Bức tranh lợi nhuận trái ngược giữa hai ông lớn dầu khí Nga - Trung

14:00 | 31/08/2023

197 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga đã báo cáo lợi nhuận ròng nửa đầu năm giảm mạnh do việc giao hàng đến châu Âu đã giảm so với năm 2022 khi Nga vẫn cung cấp khí đốt qua đường ống cho Lục địa già trong hầu hết nửa đầu năm ngoái.
Bức tranh lợi nhuận trái ngược giữa hai ông lớn dầu khí Nga - Trung

Lợi nhuận ròng của Gazprom giảm 8,5 lần xuống chỉ còn 3,1 tỷ USD (296 tỷ rúp) trong nửa đầu năm 2023, giảm từ 26 tỷ USD (2,5 nghìn tỷ rúp) trong cùng kỳ năm 2022.

Famil Sadygov, Phó Giám đốc điều hành của Gazprom, cho biết lợi nhuận ròng của Gazprom sụt giảm cũng là do đồng rúp yếu, giảm 24% so với đồng USD trong 6 tháng đầu năm 2023.

Ông Sadygov lưu ý: "Sự sụt giảm xuất khẩu sang châu Âu được bù đắp một phần nhờ sự gia tăng nguồn cung sang Trung Quốc. Nguồn cung sẽ tiếp tục tăng theo nghĩa vụ hợp đồng, cũng như hiệu quả hoạt động của ngành kinh doanh dầu mỏ".

Sự sụt giảm lớn trong việc cung cấp khí đốt của Gazprom cho các khách hàng quan trọng là do việc xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga tới gần như tất cả các nước châu Âu đã bị dừng lại. Vài tuần sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine vào đầu năm 2022, Nga đã cắt nguồn cung cấp cho Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan.

Sau đó, Gazprom bắt đầu giảm nguồn cung qua đường ống Nord Stream tới Đức vào tháng 6/2022, tuyên bố không có khả năng bảo trì tuabin khí bên ngoài Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.

Gazprom cho biết vào đầu tháng 9 rằng, Nord Stream sẽ tiếp tục đóng cửa cho đến khi "loại bỏ các lỗi vận hành về thiết bị", khi vụ phá hoại đường ống Nord Stream vào cuối tháng 9/2022, chắc chắn đã đóng cửa tất cả các tuyến đường ống dẫn khí đốt của Nga đến Đức.

Về phần mình, tập đoàn dầu khí khổng lồ PetroChina của Trung Quốc ngày 30/8 đã báo cáo lợi nhuận cao kỷ lục trong nửa đầu năm 2023, do hoạt động kinh doanh lọc dầu phục hồi sau khi mở cửa trở lại và sản lượng dầu khí tăng lên.

Lợi nhuận thuộc về các cổ đông của PetroChina tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước lên 11,7 tỷ USD (85,27 tỷ nhân dân tệ), công ty cho biết trong hồ sơ giao dịch chứng khoán.

Tổng doanh thu nửa đầu năm 2023 giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do giá bán dầu khí giảm. Giá dầu thô thực tế trung bình của PetroChina đứng ở mức 74,15 USD/thùng, giảm 21,7% so với mức 94,65 USD/thùng cùng kỳ năm ngoái.

"Trong nửa đầu năm 2023, nhu cầu thị trường trong nước phục hồi ổn định và tiêu thụ sản phẩm tinh chế cho thấy mức tăng trưởng phục hồi, về cơ bản trở lại mức năm 2019. Nguồn cung sản phẩm tinh chế trong nước đã tăng tốc phục hồi", PetroChina cho biết.

Tập đoàn này đã xử lý 673 triệu thùng dầu thô trong nửa đầu năm 2023, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. PetroChina sản xuất 58,856 triệu tấn sản phẩm đã lọc, cao hơn 14,3% so với nửa đầu năm 2022 khi Trung Quốc vẫn đang áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vì Covid-19. Sản lượng nhiên liệu máy bay phản lực đã tăng vọt trong năm nay.

Bình An