Bộ trưởng Cao Đức Phát nói về việc dân "đói" thông tin bão
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.
- Thưa Bộ trưởng, ở vị trí là Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ trưởng có thể tóm tắt công tác phòng chống lụt bão trong cơn bão số 8 vừa qua?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Ngay từ khi cơn bão hình thành, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cùng với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã theo dõi sát sao mọi diễn biến và hướng dẫn các địa phương tổ chức các biện pháp phòng chống kịp thời, trong đó đặc biệt đã chú trọng kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên biển về nơi chú ẩn và đã có tới 57.000 tàu thuyền với hơn 260 000 dân được kêu gọi đã về bờ an toàn, đồng thời cũng đã chỉ đạo những biện pháp đối phó ở trên bờ trong đó đảm bảo cho người, đê điều và nhà cửa cũng như những tài sản khác.
Chúng tôi đã lưu ý các địa phương về việc chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những ảnh hưởng của cơn bão và mưa lớn đối với cây trồng trên đồng ruộng. Chúng tôi biết nhiều địa phương vẫn còn một số diện tích lúa mùa chưa thu hoạch, rồi có một lượng lớn cây vụ đông đã được gieo trồng, nếu mà không tháo nước từ trước có thể bị ngập và hư hại.
- Thưa Bộ trưởng, một số người dân ở Đồ Sơn, Hải Phòng đã chia sẻ với chương trình là trong qua trình diễn ra bão thì họ không được cập nhật đầy đủ các thông tin về đường đi cũng như cường độ của cơn bão và hậu quả là đã gây thiệt hại không nhỏ về thủy sản nuôi trồng của họ, vậy xin Bộ trưởng có thể giải thích với người dân là tại sao Ban chỉ đạo đã quyết liệt như vậy mà vẫn để xảy ra tình trạng là một số địa phương, người dân vẫn không tiếp cận được các thông tin đầy đủ về bão?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tôi thấy ở đây nó có tình huống cơn bão đã diễn biến phức tạp có thể nói là nó thay đổi liên tục hàng giờ, nên nếu bà con không theo dõi liên tục thì sẽ có thể bị lạc hậu về thông tin, nên là cái việc này cũng là việc mà cả Nhà nước và bà con cũng nên có cái rút kinh nghiệm, trong đó về phía Nhà nước cần phải tổ chức hệ thống thông tin một cách sâu rộng hơn, đặc biệt là ở cấp địa phương để nó sát thực với tình hình của mỗi địa phương.
Về phía nhân dân thì chúng tôi cũng đề nghị diễn biến của bão tố có rất nhiều cái bất thường, bà con thường xuyên theo dõi, và theo dõi liên tục để thấy được những sự thay đổi, đặc biệt là rút ra những ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương mình, gia đình mình để có biện pháp ứng phó phù hợp.
Người dân Quảng Ninh buộc lúa bị gãy đổ do bão số 8.
- Vâng, đúng như Bộ trưởng nói thì xu hướng các cơn bão hiện nay ngày càng phức tạp và khó lường hơn. Thưa Bộ trưởng, bên cạnh kinh nghiệm mà Bộ trưởng vừa chia sẻ trong khâu thông tin đến người dân về các diễn biến của bão thì Ban chỉ đạo có những kinh nghiệm gì nữa có thể rút ra trong việc là hỗ trợ người dân cũng như các địa phương phòng bão và ứng phó trong quá trình diễn ra bão?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Cái kinh nghiệm ở đây là một mặt về phía chính quyền phải kiên quyết hơn trong việc phổ biến thông tin và thông báo tổ chức thực hiện, hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân những biện pháp ứng phó với bão tố trong đó có cái việc là sơ tán dân khỏi những lồng bè, nhà chòi cũng như tàu thuyền ở trên biển để tránh tình trạng bà con không đánh giá đúng mức khả năng gây hại của bão để mà thực hiện các biện pháp cần thiết. Mặt khác nữa, chúng tôi cũng rất là thiết tha đề nghị với bà con thực hiện nghiêm túc và hợp tác với chính quyền để thực hiện các biện pháp ứng phó với cơn bão để giảm thiểu thiệt hại có thể gây ra.
- Thưa Bộ trưởng, nói về câu chuyện thiệt hại thì vụ đông là vụ tạo thu nhập chính cho bà con nông dân đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 8 vừa qua. Như Bộ trưởng cũng vừa chia sẻ thì ước tính tổng thiệt hại về vật chất lên đến 11 000 tỉ đồng, trong đó hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu và bè nuôi trồng thủy sản bị mất trắng. Vậy xin Bộ trưởng cho biết, Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch gì để hỗ trợ bà con khắc phục các thiệt hại này và chuẩn bị cho vụ Đông – Xuân sắp tới?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Bà con nông dân cũng đã cùng chính quyền các cấp tổ chức bơm rút nước ở những khu vực úng trũng để thứ nhất là tạo điều kiện thu hoạch lúa đã chín và bảo vệ những diện tích lúa chưa chín bị đổ gãy. Mặt khác nữa cũng bảo vệ và chăm sóc diện tích cây vụ Đông đã gieo trồng và đã bị ảnh hưởng. Chúng tôi cũng bàn với các địa phương tiếp tục gieo trồng những diện tích còn lại. Dự kiến sẽ cần phải gieo trồng thêm 120.000 ha nữa, chủ yếu là các cây ưa lạnh.
Thời vụ thì rất là khẩn trương như là đối với khoai tây, thì thời vụ trồng ở miền Bắc chỉ còn hai tuần nữa là thời vụ tốt nhất, vì thế nên chúng tôi cũng đề nghị các địa phương ứng kinh phí và những cá nguồn có được ở địa phương để hỗ trợ cho nhân dân kịp thời theo chính sách hiện hành. Mặt khác, chúng tôi cũng đã tập hợp và có kiến nghị lên Chính phủ để hỗ trợ cho các địa phương về kinh phí khoảng 210 tỉ đồng và 2.500 tấn gạo để các địa phương có thể hỗ trợ nhân dân kịp thời.
Văn Dũng
(ghi)
-
Giá phát điện tối đa cho nhiệt điện than năm 2025
-
VPI dự báo giá xăng tiếp tục giảm 3,1 - 3,5% trong kỳ điều hành ngày 17/4
-
Khung giá điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam giai đoạn 2025-2030
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 16/4: Giá trần dầu Nga có thể giảm trong thời gian tới
-
Doanh nghiệp nhà nước nộp gần 400 nghìn tỷ đồng vào ngân sách năm 2024, đẩy mạnh chuyển đổi số