“Bắt mạch” doanh nghiệp nhỏ và vừa (Kỳ 2)
Bài 2: Cần những giải pháp đột phá
Năng lực kém, công nghệ lạc hậu
Tại một cuộc hội thảo mới đây, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khi nói đến vai trò của cộng đồng DNNVV đã nhấn mạnh đây là “cầu nối”, là “hạt nhân”, mắt xích trong quá trình hội nhập kinh tế. Một nền kinh tế muốn hội nhập, phát triển cần phải có một đội ngũ DNNVV đủ tầm để cụ thể hóa các lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực, nền tảng phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, có một thực tế, phần lớn DN của Việt Nam hiện là nhỏ và siêu nhỏ. Vì là nhỏ và siêu nhỏ nên năng lực quản trị, trình độ công nghệ, quy mô về vốn… cũng nhỏ và siêu nhỏ nên không đủ tầm để tham gia vào chuỗi giá trị, cung ứng sản phẩm toàn cầu.
Vì sao lại có thực tế này khi những năm qua, Việt Nam đã có rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ khu vực DN này “trưởng thành”? Theo một kết quả khảo sát của VCCI, nguyên nhân của tình trạng này là có tới 77% DN siêu nhỏ, 68% DN nhỏ đi lên từ mô hình hộ kinh doanh, phần lớn vẫn quẩn quanh ở thị trường nội địa; chỉ có 3% DN siêu nhỏ, 4% DN nhỏ và gần 9% DN vừa có khách hàng là cá nhân hoặc DN ở nước ngoài. Trong khi có xuất phát điểm hạn chế như vậy nhưng cũng chỉ có khoảng 30% DNVVN tiếp cận được vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác, có nhiều DN phải vay với lãi suất cao 15-18%.
![]() |
Một góc Khu công nghiệp Long Hậu (Tiền Giang) |
Không chỉ nhỏ về quy mô, trình độ công nghệ của các DNNN cũng rất yếu khi số lượng nhà khoa học, chuyên gia làm việc trong các DN chỉ chiếm 0,025% trong tổng số lao động làm việc trong khu vực DN. Khoảng 80-90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các DN của Việt Nam là nhập khẩu, có loại từ thập niên 80-90 của thế kỷ trước, 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao. Khảo sát do Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thực hiện tại 100 đơn vị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về tình hình sử dụng thiết bị công nghệ và tư vấn công nghệ của các DN Việt Nam cho thấy, mức đầu tư cho đổi mới thiết bị và công nghệ rất thấp, chỉ chiếm 3% doanh thu cả năm…
Cũng chính bởi quy mô về vốn, về năng lực quản trị, công nghệ như vậy nên theo GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), hiện chỉ có 21% DNNVV của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi con số này của Thái Lan là trên 30% và Maylaysia là 46%. Vì ít tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nên khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của khối DN FDI thông qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất cũng rất hạn chế.
Quy mô nhỏ và siêu nhỏ, lại khó tiếp cận vốn vay… nhưng khả năng thông tin thị trường của DNNVV cũng rất khó khăn. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 75% DNNVV cho biết họ phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, 54% DN siêu nhỏ và nhỏ cho biết “thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”. Khoảng 65% DN nhỏ và siêu nhỏ cho biết thường xuyên phải trả chi phí không chính thức. Ngoài ra, chỉ 51-61% DNNVV có thông tin về các chính sách ưu đãi của các cơ quan trung ương và địa phương, thấp hơn nhiều so với nhóm DN lớn (77%)…
Tháo gỡ nút thắt
Hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội phát triển, mở rộng thị trường cho cộng đồng DN nhưng cũng lại đặt cộng đồng DN trước áp lực cạnh tranh rất lớn. Vì vậy, GS.TSKH Nguyễn Mại cảnh báo, nếu không có chính sách và giải pháp hỗ trợ hiệu quả, DNNVV có nguy cơ “chết yểu” ngay trong thị trường trong nước.
Theo đó, một trong những vấn đề cấp bách hiện nay để hỗ trợ DNNVV phát triển là phải tháo gỡ nút thắt về vốn. Để làm được điều này thì cần đổi mới quy định về tiền vay và điều kiện vay theo hướng phù hợp với nhược điểm của DN về tài sản thế chấp. Ngân hàng thương mại kinh doanh tiền tệ phải sinh lợi để phát triển, nhưng còn có chức năng là “phao cứu sinh”, chia sẻ rủi ro với DN. Nếu thay đổi cơ bản phương thức vay tín dụng như vậy thì DNVVN mới có điều kiện để vay tín dụng ngân hàng khi cần thiết.
Về tiếp cận thị trường, đây là nguồn sống cho DN vì trong thế giới hiện đại sự biến động của thị trường liên tục, khó dự báo, chỉ những DN thích ứng với sự biến động đó thì mới vượt qua mọi thử thách, nắm bắt cơ hội để phát triển. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích việc hình thành các chuỗi giá trị bằng các ưu đãi thuế đối với tập đoàn kinh tế, DN lớn chủ động tổ chức hình thành được các chuỗi giá trị. Ví như Vingroup đã chủ động tổ chức liên kết theo chuỗi với 250 DN sản xuất nông nghiệp. Theo đó sản phẩm cung ứng cho các siêu thị của tập đoàn này không bị trừ chiết khấu làm cho các DN tiết kiệm được chị phí. Trong khi một số siêu thị nước ngoài nâng tỷ lệ chiết khấu khi đưa hàng vào siêu thị của họ thì việc làm của Vingroup rất có ý nghĩa đối với nâng cao năng lực cạnh tranh DN Việt Nam trên thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các công ty lớn, tập đoàn kinh tế, những nhà hảo tâm góp vốn thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, đồng thời ban hành chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam nhằm tạo ra nguồn lực cho DN mới ra đời, trong đó có DN khởi nghiệp; có chính sách khuyến khích mạnh mẽ, tổ chức thường xuyên các cuộc bình chọn thực chất và khoa học đối với DNVVN thu được kết quả tiêu biểu trong đầu tư nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo có, để tăng số bằng sáng chế, phát minh, sản phẩm và dịch vụ mới của DN; cần rà soát để sửa đổi, bổ sung điều lệ các quỹ hỗ trợ DN về đầu tư đổi mới công nghệ…
Đặc biệt, theo các chuyên gia nếu đạt được mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 mà phần lớn là DNVVN thì nhu cầu cán bộ quản trị DN sẽ rất lớn. Vì vậy, ngay từ lúc này, Chính phủ cần có chủ trương thành lập hệ thống trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản trị DN, không thể để tình trạng chắp vá kéo dài khi nước ta đã tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN và hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Cùng với đó, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích DNVVN áp dụng công nghệ hiện đại trong quản trị DN, kế toán DN, nộp thuế, đóng bảo hiểm xã hội qua mạng Internet…
Đối với vấn đề đất đai và mặt bằng sản xuất, GS.TSKH Nguyễn Mại đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan Nhà nước quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế - cần cần nghiên cứu thực trạng tiền thuê đất và mặt bằng sản xuất tại các khu này để đưa ra chỉ dẫn của Chính phủ theo hướng vừa bảo đảm lợi ích hợp lý của chủ đầu tư, vừa bảo vệ quyền lợi của DN.
Nguyễn Sơn
-
Đề xuất gói lãi suất 0% hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
-
Khơi thông “điểm nghẽn” tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
-
Đổi mới sáng tạo xanh sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận thị trường
-
Thị trường tín chỉ carbon: Cánh cửa xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
-
Thêm cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4