Bản tin năng lượng trong nước ngày 8/11 - 14/11

06:23 | 15/11/2021

1,159 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các tin chính của ngành năng lượng trong nước tuần qua, từ ngày 8/11 đến 14/11/2021.

Khánh thành Nhà máy điện gió số 5 - Ninh Thuận

Lễ khánh thành dự án Nhà máy điện gió số 5 - Ninh Thuận.
Lễ khánh thành dự án Nhà máy điện gió số 5 - Ninh Thuận.

Ngày 14/11/2021, tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, Trungnam Group đã tổ chức Lễ khánh thành dự án Nhà máy điện gió số 5 - Ninh Thuận.

Nhà máy điện gió số 5 - Ninh Thuận đi vào hoạt động chính là cột mốc đặc biệt cho chiến dịch hoàn thành 200 MW điện gió và 650 MW điện mặt trời, với tổng công suất 853,15 MW của Trung Nam tại Ninh Thuận, góp phần đưa Ninh Thuận đến gần với mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Đến thời điểm này, Trungnam Group đã có các dự án tiêu biểu như: Điện gió số 5 - Ninh Thuận (46,2 MW); điện gió Thuận Bắc (151,95 MW); điện mặt trời Thuận Nam (450 MW); điện mặt trờiThuận Bắc (204 MW). Tổng sản lượng đạt 2,25 tỷ kWh/năm, với tổng mức đầu tư đa lĩnh vực của Trung Nam tại Ninh Thuận đã lên tới con số 2 tỷ USD.

Cấp chứng nhận đầu tư Cụm điện gió ngoài khơi Phú Cường

Phối cảnh dự án điện gió ngoài khơi Phú Cường Sóc Trăng.
Phối cảnh dự án điện gió ngoài khơi Phú Cường Sóc Trăng.

Dự án Cụm Nhà máy điện gió ngoài khơi Phú Cường Sóc Trăng 1A và 1B, liên doanh giữa Tập đoàn Phú Cường và Tập đoàn Mainstream Renewable, nhằm phát triển một trang trại điện gió quy mô 1.400 MW, tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD ngoài khơi bờ biển phía Nam Việt Nam - thuộc thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng vừa chính thức được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trước đó ngày 30/10/2021 đánh dấu cột mốc quan trọng đối với dự án Cụm Nhà máy điện gió Phú Cường Sóc Trăng 1A và 1B khi dự án nhận được “Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư” do Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt cho 200 MW đầu tiên cho dự án.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ có công suất lên tới 1.400 MW và sẽ cung cấp điện cho hơn 1,6 triệu hộ gia đình trong khu vực và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như giảm 1,8 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm.

Xem xét kiến nghị về khu vực biển dự án Nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 8195/VPCP-NN ngày 9/11/2021 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về văn bản của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận về khu vực biển dự án Nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long, tỉnh Cà Mau.

Văn phòng Chính phủ cho biết, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau có văn bản đề ngày 26/10/2021 về việc xem xét các vấn đề liên quan đến khu vực biển dự án Nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long, tỉnh Cà Mau.

Về việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xem xét xử lý văn bản của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận.

Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thực hiện các kiến nghị của đại biểu Quốc hội theo thẩm quyền.

Nghệ An nhân rộng mô hình cấp nước bằng năng lượng mặt trời

Dứa được cung cấp nước tưới đầy đủ khi sử dụng năng lượng mặt trời
Cấp nước tưới tự động cho vườn dứa bằng năng lượng mặt trời.

Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đã tổ chức hội thảo "Đánh giá hiệu quả mô hình cấp nước tưới tự động bằng năng lượng mặt trời cho một số vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An".

Từ năm 2020, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã được giao thực hiện xây dựng 5 mô hình cấp nước tưới tự động bằng năng lượng mặt trời cho một số vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh. Đến nay đơn vị đã hoàn thiện đồng bộ các quy trình kỹ thuật sản xuất lắp đặt các hệ thống để phù hợp với các địa hình sản xuất nông nghiệp khác nhau.

Sau khi kiểm tra thực địa, các đại biểu đều ghi nhận sự hiệu quả của việc áp dụng cấp nước tưới tự động bằng năng lượng mặt trời. Theo tính toán, nếu áp dụng mô hình từ 2-3 ha trong năm đầu tiên chỉ mất kinh phí khoảng 92 triệu đồng, thấp hơn so với sử dụng hệ thống máy phát điện (115 triệu đồng) và sử dụng điện lưới quốc gia (100 triệu đồng). Từ năm thứ 2 trở đi, chi phí sử dụng bằng năng lượng mặt trời chỉ khoảng 8,2 triệu đồng/năm.

Với những thành quả như trên, mô hình cấp nước tưới tự động bằng năng lượng mặt trời sẽ được Sở Khoa học và Công nghệ trình UBND tỉnh Nghệ An nhân rộng hơn trong thời gian tới với nhiều địa phương, nhiều loại cây trồng khác nhau.

Khởi công dự án đường dây và TBA 110kV khu công nghiệp WHA (Nghệ An)

Lễ khởi công dự án đường dây và TBA 110kV khu công nghiệp WHA, tỉnh Nghệ An
Lễ khởi công dự án đường dây và TBA 110kV khu công nghiệp WHA, tỉnh Nghệ An

Sau thời gian triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, ngày 10/11, tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, Ban quản lý dự án xây dựng điện miền Bắc (BA3) phối hợp với Công ty Điện lực Nghệ An và các nhà thầu tổ chức lễ khởi công dự án đường dây và TBA 110kV khu công nghiệp WHA, tỉnh Nghệ An.

Dự án đường dây và TBA 110kV khu công nghiệp WHA, tỉnh Nghệ An được Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) giao BA3 quản lý A; Công ty CP Đầu tư điện và Xây dựng công trình thực hiện tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Dự án đường dây và TBA 110kV khu công nghiệp WHA, tỉnh Nghệ An đi vào hoạt động sẽ cấp điện cho các phụ tải thuộc khu công nghiệp WHA; tăng cường liên kết lưới, tạo liên kết mạch vòng lưới điện trung áp trong khu vực, nâng cao độ ổn định và tin cậy cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải cho khu vực cũng như hoàn thiện lưới điện 110kV tỉnh Nghệ An theo quy hoạch giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

EVN ký khoản vay ưu đãi cho dự án nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng

Nhà máy thủy điện Hòa Bình
Nhà máy thủy điện Hòa Bình.

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết vừa ký khoản vay ưu đãi không bảo lãnh Chính phủ trị giá 70 triệu Euro (tương đương 1.900 tỉ đồng, chiếm khoảng 20% tổng mức đầu tư) cho Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng. Lễ ký kết thỏa ước tín dụng giữa EVN và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).

Ngoài ra, AFD cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trị giá 1,3 triệu EUR từ nguồn viện trợ không hoàn lại cho EVN để tăng cường công tác quản lý môi trường và xã hội của EVN cho dự án, cũng như tư vấn kỹ thuật.

Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi để EVN quyết định đầu tư; EVN đã giao Ban Quản lý dự án Điện 1 làm đại diện chủ đầu tư. Dự án bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 480 MW, tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm 30% nguồn vốn tự có và 70% vốn vay thương mại, trong đó vay nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ là 70 triệu euro từ AFD. Số còn lại vay từ ngân hàng thương mại trong nước.

Thanh Hóa nâng cao hiệu quả khai thác khoáng sản gắn với công tác bảo vệ môi trường

Bản tin năng lượng trong nước ngày 8/11 - 14/11
UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quản lý hoạt động tài nguyên khoáng sản

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công văn số 12234/UBND-CN về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quản lý, hoạt động tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, để đảm bảo đáp ứng đủ nguồn cung cấp vật liệu thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh), Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc các quy định có liên quan trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về quy hoạch, thăm dò, khai thác và xử lý vi phạm khoáng sản.

Nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu của chính quyền cơ sở trong quản lý tài nguyên khoáng sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh kịp thời các vi phạm trong công tác quản lý và hoạt động khoáng sản. Yêu cầu dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân...

Triển lãm quốc tế sản phẩm, công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và môi trường

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ ngày 17 đến 19/11/2021, Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ năng lượng - môi trường Hà Nội 2021 (ENTECH HANOI 2021) và Tuần lễ kết nối chuỗi sản xuất - tiêu dùng bền vững xanh quốc gia 2021 sẽ diễn ra tại Hà Nội.

ENTECH HANOI 2021 là triển lãm quốc tế chuyên ngành, tập trung giới thiệu các sản phẩm, công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và môi trường được Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức. Đây là triển lãm về năng lượng và môi trường lâu đời nhất tại Việt Nam (được tổ chức lần đầu tiên năm 2009) thu hút sự quan tâm, tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và quốc tế.