Khóc cười với “cơn sốt” Bitcoin

Bài kết: Nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào tiền kỹ thuật số

07:12 | 26/02/2024

306 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Có thể nói việc người dân bị cuốn vào cơn lốc đầu cơ BTC cũng đầu tư tiền KTS theo hình thức đa cấp đã gây ra rất nhiều hệ lụy cho bản thân và gia đình. Đặc biệt, đã có nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản để mang tiền đi đầu tư xảy ra thời gian gần đây.
Bài kết: Nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào tiền kỹ thuật số
Nữ nhân viên kế toán thua lỗ khi đầu tư vào tiền ảo oneCoin sau đó lên kế hoạch lừa đảo.

Còn nhớ năm 2021 Công an TP Hà Nội đã bắt giữ một nữ quái có hành vi hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để đầu tư tiền ảo.

Kết quả điều tra xác định đối tượng Trần Thị Phương (SN 1984, thường trú tại khu tập thể Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) làm nhân viên kế toán cho hợp tác xã do bà T. (trú tại quận Thanh Xuân) làm chủ nhiệm. Trong quá trình kinh doanh, bà T. đã giao chứng minh nhân dân của mình cho Phương để thực hiện các giao dịch với các ngân hàng. Nội dung giao dịch đều đứng tên bà T.

Bà T. đã giao cho Phương sử dụng khoảng 116 tỉ đồng để lập 47 sổ tiết kiệm gửi tiền tại hai ngân hàng ở Hà Nội. Đến hạn tất toán, Phương lại được giao đến làm thủ tục gia hạn 47 quyển sổ trên tại các ngân hàng này. Do bà T. và ông L. (chồng bà T) không bao giờ đến ngân hàng để giao dịch, hoặc gia hạn sổ tiết kiệm, nên bị can Phương đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền trên. Phương giả chữ ký của bà T. và chồng để thực hiện giao dịch rút hết tiền hơn 100 tỉ và lập sổ tiết kiệm mới mang tên mình chỉ từ 5-10 triệu đồng.

Sau đó bị can Phương đã photo lại toàn bộ 47 quyển sổ tiết kiệm mới rồi khéo léo cắt phần thông tin cá nhân của bà T. trong 47 quyển sổ photo trước đó dán đè vào phần thông tin của mình trên sổ mới. Như vậy, nếu không kiểm tra, bà T. hoàn toàn không thể biết được tiền của mình đã bị “bốc hơi” và tin tưởng 47 quyển sổ tiết kiệm hơn 100 tỉ của mình vẫn được gửi trong ngân hàng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, nữ nhân viên kế toán đã đầu tư vào tiền ảo oneCoin và bị thua lỗ.

Khi bà T. kiểm tra 47 quyển sổ tiết kiệm mới “ngã ngửa” khi biết sổ đã bị Phương làm giả nên đã trình báo cơ quan công an. Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Thị Phương, đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Theo số liệu thống kê từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết tại Việt Nam, người sử dụng tiền ảo ngày càng phát triển, được giao dịch công khai. Ước tính có khoảng 1 triệu người sở hữu và tham gia giao dịch “tiền ảo” với số tiền giao dịch hàng ngày lên tới vài trăm tỷ đồng. Chỉ riêng trên sàn giao dịch tiền ảo Remitano, khối lượng giao dịch hàng ngày giữa tiền ảo và tiền VNĐ vào khoảng từ 70-100 tỷ đồng, thời kỳ cao điểm có thể lên tới 300-400 tỷ đồng/ngày

Các sàn tiền ảo lớn đang được nhà đầu tư Việt Nam giao dịch, mua bán, đầu tư, lưu trữ là Binance, Okex, Houbi, Bittrex, Remitano, Santienao, Kenniex... Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn giao dịch thông qua các hội nhóm tự phát trên mạng xã hội, ứng dụng gọi điện, nhắn tin qua mạng (Telegram, Whatapp, Viber, Facebook...).

“Lợi dụng tính ẩn danh của các đồng tiền ảo, hầu như các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này thường không đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên không gian mạng chủ yếu là đầu tư tài chính hoặc ICO các đồng “tiền ảo”. Các đối tượng và nhà đầu tư trao đổi, liên hệ với nhau thông qua các nhóm kín trên mạng xã hội (Facebook, Telegram, Zalo...) và huy động thu lợi bằng tiền ảo thay vì tiền VNĐ như trước đây.

Một số mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng tiền ảo trên không gian mạng phổ biến hiện nay như: Đầu tư ngoại hối, ủy thác đầu tư tài chính; Chào bán cổ phần, cổ phiếu doanh nghiệp; ICO các đồng tiền ảo; Mô hình giao dịch nhị phân. Tình hình vi phạm quy định kinh doanh theo phương thức đa cấp trên không gian mạng diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước với nhiều phương thức thủ đoạn mới”, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết.

Bài kết: Nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào tiền kỹ thuật số
Nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào tiền KTS.

Theo đó, các đối tượng thường sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi để tạo lòng tin cho nhà đầu tư tham gia như tổ chức các sự kiện hoành tráng, các diễn giả tham gia là những người giàu có, doanh nhân nổi tiếng, các nhân vật có địa vị trong xã hội (các cán bộ từng đảm nhiệm chức vụ trong cơ quan nhà nước...); các diễn viên, ca sĩ, người mẫu nổi tiếng (vụ việc IFan lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng đã sử dụng hình ảnh của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng để thu hút và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư...).

Thứ hai là tạo ra nguồn thu nhập thụ động lớn suốt đời với chi phí đầu tư ban đầu thấp, nhà đầu tư chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại là có thể kiếm được hàng trăm triệu một tháng mà không phải làm gì nên đã thu hút được hàng triệu người tham gia. Thứ ba là sử dụng không gian mạng để quảng cáo, quảng bá sản phẩm trên các hội nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội có nhiều thành viên tham gia nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Thứ tư là đưa ra một số giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước hoặc các giấy chứng nhận của nước ngoài để tạo niềm tin cho nhà đầu tư về tính hợp pháp của dự án đầu tư.

Thứ năm là có sự cấu kết giữa các đối tượng người nước ngoài và Việt Nam trong tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để gây dựng lòng tin, đánh vào tâm lý sính ngoại của người tham gia để thu hút tiền nộp vào. Vòng đời của một sản phẩm các đối tượng lập ra rất ngắn (khoảng vài tháng) đến khi lôi kéo được số người tham gia lớn với số tiền lớn hoặc khi mất khả năng thanh toán, chi trả cho nhà đầu tư các đối tượng đánh sập hệ thống và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được.

Thời gian qua, lực lượng Công an đã triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn đối với hoạt động phạm tội có liên quan tiền ảo, đã tiến hành xác minh, điều tra hàng chục chuyên án, khởi tố và bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng tiền ảo để thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

“Tuy nhiên, thực tế hiện nay Việt Nam chưa có khung pháp lý chính thức về “tiền ảo”, “tiền ảo” không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm, không phải là phương tiện thanh toán hay công cụ chuyển nhượng và chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của hệ thống pháp luật dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho an ninh tiền tệ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, gây mất trật tự an toàn xã hội.

"Việt Nam cũng chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo, tiền mã hóa nào; nhà đầu tư sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động đầu tư tiền ảo, sản phẩm ảo không được pháp luật bảo hộ. Người dân cần nêu cao cảnh giác trước khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, huy động vốn và trả thưởng theo mô hình mạng lưới đa cấp và các hoạt động giao dịch mua bán tiền ảo" - đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo.

Minh Khang

Bài 5: Khi coin thủ gặp hackerBài 5: Khi coin thủ gặp hacker
Bài 4: Bẫy đa cấp tiền ảo và những con Bài 4: Bẫy đa cấp tiền ảo và những con "thiêu thân"
Bài 3: Những “nông dân cày coin” thời 4.0Bài 3: Những “nông dân cày coin” thời 4.0
Bài 2: Người lên đỉnh cao, người về vực sâuBài 2: Người lên đỉnh cao, người về vực sâu
Bài 1: Sóng lớn đang lên?Bài 1: Sóng lớn đang lên?