Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: “Giao thông ùn tắc vì tỉ lệ đất dành cho giao thông quá thấp”

10:50 | 24/11/2011

768 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng 23/11/2011, trong bản báo cáo trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh, nguyên nhân đầu tiên, cốt lõi, khiến giao thông ùn tắc là tỉ lệ đất dành cho giao thông ở Hà Nội và TP HCM quá thấp.

"Tôi chưa thể hứa bao giờ sẽ hết tắc đường".

Như Petrotimes đã thông tin, trong buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 23/11 vừa qua, xung quanh vấn đề ùn tắc, tai nạn giao thông; công trình đầu tư xây dựng cơ bản làm chậm, hỏng nhanh, đùn đẩy trách nhiệm loanh quanh, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trình bày những giải pháp chủ yếu được gửi tới đại biểu 2 ngày trước. Theo ông, để xử lý, giảm thiểu tai nạn giao thông, mấu chốt là phải đầu tư nâng cao hệ thống hạ tầng cho đồng bộ và hoàn chỉnh. Cần đầu tư đồng bộ đường bộ, đường sắt, đường không và đường biển – đường thủy nội địa. Đây là điểm đột phá trong 10 năm tới.

Đối với "thảm họa” tai nạn, ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Thăng cho rằng cần tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực nhà nước. Thế nhưng, hiện công tác quản lý nhà nước chưa tốt dẫn đến người dân không chấp hành pháp luật như đi lên vỉa hè, lấn làn. Việc duy trì pháp luật không nghiêm như xử lý mũ bảo hiểm thiếu kiên quyết khiến những người từng chấp hành tốt cũng bỏ, hay như việc những cán bộ được giao thực thi công vụ không làm tốt, còn để xảy ra mãi lộ….

Nói tới việc ùn tắc giao thông tại 2 thành phố lớn, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho rằng, trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương. Tuy nhiên, với trách nhiệm quản lý, Bộ GTVT đang tích cực tham gia cùng với Hà Nội, TP HCM: "Nếu chúng ta thực hiện nghiêm thì không thể có nhà cao tầng mọc lên ở nội thành, không thể có nhiều vỉa hè bị mang cho thuê giữ xe. Ùn tắc giao thông thì vai trò chính quyền địa phương, của ngành GTVT đi đầu, tiếp đến mới là ý thức người dân”.

Tai nạn, ùn tắc là hệ quả của phát triển kinh tế, xã hội, nhiều nước láng giềng cũng gặp như Thái Lan, Trung Quốc. "Tai nạn giao thông sẽ phải giải quyết, còn bao giờ giảm hết, thì tôi chưa khẳng định được. Mỗi năm sẽ phấn đấu giảm 5-10% và cải thiện giao thông trong cả nước”.

Liên quan tới chất lượng đường cao tốc TP HCM, Bộ trưởng Thăng thừa nhận: "Nguyên nhân là ban quản lý yếu kém, tư vấn giám sát chưa đạt… nên tôi quyết định đình chỉ giám đốc điều hành, yêu cầu nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm, phải bỏ kinh phí thi công lại từ tháng 12. Nếu đường chưa đạt chất lượng, các nhà thầu phải tiếp tục chịu trách nhiệm bảo hành.”

Về vấn đề Quỹ Bảo trì đường bộ, Bộ GTVT đang trình phương án để Chính phủ xem xét và quyết định trong thời gian tới. Phương án được trình chính là cách thu phí bảo trì đường bộ trực tiếp qua thu phí chứ không tính vào giá xăng dầu.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng.

Đồng tình với những khó khăn mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đang vấp phải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nguyên nhân đầu tiên, cốt lõi, khiến giao thông ùn tắc là tỷ lệ đất dành cho giao thông ở Hà Nội và TP HCM quá thấp, chỉ khoảng 8%, trong khi tiêu chuẩn 22-24%; đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1% trong khi tiêu chuẩn là 3-5%.

Bên cạnh đó là việc thiếu kiểm soát dân số cơ học ở đô thị lõi, xu hướng tập trung hóa hiện nay, ở Hà Nội lên tới 25.000-36.000 người mỗi km2 trong khi các thành phố nổi tiếng mật độ cao như Singapore, Hong Kong cũng chỉ 6.500 người… Tổ chức mạng lưới giao thông rất bất cập, các tuyến Bắc – Nam, Tây – Đông đều qua Hà Nội. Các đường xuyên tâm, chậm đầu tư, thiếu giao thông ngầm, trên cao. Các đô thị mới thiếu hạ tầng kỹ thuật, thiếu trường học, bệnh viện… dẫn đến giao thông con lắc, ách tắc, người từ nơi này sang đô thị khác.

Mặc dù thừa nhận những năm tới tình hình ùn tắc cải thiện không nhiều do tăng phương tiện cá nhân, thiếu vốn đầu tư hạ tầng nhưng Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định, vừa qua, Hà Nội và TP HCM đã mạnh dạn thực hiện các giải pháp ngắn hạn như phân luồng, phân làn, quản lý kiểm soát, nếu không thì còn ùn tắc nhiều.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thì trong thời gian tới, với lĩnh vực quản lý của mình, Bộ Xây dựng cho rằng cần quản lý chặt chẽ xây nhà cao tầng ở trung tâm Hà Nội, TP HCM để 10 năm nữa cơ bản giải quyết ùn tắc, 15 năm nữa triệt để. Về tổng thể, định hướng quy hoạch đô thị quốc gia đến 2025 là theo hướng phát triển hài hòa với các vùng miền, không để vùng nào thiếu vắng đô thị, cân đối, tránh tập trung, giảm áp lực về đô thị trung tâm; điều chỉnh quy hoạch vùng thủ đô, vùng TP HCM, tập trung hệ thống giao thông liên vùng, đô thị đối trọng; tránh giao thông cắt qua các thành phố lớn như hiện nay…

Thanh Ngọc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc