Gỡ nút thắt điện khí để "điện đi trước một bước":

Bài 8: TS Nguyễn Minh Phong - Vì lợi ích quốc gia cần ưu tiên điện khí

11:44 | 13/10/2023

5,432 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội thì điện khí hoàn toàn có thể đóng vai trò là nguồn điện nền, giữ ổn định cho hệ thống, đảm bảo dòng điện cung ứng, bù đắp những hao hụt do các nguồn điện khác. Do đó đứng trên góc độ lợi ích quốc gia thì cần phải tập trung khai thác điện khí để có thể sử dụng tối đa nguồn tài nguyên, đảm bảo hiệu quả kinh tế, giữ được sự ổn định về mặt chất lượng và giá cả.
Bài 8: TS Nguyễn Minh Phong - Vì lợi ích quốc gia cần ưu tiên điện khí
TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội

Phóng viên (PV): Thưa TS Nguyễn Minh Phong, trong Quy hoạch điện VIII được thông qua hồi tháng 5/2023 có đề cập đến mốc năm 2030 tỷ trọng điện khí chiếm tới gần 25% trong cơ cấu điện quốc gia. Vậy điều này nói lên điều gì?

TS Nguyễn Minh Phong: Trước hết phải nhấn mạnh vai trò của điện trong nền kinh tế. Nếu ví nền kinh tế là một “cơ thể sống” thì điện chính là “máu”, là “nguồn sống” của nền kinh tế. Mỗi năm nhu cầu về điện ở nước ta tăng khoảng 10%, tuy nhiên cung lại không tương xứng; sự chênh lệch về cung và cầu tương đối lớn mặc dù tiềm năng của chúng ta vẫn còn rất nhiều.

Dễ thấy trong cơ cấu nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII đến năm 2030 điện khí có tỷ trọng lớn nhất (24,8%), sau đó là đến điện than (20%), thuỷ điện (19,5%), điện gió (18,5%), bên cạnh đó là điện mặt trời, điện sinh khối… Không khó để có thể kết luận điện khí sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong tổng công suất nguồn điện trong tương lai.

Điện khí là nguồn điện ổn định, chúng ta chủ động được về nguồn nhiên liệu. Bên cạnh đó khí còn là nguồn cần phải được khai thác liên tục do rất khó lưu trữ so với dầu hoặc than. Hơn nữa độ phát thải của điện khí là rất nhỏ. Sử dụng nguồn điện này còn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, thực hiện các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu.

Đặc biệt một số nguồn điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời có nhược điểm là thiếu ổn định bởi phụ thuộc vào thời tiết. Thậm chí thủy điện cũng là nguồn điện giá rẻ song lại phụ thuộc vào thủy văn có thể ảnh hưởng đáng kể đến công suất tổng. Trên thực tế vào mùa hè tháng 7 vừa qua do mực nước của các hồ thủy điện xuống thấp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công suất của các nhà máy điện. Nó khiến cho nhiều khu vực dân cư, nhà máy, xí nghiệp tại một số thành phố lớn lâm vào tình trạng thiếu điện gây ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của nhân dân.

Điện khí hoàn toàn có thể đóng vai trò là nguồn điện nền, giữ ổn định cho hệ thống, đảm bảo dòng điện cung ứng, bù đắp những hao hụt do các nguồn điện khác. Do đó đứng trên góc độ lợi ích quốc gia thì cần phải tập trung khai thác điện khí để có thể sử dụng tối đa nguồn tài nguyên, đảm bảo hiệu quả kinh tế, giữ được sự ổn định về mặt chất lượng và giá cả.

PV: Vai trò của điện khí được xác định là rất quan trọng, tuy nhiên việc phát triển các nhà máy điện khí lại gặp nhiều vướng mắc, một trong số đó là vấn đề về giá thu mua điện và bao tiêu sản lượng. Theo ông nên có biện pháp gì để gỡ nút thắt này?

TS Nguyễn Minh Phong: Theo tôi ở đây có hai vấn đề lớn. Trước hết là vấn đề bao tiêu sản lượng. Rõ ràng trong Quy hoạch điện VIII đã khẳng định tỷ trọng điện khí là lớn nhất. Do vậy cần phải có một cơ chế tương ứng để tiêu thụ nguồn điện này. Dù rằng cơ quan thu mua, phân phối điện cũng có cái khó là có thể đã có những hợp đồng bao tiêu đối với các nguồn điện khác song khi ký mới các hợp đồng thì cần phải ưu tiên điện khí.

Thêm vào đó cần phải xác định thêm ý nghĩa về mặt chính trị và an ninh quốc phòng của điện khí. Do Việt Nam có thể chủ động trong việc lấy khí từ các mỏ để cung cấp cho các nhà máy điện nên dù rằng có những biến động về mặt chính trị thế giới, gián đoạn các nguyên nhiên liệu như than, cũng như các vật liệu dùng trong xây dựng, lắp đặt điện mặt trời, điện gió... thì ta vẫn có thể chủ động một nguồn điện riêng. Nguồn điện này sẽ dành cho những cơ quan quan trọng, những nơi mà không bao giờ được phép thiếu điện, mất điện.

Còn về vấn đề giá cả, ngoài việc bản thân các nhà máy điện khí cần phải có những biện pháp tiết kiệm trong sản xuất để có được mức giá đầu ra tối ưu thì Nhà nước cũng cần phải có cơ chế “đỡ” giá cho điện khí. Việc cơ quan thu mua điện áp giá hiện tại cho sản lượng điện trong tương lai cũng là vấn đề cần phải có sự can thiệp của Cơ quan quản lý.

PV: Nhiều năm trước, do có chính sách từ Nhà nước mà nhiều doanh nghiệp tư nhân đã "đổ xô"" vào làm điện mặt trời, điện gió… Vậy theo ông làm thế nào để điện khí thu hút được sự quan tâm đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước?

TS Nguyễn Minh Phong: Trong Quy hoạch điện VIII cũng đã đề cập đến vấn đề giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu với quy mô phù hợp, thực hiện chuyển dịch năng lượng bám sát xu thế phát triển công nghệ và giá thành trên thế giới.

Và để thu hút được khối tư nhân cùng tham gia vào việc phát triển điện khí thì Nhà nước cần phải có những cơ chế chính sách rất cụ thể về bao tiêu sản lượng hàng năm, chính sách trợ giá thu mua, hoặc giảm các loại thuế phí, ưu đãi về vốn vay, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch …

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Tiến (thực hiện)

Bài 9: TS Nguyễn Anh Tuấn: Giá bán điện hiện tại cần phải có sự cân đối, hợp lý hơn

Bài 6: Đa dạng hóa nguồn điện để bảo đảm an ninh năng lượng

Bài 6: Đa dạng hóa nguồn điện để bảo đảm an ninh năng lượng

Ngành Điện đang từng bước thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, sạch và giảm phát thải nhằm hướng đến mục tiêu trung hòa carbon. Để hiểu rõ hơn về mục tiêu này, phóng viên PetroTimes có cuộc trao đổi với GS.TSKH Trần Đình Long - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực Việt Nam.