"Bão"nổi tại nhiều doanh nghiệp, loạt đại gia được hay mất?

11:17 | 13/12/2020

111 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tuần qua, "bão" đã nổi ở nhiều doanh nghiệp của các đại gia có tiếng. Song, cơn bão này lại mang đến nhiều thông tin tích cực cho không ít doanh nhân Việt.

Cú rung chuyển với "bà trùm" nữ trang

Một thông tin sốc với PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung trong tuần qua là việc, mã cổ phiếu PNJ giảm kịch sàn xuống 73.000 đồng. Cú giảm sốc này khiến cho vốn hóa của doanh nghiệp này tụt giảm 1.240 tỷ đồng.

Ngoài ra, kế hoạch PNJ phát hành hơn 2,3 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ, nhân viên của "bà trùm" nữ trang cũng gây chú ý. Lượng cổ phần phát hành thêm bằng 1,03% lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Các nhân sự cấp cao của tập đoàn này đều ghi nhận có lượng mua vào mạnh. Song, chính sách này của bà Dung đang gây nhiều tranh cãi. Bởi nó khiến cổ đông nhỏ lẻ "mếch lòng". Nhiều nhà đầu tư lo ngại giá cổ phiếu PNJ sẽ bị pha loãng.

Loạt "phó tướng" của bầu Đức từ chức

Trong khi cổ phiếu ngược dòng tăng mạnh, HNG có lúc được giao dịch tại mức giá trần 14.750 đồng, HAG tăng 2,6% lên 4.800 đồng và có lúc áp sát mốc 5.000 đồng, thì loạt phó tướng tại doanh nghiệp của bầu Đức lại gửi đơn từ nhiệm.

Theo đó, 2 phó Tổng Giám đốc của HAGL Agrico là ông Nguyễn Quang Anh và ông Hoàng Hữu Đức đã gửi đơn từ nhiệm và được Hội đồng quản trị thống nhất miễn nhiệm chức danh.

Thay vào đó, kế toán trưởng của doanh nghiệp này là ông Nguyễn Hoàng Phi sẽ lên thay vị trí Phó Tổng Giám đốc công ty phụ trách tài chính, thu mua và kinh doanh. "Ghế" kế toán trưởng sẽ được bầu Đức trao lại cho bà Hồ Thị Tuyến. Công tác nhân sự chính thức có hiệu lực từ ngày 9/12 vừa qua.

Bước ngoặt chủ tịch "soái ca" tại ACB

Tuần qua, liên quan đến chủ tịch "soái ca" của ACB Trần Hùng Huy là sự kiện, gần 2,2 tỷ cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu đã chính thức được giao dịch trên sàn HSX với giá tham chiếu 26.400 đồng.

Bão nổi tại nhiều doanh nghiệp, loạt đại gia được hay mất? - 1
Sinh năm 1978, ông Trần Hùng Huy là chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam.

Trước đó, ACB đã rời sàn Hà Nội (HNX) trong phiên giao dịch cuối cùng ngày (1/12) ở mức giá 27.300 đồng.

Mục đích của việc chuyển đổi này theo lãnh đạo ngân hàng là bởi, họ kỳ vọng ACB có thể lọt vào các rổ chỉ số top đầu và vào được tầm ngắm của các tổ chức nước ngoài, các quỹ ETF.

Theo thông tin mới nhất được công bố, tính đến ngày 30/11/2020, ACB có tổng tài sản gần 428.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với đầu năm.

Nổi "bão" giao dịch nhà Quốc Cường Gia Lai

Cường độ giao dịch cổ phiếu QCG gấp 5 lần là một thông tin bất ngờ liên quan tới doanh nghiệp nhà đại gia Cường đôla trong vài ngày qua.

Theo đó, cổ phiếu QCG của nhà đại gia này bất ngờ tăng kịch trần lên 6.670 đồng và khớp lệnh đạt 1,6 triệu cổ phiếu, hoàn toàn không có dư bán trong khi vẫn còn dư mua giá trần.

Bão nổi tại nhiều doanh nghiệp, loạt đại gia được hay mất? - 2
Doanh nghiệp nhà đại gia Cường đôla gây nhiều bất ngờ.

Đây là mức giao dịch tăng đột biến được ghi nhận của mã này. Trong 3 tháng gần đây, QCG chỉ giao dịch 295.000 đơn vị mỗi phiên, nhưng nay đã tăng gấp 5 lần.

Thông tin bất ngờ này diễn ra khi doanh nghiệp của gia đình đại gia Cường đôla có doanh thu thuần tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ lên 540 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp cũng tăng gấp 2,1 lần lên 91 tỷ đồng.

Theo Dân trí