Vì sao có người hùng trong vụ Năm Cam bị khởi tố? (Kỳ IV)

Bi kịch của một sĩ quan công an trong vụ án Năm Cam

07:03 | 24/11/2014

26,698 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Tôi đã định kết thúc loạt phóng sự điều tra này bằng "Bài học rút ra từ vụ án này", nhưng không hiểu sao, khi đặt dấu "chấm hết" tôi lại hình dung ra khuôn mặt tròn, phúc hậu nhưng đau khổ đến tuyệt vọng của anh và thế là tôi không thể không lên tiếng...

>> Kỳ III: Một kiểu kiếm tiền

Kỳ IV: Số phận một sĩ quan công an

Vào một buổi sáng Chủ nhật hồi đầu tháng 2, tôi vừa đến cơ quan thì có điện thoại. Từ đầu dây đằng kia, một giọng nói của người miền Nam cất lên rụt rè, anh tự giới thiệu rằng anh là Bùi Văn Nhứt, anh đang ở Hà Nội để đội đơn đi kêu oan. Nghe đến tên Bùi Văn Nhứt, tôi giật mình và nghĩ ngay đến vụ án mà tôi đang đi điều tra bấy lâu nay. Nghe anh nói bị oan, thực sự lúc đầu tôi cũng chẳng tin, bởi trong hơn ba chục năm cầm bút, tôi đã gặp không ít người oan thật và cũng chẳng ít người oan giả. Nhưng cứ nghe giọng nói rụt rè, pha chút sợ sệt và nghèn nghẹn của anh tôi có linh cảm rằng, có thể anh oan thật và thế là tôi mời anh đến tòa soạn.

Cũng phải nói thêm rằng, ngày ấy Báo Năng lượng Mới - PetroTimes chưa ra mắt mà đang trong quá trình làm thủ tục xin phép, tòa soạn mới chỉ là một gian hơn 240m2 do Tập đoàn cấp cho, chưa có bàn có ghế và dĩ nhiên cũng chẳng có nhân viên.

vi sao co nguoi hung_8221 trong vu nam cam bi khoi to (ky iv)

Bùi Văn Nhứt

Khoảng hơn nửa tiếng sau, Bùi Văn Nhứt tới. Đó là người đàn ông thấp, đậm, khuôn mặt tròn và ôm theo một chiếc cặp căng phồng. Đúng là “phong cách” của một người đang đội đơn đi kêu oan. Anh mở cặp và đưa ngay cho tôi một tập hồ sơ dày cộp, tôi liếc qua và thấy đó là đơn của anh gửi kêu oan đến các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát. Rồi rất nhiều các thứ tài liệu kèm theo. Trong đó có cả bút tích của những người có trách nhiệm, phê vào các văn bản chỉ đạo; các hóa đơn chứng từ liên quan đến tiền bạc. Mục nào ra mục nấy, tài liệu nào cũng được ghi chú bên ngoài rất cẩn thận để cho người nghiên cứu được dễ dàng.

Anh giao tài liệu cho tôi rồi nói vội vã: “Anh cứ nghiên cứu bộ hồ sơ này, nếu anh cần giải thích gì thêm em sẽ gặp anh để trình bày”. Bùi Văn Nhứt chỉ nói như vậy rồi nhấp nhổm định về, tôi ngạc nhiên trước thái độ của anh và hỏi: “Tại sao anh có vẻ vội vã thế?”. Bùi Văn Nhứt nhìn quanh bằng ánh mắt sợ sệt rồi nói: “Anh không biết tình cảnh của tôi đâu. Tôi đang bị săn đuổi, bị đe dọa. Những ngày này ở Hà Nội, tôi không dám ở nhà trọ nào quá hai ngày”.

Nghe anh nói mà tôi vừa buồn cười, vừa thương anh. Tôi bảo: “Anh từng là sĩ quan Công an mà sao lại có thể bạc nhược như vậy? Nếu kẻ nào đó quyết tâm hại anh để “giết người diệt khẩu” thì anh làm gì có cơ hội mang đơn đi khắp nơi như thế này”.

Thế rồi sau khi được tôi động viên và an ủi, Bùi Văn Nhứt bình tĩnh trở lại và lúc ấy anh mới kể tóm tắt cho tôi nghe tình trạng của anh hiện nay. Tôi nghe và thực sự không thể tưởng tượng được. Một người đang là Trung úy Công an Nhân dân, là Đảng viên, có nhà có cửa, có vợ, có con…

Nay bỗng dưng trở thành kẻ tứ cố vô thân, sống lang bạt kỳ hồ, nhờ vào sự giúp đỡ của bạn bè và của cả những người cùng cảnh ngộ. Bị tước danh hiệu Công an Nhân dân, bị khai trừ ra khỏi Đảng, buộc phải ly dị vợ, phải bán nhà bán cửa để lấy tiền trả nợ. Ngần ấy nỗi đau khổ ập lên đầu một con người, nếu không phải là người có ý chí chắc cũng khó có thể nào sống nổi…

Hỏi chuyện anh được một lát thì anh lại vội vã ra đi và thế là từ đó số phận người sĩ quan Công an đen đủi này cứ ám ảnh tôi và tôi cũng bắt đầu đi điều tra những sự thật về nỗi oan của anh.

***

vi sao co nguoi hung_8221 trong vu nam cam bi khoi to (ky iv)

Bùi Văn Nhứt khi cải trang để trốn

Tháng 12-2002, Phòng Cảnh sát Điều tra (CSĐT), Công an Tiền Giang được Bộ Công an, Tổng Cục Cảnh sát giao khám phá và thụ lý điều tra Chuyên án 502X – Buôn lậu xăng dầu. Lúc này, Bùi Văn Nhứt là điều tra viên tham gia chuyên án với tư cách là thành viên giúp việc cho Hội đồng xử lý tài sản của chuyên án theo Quyết định số 5047/QĐ-HĐĐGTS ngày 26-11-2002, do ông Trần Thanh Trung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ký. Nhưng Nhứt không được giao nhiệm vụ đúng theo trách nhiệm của một điều tra viên và nội dung của Quyết định 5047/QĐ-HĐĐGTS, mà lại được giao việc khác.

Và đó là những công việc mà ngay từ đầu, Nhứt lờ mờ cảm thấy có điều gì đó không minh bạch.

Đầu tháng 11-2002, Phạm Thế Kim lúc này là Đội phó Đội 4 chỉ đạo cho Nhứt tập hợp toàn bộ số tiền vật chứng thu giữ trong Chuyên án 502X gửi tại 3 ngân hàng gồm: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Công Thương và Ngân hàng Đầu tư.

vi sao co nguoi hung_8221 trong vu nam cam bi khoi to (ky iv)

Bút tích của Nguyễn Văn Nên

Vì số tiền quá lớn, hơn nữa bản thân không phải là thủ kho nên không có điều kiện bảo quản tập hợp vật chứng nên nhiều lần Nhứt đề nghị Phạm Thế Kim cho ý kiến chỉ đạo để thực hiện. Phạm Thế Kim đưa cho Nhứt một văn bản photo đề ngày 4-11-2002 do Nguyễn Văn Nên ký, nội dung là chỉ đạo Phạm Thế Kim, Phạm Văn Út và Nhứt đem toàn bộ vật chứng thu giữ trong Chuyên án 502X gửi ngân hàng. Khi đã nhận được văn bản chỉ đạo buộc Nhứt phải thực thi, Nhứt đã tập hợp đem gửi ngân hàng 13 tỉ đồng và 249.000USD. Toàn bộ số lãi thu được từ việc gửi tiền này hàng tháng Nhứt đều giao đủ cho Phạm Văn Út nhập sổ quỹ và có phiếu thu tử tế.

Rồi Phạm Thế Kim truyền đạt ý kiến của Ngô Thanh Phong chỉ đạo cho Nhứt giữ lại một số tiền từ nguồn tiền vật chứng để tạm ứng chi cho việc tiếp khách, điện thoại, tiêu xài… của Ban Chỉ huy phòng. Căn cứ vào các ý kiến đề xuất có sự đồng ý bút phê hoặc chỉ đạo miệng của Ban Chỉ huy phòng, từ năm 2002 đến 2004, Nhứt đã chi 650.000.000 đồng, chủ yếu là tiền chi cho các cá nhân. Nhưng khi tập hợp lại chứng từ thanh toán thì chỉ khoảng 200.000.000 đồng, vì vậy khi giao lại khoản tiền vật chứng này đã bị thâm hụt 450.000.000 đồng.

Lý do khi lãnh đạo ra lệnh miệng là phải đưa, nhiều lần như vậy nên Nhứt không nhớ nổi. Khi kết sổ lại để chuyển thi hành án thì số tiền bị thiếu hụt như đã nêu trên. Vì vậy không còn cách nào khác Nhứt phải bán nhà đất và vay mượn thêm với lãi suất cao để nộp đủ vào ngày 27-9-2004 cho Cơ quan Thi hành án, nếu không sẽ bị vi phạm pháp luật và bị đưa ra khỏi ngành.

Sự đen đủi chưa buông tha Nhứt. Tháng 10-2007, bà Phạm Thị Ánh (vợ ông Hùng trong vụ án 502X) có đơn khiếu nại còn 2 khoản tiền 5.500USD và 40.200.000 đồng là tiền vật chứng vụ án 502X xét xử xong đã lâu nhưng không được xử lý. Số tiền này trước đây do người khác nhận, Nhứt không biết. Nhưng chẳng hiểu sao, chỉ huy phòng vẫn quy trách nhiệm và bắt Nhứt phải đền số tiền này mặc dù anh ta không thu giữ.

Vào đầu năm 2003, Phạm Thế Kim chỉ đạo cho Nhứt vào trại giam làm việc với bị can Trần Thế Hùng và vợ là Phạm Thị Ánh đồng ý cũng như tự nguyện viết văn bản chấp nhận bán một số tài sản gồm xe Landcruiser, Meccedes đời mới, tàu chở xăng dầu và một lượng lớn xăng dầu với giá trị thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường cùng thời điểm số tiền bán tài sản là vật chứng hơn 22 tỉ đồng. Ngoài ra, Phạm Thế Kim còn bảo Nhứt mang các biên bản khống vào để ép các bị can ký khống vào các biên bản trao trả tài sản, sau đó giao bản khống lại cho ông Kim tự ghi nội dung trao trả.

Khi kết thúc chuyển truy tố chuyên án thì còn lại là phần các đối tượng tiêu thụ hàng xăng dầu nhập lậu từ vụ 502X, tuy không bị xử lý hành chính và hình sự nhưng họ vẫn phải nộp số tiền 425.000.000 đồng cho Cơ quan điều tra. Quá trình thống kê Nhứt phát hiện Phạm Thế Kim và Phạm Văn Út đã quản lý và sử dụng hết số tiền nêu trên của các đối tượng giao nộp.

Tháng 10-2004, Nhứt được điều động về công tác tại Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, nhưng Phạm Thế Kim và Ngô Thanh Phong có văn bản xin giữ Nhứt ở lại đến tháng 12-2006, mục đích để buộc anh ta lập chứng từ khống để quyết toán kinh phí điều tra với số tiền 830.000.000 đồng đã được UBND tỉnh Tiền Giang cho tạm ứng trước đó để làm án.

Toàn bộ số tiền lãi thu được từ việc gửi vật chứng ở ngân hàng cùng với những khoản tiền khác trong đó có phần lớn từ nguồn tiền kinh phí điều tra, tổng cộng gồm nhiều tỉ đồng đã được Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Thế Kim, Phạm Văn Út quản lý, sử dụng, chi xài và đây cũng là việc mà Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đang tập trung làm rõ…

Nguyễn Văn Nên còn chỉ đạo Nhứt giữ lại một ít sổ tiết kiệm số tiền 800.000.000 đồng, không giao nộp cho Phạm Văn Út để rút lãi làm quỹ riêng của Đội sử dụng tiêu xài đám tiệc và quan hệ công tác.

Sự chi tiêu bạt mạng của Ban Chỉ huy, cách làm ăn tùy tiện theo kiểu “lệnh miệng”, đã khiến cho Nhứt dở sống, dở chết vì khoản nợ khổng lồ lên đến trên 700 triệu đồng – đây là số tiền phải nộp cho Cơ quan Thi hành án. Do không có số tiền lớn nên Nhứt phải bán nhà đất cũng không đủ, cùng đường anh ta phải vay mượn nóng của những người cho vay nặng lãi bên ngoài có lãi suất cao với hy vọng trong một thời gian ngắn được quyết toán lại số tiền trên để trả lại cho những người đã vay mượn. Nhưng không ngờ sự việc cứ kéo dài. Nhứt đã nhiều lần yêu cầu chỉ huy phòng xem xét lại cho được thanh toán một phần số tiền trên để có tiền trả nợ vì anh ta còn lưu giữ đủ chứng từ chỉ đạo, duyệt chi của lãnh đạo phòng, nhưng không được ai giải quyết.

Trong vụ việc này, không thể nói là Bùi Văn Nhứt không có “tội” gì? Cái “tội” to nhất của anh là nhắm mắt làm bừa theo lệnh miệng của cấp trên. Nhưng cũng thật khó cho một người như Nhứt, là nếu cấp trên ra lệnh mà không thực hiện thì làm gì còn tồn tại được. Hơn nữa vì nghĩ “đã có trên chịu trách nhiệm” cho nên Nhứt luôn nghĩ là chắc không sao. Tuy nhiên, khi thấy sự chi tiền ngày càng quá đà, Nhứt đã khôn ngoan lưu lại một hồ sơ đầy đủ các chứng từ, bút tích thể hiện việc làm sai của cấp trên.

Thảm kịch của Nhứt và gia đình bắt đầu từ đây.

Vì quá bức xúc, Nhứt tuyên bố với Phạm Thế Kim là nếu không giải quyết thì sẽ tố cáo toàn bộ việc làm khuất tất này. Phạm Thế Kim báo cáo việc này lên Chỉ huy phòng và Giám đốc là ông Nguyễn Chí Phi, tất nhiên họ sợ nếu vụ việc tiền bạc này bị phanh phui thì sẽ lộ ra nhiều sai phạm khác trong thu giữ vật chứng vụ án, kể cả Chuyên án Z501 (Năm Cam). Lúc này thì một số người có trách nhiệm bắt đầu lo sợ và bởi những gì mà Bùi Văn Nhứt có trong tay.

Vụ việc cứ đẩy đưa cho đến ngày 30-4-2009, Nhứt không còn cách nào khác để có được tiền trả nợ, nên đã thành khẩn trình báo với đơn vị mong được sự can thiệp giúp đỡ. Nhưng không ngờ lợi dụng cơ hội này, Ban Giám đốc CA tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo thành lập tổ xác minh tiến hành thu thập đơn tố cáo Nhứt từ những người cho vay nặng lãi để có cớ xử lý hình sự đối với anh ta.

Qua xác minh, tổ công tác không thu thập được gì, bởi những người cho vay không dám tố giác vì bản thân họ chính là những người cho vay nặng lãi (hiện Nhứt còn giữ đủ các giấy tính lãi suất cao của họ). Sau 2 tuần xác minh không thu được kết quả, lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang quyết định tước danh hiệu Công an Nhân dân và khai trừ Đảng đối với Nhứt, đồng thời chuyển hồ sơ sang điều tra để khởi tố, xử lý hình sự đối với anh ta. Liền trong 2 tuần, Ban Giám đốc đã ra 3 quyết định gồm: Quyết định tạm đình chỉ công tác, Quyết định tước danh hiệu Công an Nhân dân, Quyết định khai trừ Đảng đối với Nhứt).

Hồ sơ vụ việc được nhanh chóng chuyển sang Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, giao cho ông Nguyễn Văn Hồng, Trung tá, Đội trưởng tiến hành thu thập, để khởi tố xử lý hình sự bằng được. Ông Nguyễn Văn Hồng đã thực hiện bằng mọi thủ đoạn nghiệp vụ để quy kết cho Nhứt phạm tội lừa đảo. Khi làm việc, ông Hồng buộc Nhứt giao nộp nhiều tài liệu liên quan tới sai phạm của lãnh đạo phòng và Ban Giám đốc nhưng không lập biên bản liệt kê thu giữ tài liệu…

Vì hồ sơ vụ việc liên quan đến Nhứt là dân sự nên VKSND tỉnh Tiền Giang đã không đồng ý khởi tố vụ án và phê chuẩn lệnh tạm bắt giam theo đề nghị của ông Nguyễn Văn Hồng. Tuy VKSND tỉnh Tiền Giang không phê chuẩn, nhưng Nhứt luôn lo sợ là họ sẽ tìm cách bắt và khi đã vào trại giam của CA Tiền Giang thì “gỗ đá cũng phải nhận… tội”. Để tránh liên lụy đến vợ con, Bùi Văn Nhứt phải ly dị vợ và trốn đi khỏi địa phương…

Sau này, chịu không nổi nữa, Bùi Văn Nhứt đã mang toàn bộ tài liệu còn lưu giữ được đi tố cáo tội ác với cơ quan bảo vệ pháp luật.

Chúng tôi sẽ thông tin tới bạn đọc khi có kết luận của Cục Điều tra Hình sự của VKSND Tối cao…

(Còn tiếp)

N.N.P