Bản tin Năng lượng xanh: Tổng thống Mexico cho biết Quỹ Đan Mạch CIP đầu tư 10 tỷ USD để sản xuất hydro xanh

14:22 | 28/11/2023

14,223 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hôm Thứ Sáu (24/11), Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết Quỹ quản lý tài sản của Đan Mạch sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào một trung tâm phát triển ở miền nam Mexico để sản xuất hydro xanh cho tàu thuyền và thay thế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Bản tin Năng lượng xanh: Tổng thống Mexico cho biết Quỹ Đan Mạch CIP đầu tư 10 tỷ USD để sản xuất hydro xanh

Tổng thống Mexico cho biết Quỹ Đan Mạch CIP sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào Mexico để sản xuất hydro xanh

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Mehico phát biểu trong cuộc họp báo cho biết Quỹ quản lý tài sản Đan Mạch (Copenhagen Mechanical Partners - CIP), sẽ đầu tư vào một trung tâm phát triển ở Mexico 10 tỷ USD, sản xuất hydro xanh để thay thế nhiên liệu hóa thạch”.

Một trong những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trong chương trình nghị sự của Tổng thống Lopez Obrador là phát triển hành lang công nghiệp nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương ở miền nam nghèo hơn của Mexico.

Tháng 8, Tổng thống Lopez Obrador đã cho biết CIP sẽ xây dựng một nhà máy hydro xanh ở cảng Salina Cruz phía nam Mexico để cung cấp nhiên liệu cho tàu, nhưng không đề cập đến quy mô đầu tư tại thời điểm đó.

Hôm thứ Sáu, Quỹ CIP cho biết: “Chúng tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi đang tham gia vào một dự án hydro xanh quy mô lớn ở vùng Oaxaca ở Mexico. Việc phát triển tiếp theo sẽ diễn ra trên cơ sở sự cộng tác của chính quyền địa phương và các đối tác”. “Chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin cập nhật khi dự án tiến triển.”

Tổng thống Lopez Obrador nhấn mạnh rằng các tàu mới trên khắp thế giới sẽ sử dụng hydro xanh thu được từ năng lượng gió và mặt trời thông qua điện phân “Chúng ta đang nói về kỷ nguyên không ô nhiễm, về mọi biện pháp được thực hiện để ngăn chặn biến đổi khí hậu”, tuy nhiên, ông chưa cho biết thông tin chi tiết về các khoản đầu tư hoặc mốc thời gian thực hiện.

Thủ tướng Đức Scholz cam kết đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực năng lượng xanh của Châu Phi

Tuần trước, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết rằng Đức sẽ đầu tư 4 tỷ Euro vào các dự án năng lượng xanh ở châu Phi cho đến năm 2030, lưu ý rằng những dự án này có thể giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu đạt được quá trình chuyển đổi sang trung hòa carbon.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Đức-Châu Phi ở Berlin, Thủ tướng Scholz cho biết rằng Đức sẽ cần nhập khẩu một lượng lớn hydro xanh trong tương lai, trong đó có cả từ Châu Phi, nếu muốn đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (NetZero) vào năm 2045.

Diễn đàn doanh nghiệp diễn ra trước Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp ước với Châu Phi "G20 Compact với Châu Phi”, nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư vào lục địa nghèo nhất nhưng đang phát triển nhanh chóng trên thế giới bằng cách điều phối các chương trình nghị sự phát triển của các nước theo hướng cải cách và tìm kiếm các cơ hội kinh doanh.

Thủ tướng Scholz, người đã thực hiện 5 chuyến đi tới Châu Phi kể từ khi nhậm chức vào cuối năm 2021, muốn tăng cường gắn kết với lục địa này, cho biết: “Việc sản xuất hydro đòi hỏi sự đầu tư đáng kể ngay từ đầu, vì vậy cần có những tín hiệu rõ ràng về sự hợp tác lâu dài và bền vững”. "Hội nghị Hiệp ước với Châu Phi nhằm gửi tín hiệu này: Bạn có thể tin tưởng vào Đức như một đối tác".

4 tỷ euro sẽ được chuyển vào Sáng kiến ​​chung EU-Châu Phi về Năng lượng Xanh, trong khi đó Liên minh châu Âu đã thông báo sẽ cung cấp khoản tài trợ 3,4 tỷ Euro.

Các nước châu Phi từ lâu đã phàn nàn rằng trong khi châu Âu nói nhiều về đầu tư thì Trung Quốc mới thực sự cung cấp tài chính. Tuy nhiên, hoạt động cho vay của Trung Quốc ở châu Phi đang suy giảm trong khi tỷ suất của châu Âu đang tăng lên. Trên thực tế, phương Tây đang đẩy mạnh cạnh tranh với Trung Quốc và Nga về ảnh hưởng địa chính trị, các mỏ khoáng sản quan trọng và các cơ hội kinh tế mới ở lục địa này.

Sau cuộc gặp với những người đồng cấp từ một số nước châu Phi tại Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết: “Trật tự toàn cầu đang thay đổi và châu Âu và Đức không thể chỉ đứng ngoài cuộc”.

Hội nghị thượng đỉnh "G20 Compact với châu Phi" là hội nghị lần thứ năm kể từ khi được thành lập vào năm 2017 dưới sự chủ trì của nước Đức trong vai trò là Chủ tịch G20 năm 2017, và sự tham dự của các nhà lãnh đạo của hơn một chục quốc gia châu Phi.

Thương mại của Đức với châu Phi là 60 tỷ Euro (65,4 tỷ USD) vào năm 2022, chỉ bằng một phần nhỏ so với thương mại của Đức với châu Á nhưng tăng 21,7% vào năm 2021. Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara cho biết số lượng công ty Đức đã tăng gấp ba lần trong 5 năm trong khi Thủ tướng Maroc Aziz Akhannouch cho biết đầu tư của Đức đã tăng gấp sáu lần kể từ năm 2015.

Các quốc gia thành viên của G20 Compact với châu Phi là Maroc, Tunisia, Ai Cập, Senegal, Guinea, Bờ Biển Ngà, Ghana, Togo, Benin, Burkina Faso, Rwanda, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ethiopia.

Octopus mua lại cổ phần trang trại điện gió 660 MW của Anh

Công ty năng lượng của Anh Octopus đã nắm giữ 12,5% cổ phần của Trang trại gió 660 MW, nằm trong số 10 trang trại gió lớn nhất thế giới.

Trang trại này nằm ở Biển Ailen ngoài khơi Barrow-in-Furness ở phía tây bắc nước Anh, nằm giữa một cụm trang trại gió ngoài khơi ở khu vực có nguồn tài nguyên gió mạnh.

Trang trại gió này được tạo thành từ 87 tuabin, mỗi tuabin cao hơn tháp Blackpool cao 158m, bắt đầu hoạt động từ năm 2018 và sản xuất năng lượng sạch cho gần 600.000 ngôi nhà.

Thỏa thuận này đánh dấu mốc trang trại gió ngoài khơi thứ sáu mà Octopus đã đầu tư kể từ năm 2022. Octopus đã hỗ trợ Hornsea One và Lincs ở Anh cũng như hai trang trại gió ngoài khơi ở Hà Lan và một ở Đức chỉ trong vài tuần trước./.

Thanh Bình

(Source: Reuters)