Bản tin Năng lượng xanh: Năng lượng sạch sẽ tăng trưởng đáng kể khi thế giới bước vào "thời đại công nghiệp mới"- IEA

14:00 | 13/01/2023

5,114 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo một báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vừa công bố hôm thứ Năm (12/1), thế giới đang chuyển sang “kỷ nguyên mới của sản xuất công nghệ sạch” trị giá hàng trăm tỷ USD mỗi năm vào cuối thập kỷ này và tạo ra hàng triệu việc làm trong quá trình này.
Bản tin Năng lượng xanh: Năng lượng sạch sẽ tăng trưởng đáng kể khi thế giới bước vào 'thời đại công nghiệp mới'- IEA

Sản xuất năng lượng sạch sẽ tăng trưởng đáng kể khi thế giới bước vào "thời đại công nghiệp mới"

Báo cáo triển vọng công nghệ năng lượng năm 2023 của IEA đã đề cập đến "bình minh của thời đại công nghiệp mới" khi xem xét việc sản xuất các công nghệ, trong đó có tuabin gió, máy bơm nhiệt, pin xe điện, tấm pin mặt trời và máy điện phân hydro.

Trong một thông báo kèm theo báo cáo, IEA cho rằng phân tích của họ cho thấy “thị trường toàn cầu cho các công nghệ năng lượng sạch được sản xuất hàng loạt” sẽ trị giá khoảng 650 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030, tăng hơn 3 lần so với mức hiện nay.

IEA cho rằng: “Các công việc sản xuất năng lượng sạch liên quan sẽ tăng hơn gấp đôi từ 6 triệu việc làm hiện nay lên gần 14 triệu vào năm 2030, và tốc độ tăng trưởng công nghiệp và việc làm nhanh hơn nữa được dự kiến ​​trong những thập kỷ tiếp theo khi quá trình chuyển đổi diễn ra”.

Mặc dù vậy, IEA vẫn lưu ý sẽ có những cơn gió ngược tiềm ẩn liên quan đến chuỗi cung ứng, một vấn đề tồn tại lâu nay làm gia tăng căng thẳng địa chính trị và đại dịch Covid-19 đã làm giảm mạnh chuỗi cung ứng trong những năm gần đây.

Báo cáo của IEA nhấn mạnh mức độ tập trung tiềm ẩn rủi ro trong chuỗi cung ứng năng lượng sạch, cho cả việc sản xuất công nghệ và vật liệu cần thiết.

Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong sản xuất và thương mại của đa số các công nghệ năng lượng sạch

Về các công nghệ sản xuất hàng loạt như pin, tấm pin mặt trời, tuabin gió, máy bơm nhiệt và máy điện phân, IEA cho biết có 3 quốc gia sản xuất lớn nhất đại diện cho ít nhất 70% năng lực sản xuất của mỗi công nghệ, trong đó Trung Quốc chiếm ưu thế trong tất cả các công nghệ liên quan.

Ngoài ra, phần lớn hoạt động khai thác khoáng sản quan trọng tập trung ở một số ít quốc gia, điển hình như Cộng hòa Dân chủ Congo sản xuất hơn 70% lượng coban của thế giới, và ba quốc gia, Úc, Chile và Trung Quốc, chiếm hơn 90% sản lượng lithium toàn cầu.

An ninh năng lượng là động lực chính cho đầu tư năng lượng sạch

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho rằng, trái đất sẽ được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng công nghệ sạch đa dạng hơn. “Khi bạn phụ thuộc quá nhiều vào một công ty, một quốc gia hoặc một tuyến thương mại, bạn có nguy cơ phải trả giá đắt nếu có sự gián đoạn”.

Đây không phải là lần đầu tiên Birol nêu về khía cạnh địa chính trị của sự chuyển đổi của thế giới sang một tương lai tập trung nhiều vào các công nghệ carbon thấp hơn. Trước đó, tháng 10/2022, Birol đã phát biểu với CNBC rằng động lực chính của đầu tư năng lượng sạch là an ninh năng lượng hơn là biến đổi khí hậu.

Liên quan đến Đạo luật Giảm lạm phát ở Mỹ và các gói hỗ trợ khác ở châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc, Birol cho biết đã nhận thấy “sự gia tăng lớn trong đầu tư năng lượng sạch, với mức tăng 50%”. “Ngày nay, con số này là khoảng 1,3 nghìn tỷ USD và nó sẽ tăng lên khoảng 2 nghìn tỷ USD”. “ Kết quả là chúng ta sẽ thấy năng lượng sạch, ô tô điện, năng lượng mặt trời, hydro, năng lượng hạt nhân, dần dần nhưng chắc chắn, sẽ thay thế nhiên liệu hóa thạch”.

Birol nhấn mạnh lý do chính để các chính phủ thực hiện bước chuyển đổi đó chính là an ninh năng lượng. An ninh năng lượng là động lực lớn nhất của năng lượng tái tạo. Các mối quan tâm về an ninh năng lượng, các cam kết về khí hậu, chính sách công nghiệp, cả ba cùng kết hợp với nhau tạo ra một sự kết hợp rất mạnh mẽ.

Siemens nhận được hợp đồng lưới điện gió trị giá 4 tỷ Euro

Hôm thứ Ba (10/1), công ty năng lượng của Đức cho biết Siemens Energy và Dragados Offshore của Tây Ban Nha đã được trao hợp đồng trị giá hơn 4 tỷ euro (4,29 tỷ USD) để xây dựng hai hệ thống chuyển đổi cho lưới điện kết nối năng lượng gió ngoài khơi ở Đức.

Siemens Energy cho biết nhà điều hành hệ thống truyền tải Đức Amprion đã trao hợp đồng cho tập đoàn năng lượng Siemens, bao gồm cả hai công ty, là đơn đặt hàng lưới điện kết nối ngoài khơi lớn nhất mà họ nhận được cho đến nay. Theo một nguồn tin trong ngành, phần của Siemens Energy trong hợp đồng chiếm khoảng một nửa tổng giá trị, tương đương khoảng 2 tỷ Euro.

Thông báo cho biết lưới điện có thể truyền tải tổng cộng tới 4 gigawatt (GW) điện xanh từ các trang trại gió ngoài khơi ở Đức, đủ để đáp ứng nhu cầu của khoảng 4 triệu người.

Thanh Bình

(Source: CNBC, Reuters)