post, Quốc hội Mỹ đã lập ủy ban điều tra và trước nguy cơ bị phế truất, ngày 9-8-1974, Tổng thống Richard Nixon đã tuyên bố từ chức.
Tổng thống Richard Nixon từng cho rằng, tờ Washington Post và New York Times đã làm “tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia” và từng chỉ đạo Bộ Tư pháp Mỹ cấm họ công bố các tài liệu mật. Vụ bê bối Watergate liên quan tới hàng trăm quan chức trong chính phủ Mỹ thời bấy giờ và từng khiến 40 trợ lý của ông Richard Nixon (có 4 cựu nhân viên CIA) và nhiều người khác phải vào tù. Những cuốn băng ghi âm của Nhà Trắng về sau chứng minh, ông Richard Nixon có liên quan tới việc cản trở và che dấu sự thật khi ra lệnh cho các phụ tá bảo CIA nói dối FBI nhằm ngăn cuộc điều tra vụ Watergate. Có người nói rằng, Tổng thống Richard Nixon vẫn có thể tại vị nếu Toà án tối cao không bắt buộc ông phải giao nộp đoạn băng ghi âm tiết lộ việc đã phê chuẩn kế hoạch nhằm chuyển hướng điều tra của FBI.
Giới chuyên môn cho rằng, phần lớn vụ bê bối Watergate đều do 2 phóng viên Bob Woodward và Carl Bernstein của tờ Washington Post tường thuật. Theo Giáo sư W. Joseph Campbell, trường American University, Washington D.C có tới 5 huyền thoại được bàn tán xoay quanh tờ Washington Post cùng ông Bob Woodward và ông Carl Bernstein. Thứ nhất, có phải tờ Washington Post đã buộc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức? Thứ hai, vụ bê bối Watergate bắt nguồn từ một bản tin của cảnh sát. Thứ ba, Bob Woodward và Carl Bernstein đã tự lần theo dấu vết số tiền góp quỹ tranh cử của ông Richard Nixon được sử dụng thế nào trong vụ Watergate. Thứ tư, Bob Woodward và Carl Bernstein liên tục bị Nhà Trắng bác bỏ những thông tin do họ công bố khi vụ bê bối Watergate được điều tra. Thứ năm, tuyển sinh ngành báo chí tăng không phải do vụ Watergare. Tuy nhiên, cũng phải kể tới công của nhà báo Seymour Hersh, làm việc cho tờ The New York Times bởi ông cũng từng dẫn đầu nhóm phóng viên của báo này tham gia điều tra vụ bê bối Watergate.
Cựu Phó Giám đốc FBI Mark Felt.
Cuối tháng 9-1972, bài báo của Carl Bernstein và Bob Woodward được đăng trên trang nhất tờ Washington Post. Trước khi cho đăng, Carl Bernstein đã gọi điện cho Bộ trưởng Tư pháp John Mitchell để đọc cho ông nghe 2 đoạn đầu của bài báo này. Vừa nghe hết 2 đoạn này, ông John Mitchell lập tức nổi cơn tam bành: “Những lời này ông định cho đăng trên báo sao? Tôi hoàn toàn phủ nhận. Nếu ông dám đăng bài báo này, tôi sẽ cắt đầu vú của bà Katharine Graham (chủ tờ Washington Post) cho vào máy xay sinh tố. Trời đất! đây là chuyện ác tâm nhất mà tôi đã được nghe!”. Carl Bernstein há hốc mồm, kinh ngạc sau khi nghe xong ông John Mitchell nói với mình như vậy trên máy điện thoại. Ngay sau khi gác máy, Carl Bernstein đã gọi điện cho bà Katharine Graham tường thuật lại chuyện vừa rồi và đề xuất: ta có nên đưa những lời ông John Mitchell vừa nói lên báo không? Bà Katharine Graham đồng ý cho đăng nguyên văn lời của ông John Mitchell, nhưng đổi 2 chữ “đầu vú” thành câu “cho Katharine Graham vào máy xay sinh tố”.
Nhờ vụ Watergate, Bob Woodward từ một phóng viên không tên tuổi trở thành nhà báo quyền lực nhất, giàu có nhất nước Mỹ. Cuốn sách của Bob Woodward có tựa đề Plan of Attack (xuất bản năm 2004) từng gây ấn tượng và sức hút không kém vụ Watergate bởi ông đã phỏng vấn 75 quan chức chính phủ. Năm 2003, Bob Woodward và Carl Bernstein từng kiếm được 5 triệu USD sau khi bán hồ sơ vụ Watergate cho trường Đại học Texas (Austin). Tổng số hồ sơ vụ Watergate bao gồm 60 thùng cát-tông chứa đầy sổ sách ghi chép, cùng nhiều tài liệu ghi nhớ khác như băng đĩa và những bài viết được cắt ra từ các báo và nhiều đồ vật khác. Người duy nhất tiếp xúc với Deep Throat là Bob Woodward, người từng thề khi xuất bản cuốn “All the President’s Men” năm 1974 rằng, chỉ công bố danh tính của Deep Throat khi được phép đồng ý hoặc khi người đó đã chết.
Hơn 2 năm trước (11-6-2012), ông Bob Woodward và ông Carl Bernstein đã nhắc lại vụ bê bối Watergate trong bài viết trên tờ Washington Post “40 năm sau vụ Watergate, Tổng thống Nixon tồi tệ hơn chúng ta đã biết”. Bởi trong hơn 5 năm là chủ nhân Nhà Trắng (từ năm 1969), Tổng thống Richard Nixon đã tiến hành 5 cuộc chiến chống lại phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam, chống lại truyền thông, đảng đối lập Dân chủ, hệ thống tư pháp và lịch sử Mỹ. Tổng thống thứ 37 của nước Mỹ đã bất chấp thủ đoạn, kể cả hành vi phạm pháp để đạt được mục đích chính trị.
Hơn 1 năm trước (6-8-2013), dư luận từng xôn xao sau khi xuất hiện tin nói rằng, tờ Washington Post sắp đổi chủ. Khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị và CEO Katharine Weymouth thông báo, đã bán tờ Washington Post cho tỉ phú Jeff Bezos, sáng lập viên và chủ nhân của công ty mua hàng trực tuyến Amazon.com, với giá 250 triệu USD. Được coi là một trong những tờ báo lâu đời và uy tín nhất nước Mỹ, Washington Post thuộc quyền sở hữu của một gia đình trong suốt 8 thập niên (từ năm 1933), khi doanh gia giàu có ở California tên là Eugene Meyer mua lại tờ báo đang bị vỡ nợ với giá 825.000 USD. |
Quốc Tuấn - Khắc Dũng
-
Đại biểu đề xuất bổ sung vai trò cấp xã trong hệ thống quy hoạch
-
Đề xuất tăng chế tài xử lý vi phạm, công khai danh sách doanh nghiệp vi phạm dán nhãn năng lượng
-
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Malaysia
-
Tăng phân cấp, phân quyền để ứng phó linh hoạt, hiệu quả với các tình huống
-
Tù chung thân không giảm án có thực sự nhân đạo hơn tử hình?