Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Sẽ sớm có tên gọi mới cho trạm BOT

10:38 | 04/06/2018

359 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể hứa sẽ sớm báo cáo Chính phủ để có tên gọi mới về các trạm BOT cho phù hợp với thực tiễn.
bo truong gtvt nguyen van the se som co ten goi moi cho tram botThủ tướng yêu cầu không dùng tên "trạm thu giá"
bo truong gtvt nguyen van the se som co ten goi moi cho tram botPhó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT đổi tên "trạm thu giá" BOT
bo truong gtvt nguyen van the se som co ten goi moi cho tram botBộ GTVT cần nghiêm túc, cầu thị vụ "trạm thu giá" BOT

Sáng 4/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội làm rõ những vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm.

Giải trình 5 phút trước Quốc hội, ông Nguyễn Văn Thể xin nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân và sẽ cố gắng thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước để hoàn thiện hạ tầng giao thông, tổ chức vận tải, đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là vận hành các dự án BOT tốt nhất.

Ông Thể cho biết, tiếp thu ý kiến của cử tri, chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã chỉ đạo rà soát và hiện đang trình Chính phủ thay đổi tên gọi trạm thu phí BOT bằng một tên mới phù hợp với luật và các yêu cầu.

"Chúng tôi rất cám ơn dư luận xã hội, đại biểu Quốc hội đã hết sức quan tâm trong thời gian vừa qua và chúng tôi cũng khẳng định sớm báo cáo Chính phủ để có cái tên mới phù hợp với thực tiễn" - ông Thể nói.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bộ GTVT không cần nghiên cứu thêm. "Tôi thấy cứ trả về tên cũ là được, bây giờ đợi trình Chính phủ thì lâu lắm. Cái tên cũ thì cứ lấy lại thôi" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Đề cập đến vấn đề vị trí đặt trạm thu phí BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: "Trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT bám sát Thông tư 159 của Bộ Tài chính. Trong đó quy định, trong cùng 1 quốc lộ thì khoảng cách trung bình là 70km thì Bộ GTVT có quyền quyết định. Còn trường hợp dưới 70km thì cần có sự thoả thuận với Bộ Tài chính, chính quyền địa phương" - Bộ trưởng Thể khẳng định đã làm đúng quy định.

bo truong gtvt nguyen van the se som co ten goi moi cho tram bot
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

"Tuy nhiên, tôi cũng xác nhận có nhiều nơi trạm thu phí dày đặc, gây khó khăn cho bà con. Vậy chúng tôi mong cử tri Bình Định thông cảm" - Bộ trưởng Thể nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng thừa nhận, thể chế vừa qua chưa hoàn chỉnh, nhất là pháp luật về đầu tư công. Về tồn tại trong quá trình triển khai dự án BOT thì Bộ GTVT đang tiếp thu, tìm giải pháp khắc phục triệt để.

Trước Hội trường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hứa sẽ xử nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bộ GTVT quán triệt làm từ cái tâm để phục vụ người dân tốt nhất.

Trước các tranh chấp do chưa hoàn thiện thể chế xảy ra tại một số trạm BOT, ông Thể nói, khi có dư luận thì Bộ sẽ phối hợp với địa phương tìm hiểu, giải quyết ngay theo hướng đảm bảo lợi ích của người dân.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết, đã có 14 dự án BOT làm trên đường hiện hữu bị dừng, trong đó dừng 4 dự án đã ký hợp đồng. Sắp tới, Bộ GTVT chỉ làm dự BOT trên tuyến đường mới, tạo đường song hành với tuyến cũ để người dân lựa chọn.

Trước phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, Bộ trưởng nói hành động dựa trên lợi ích của người dân nhưng thực thế chưa thấy thể hiện việc đó. Đại biểu đưa ra dẫn chứng trong số 17 trạm thu phí BOT đặt sai vị trí, việc giải quyết thời gian qua chỉ toát lên một điều, nếu dân không chịu thì lại dừng thu phí, bổ sung ưu đãi, dân chịu thì thu, sau không chịu nữa thì lại dừng thu. Vậy có phải là hành động vì lợi ích của dân không. Trong khi 17 dự án trong số đó đều là chỉ định thầu?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng muốn biết Bộ GTVT hoàn thiện thể chế như thế nào, có 1 luật nào đó. Chứ nếu không, làm vẫn chắp vá và câu trả lời theo đó cũng không được căn cơ.

Về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đáp, về thể chế thì không thể căn cơ ngay bây giờ được.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói tiếp, 3 dự án có trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án thì có dự án là do lịch sử để lại, đã làm thời gian lâu rồi. Khi ông về Bộ thì phải tiếp nhận những dự án đó. Ví dụ trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài, Bộ thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Còn với những dự án gần đây, các bên có liên quan cho rằng trạm thu phí đặt ở vị trí đó là hợp lý và nếu muốn di dời thì phải có tham mưu cho Chính phủ, có một khoản kinh phí để bù cho nhà đầu tư BOT.

Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng rất quan trọng nhưng vì vốn đầu tư lớn nên phải huy động vốn BOT và Nhà nước phải bù thêm nên phải lập trạm thu phí ở cả bên Quốc lộ 5 cũ.

Toàn bộ những việc này đều thực hiện theo đúng trình tự thủ tục của pháp luật và có trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương, không chỉ là Bộ GTVT.

Tuy nhiên, vì nguồn vốn ngân sách khó khăn nên khó tổ chức mua lại các trạm thu phí, các dự án. Khi Chính phủ bố trí được thì Bộ GTVT sẵn sàng mua lại các dự án này. Bộ trưởng mong đại biểu Quốc hội và người dân thông cảm. Bộ cũng cố gắng giảm chi phí của người dân khi đi qua các trạm này một cách tối đa nhất. Theo đó, người dân sống xung quanh trạm 10km đều được miễn phí.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm tiếp tục tranh luận lại phần trả lời của Bộ trưởng GTVT. Ông Hàm bình luận, Bộ trưởng nói thêm một nguyên nhân là vấn đề do lịch sử để lại. Tuy nhiên, trước khi bàn tới giải pháp mua lại thì đã xem xét lại việc thương thảo dự án BOT trước đây xem ngân hàng, nhà đầu tư cho trách nhiệm gì hay khi vỡ lở ra thì người dân lại phải chịu?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Nghệ An) đặt vấn đề, có phải nhà đầu tư BOT có thể kiện lại Bộ GTVT nên Bộ vẫn cứ vội vàng trong việc xử lý các trạm BOT đi lạc. Việc cứ giảm giá, giảm cước và kéo dài thời gian thu phí là tư duy không thể chấp nhận được.

Tiếp tục làm rõ các vấn đề trên, ông Thể cho biết, về thể chế, ban hành được luật thì giải quyết được vấn đề hiện nay.

Liên quan đến người dân, ông Thể cho hay, quá trình triển khai dự án Bộ này cũng đã họp bàn lấy kiến của UBND các cấp, còn hiện nay chưa có quy định việc lấy ý kiến tất cả người dân như thế nào. Bộ GTVT cũng dựa trên quy hoạch của các tỉnh thành và tuân thủ yêu cầu.

"Cũng liên quan đến người dân về giá đi qua trạm thì chúng tôi cô gắng giảm ở mức thấp nhất" - ông Thể nói.

Tại hội trưởng, ông Nguyễn Văn Thể cũng nhận được câu hỏi về việc tái cơ cấu Vinashin, Vinaline. Về Vinashin, ông Thể cho biết, sau khi tái cơ cấu, đánh giá lại rằng việc tái cơ cấu chưa hiện quả và hiện nay Chính phủ thường xuyên họp, chỉ đạo quyết liệt để giải quyết tốt những sai phạm hiện nay của Vinashin.

Còn Vinaline sau thời gian củng cố, năm 2017 đã có lãi trên 500 tỉ đồng, năm 2018 kế hoạch lãi 700 tỉ đồng. "Còn nợ của Vinashin hiện nay vẫn nằm trong phạm vi Chính phủ bảo lãnh. Hiện nay, Chính phủ thường xuyên đưa ra các giải pháp, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ" - ông Nguyễn Văn Thể nói.

Trong phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời các vấn đề liên quan đến các dự án giao thông BOT, giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn. Bộ trưởng GTVT là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trong phiên chất vấn của Quốc hội sáng 4/6.

Dân trí