Kinh tế chia sẻ - "Chìa khóa" của tăng trưởng

Bài 2: Những khoảng trống chính sách

09:52 | 18/01/2019

345 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Kinh tế chia  sẻ (KTCS) đã gây ra không ít lúng túng cho các cơ quan quản lý khi giải quyết xung đột lợi ích với mô hình kinh doanh truyền thống, sự cạnh tranh không công bằng, kiểm soát nghĩa vụ tài chính đối với các doanh nghiệp (DN), cá nhân cung cấp dịch vụ…

Quản lý thuế chưa hiệu quả

Kể từ khi thâm nhập thị trường Việt Nam tháng 2/2014, Grab liên tục báo lỗ. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, Grab có vốn pháp định 20 tỉ đồng, đến cuối năm 2017 đã lỗ lũy kế hơn 938 tỉ đồng. Giai đoạn 2014-2016, Grab chỉ nộp thuế 9,5 tỉ đồng trên tổng doanh thu 1.755 tỉ đồng.

Trước khi rút khỏi thị trường Việt Nam, từ năm 2014 đến hết tháng 6/2017, Uber đạt doanh thu 2.706 tỉ đồng, nộp thuế 76,8 tỉ đồng.

Nghịch lý là Grab, Uber liên tục mở rộng thị phần trong khi báo cáo tài chính “âm” làm bùng lên nghi vấn lỗ giả, lãi thật, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài nhằm trốn thuế. Sau khi tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế đối với cả hai DN này, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã truy thu gần 67 tỉ đồng đối với Uber, xử lý tăng thu và truy thu 3 tỉ đồng đối với Grab.

bai 2 nhung khoang trong chinh sach
Mô hình kinh tế chia sẻ đang góp phần định hình bước tiến mới cho làn sóng toàn cầu hóa

Tuy nhiên, chỉ có Grab nộp đủ số thuế, còn Uber chây ỳ vì cho rằng đã thực hiện nghĩa vụ thuế của DN và đối tác một cách đầy đủ và chính xác. Uber chỉ chấp thuận nộp 13,3 tỉ đồng và khiếu nại tới Bộ Tài chính, đề nghị bỏ truy thu thuế nhà thầu nước ngoài theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần và khoản truy thu của lái xe do nhiều người đã dừng hợp đồng, Uber không có cơ sở thu hộ. Khi Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm truy thu thuế, Uber đã kiện Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh ra tòa. Trong khi Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đang thụ lý thì Uber “bán mình” cho Grab, khiến sự việc trở nên căng thẳng và phức tạp. Cuối cùng, Uber rút đơn kiện cuối tháng 8-2018 và nộp số tiền thuế truy thu 53,6 tỉ đồng.

Trong 5 loại hình KTCS đang trở nên phổ biến ở nước ta, việc thu thuế của Grab và Uber mặc dù không dễ dàng, song ít ra Nhà nước còn thu được. Còn đối với các loại hình khác, chính sách quản lý thuế hiện hành hầu như bất lực vì… quá lỗi thời.

Rõ nét nhất là việc thu thuế hoạt động đặt phòng trực tuyến qua ứng dụng Airbnb. Do các cơ sở lưu trú của Việt Nam tham gia kinh doanh trên Airbnb phần nhiều là cá nhân, hộ gia đình, toàn bộ giao dịch được thực hiện trực tuyến thông qua Internet, được Airbnb thanh toán qua tài khoản thanh toán quốc tế, không cần xuất hóa đơn hay có hệ thống sổ sách kế toán. Vì vậy, cơ quan thuế khó có thể kiểm soát được doanh thu nếu không có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan thuế và ngân hàng cũng như quy định bắt buộc Airbnb phải cung cấp đầy đủ các giao dịch phát sinh tại Việt Nam.

Các mô hình KTCS ở Việt Nam phần lớn mang tính tự phát, cơ quan quản lý khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức kiểm soát. Một phần nguyên nhân do hầu hết văn bản pháp luật chưa bắt kịp những thay đổi trong KTCS, nhiều chính sách mới ban hành thiếu đồng bộ khi xử lý hoạt động kinh doanh theo mô hình KTCS. Chẳng hạn, việc quản lý thu thuế đối với các nhà cung cấp nền tảng trung gian là tổ chức, cá nhân nước ngoài không thành lập tại Việt Nam nhưng có phát sinh thu nhập tại Việt Nam là vấn đề khá hóc búa.

Để quản lý thuế đạt hiệu quả tốt hơn, cần có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan quản lý hoạt động KTCS trong việc hỗ trợ kết nối, cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuyên biên giới; tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet tại Việt Nam… Bộ Tài chính cần chủ động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Quản lý thuế, bổ sung quy định về việc cấp mã số thuế cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua môi trường Internet tại Việt Nam, hướng dẫn cụ thể việc kê khai, nộp thuế qua mạng... Đây là cơ sở để yêu cầu các đối tượng nộp thuế trực tiếp đăng ký, kê khai, nộp thuế và quyết toán thuế với cơ quan thuế cho hoạt động kinh doanh hay phát sinh nguồn thu nhập ở Việt Nam.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Theo một số chuyên gia, vấn đề tài chính, thuế vẫn chưa phải thách thức lớn nhất của các mô hình KTCS. Một chuyên gia về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng cho biết, hoạt động cho vay ngang hàng (CVNH - Peer to peer lending) hiện mới có khoảng 10 DN tham gia nhưng đã bắt đầu biến tướng và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn tài chính, tiền tệ. Một số sàn hiện nay ấn định lãi vay 18%/năm, nhưng lại thêm thu phí mỗi ngày 2.500 đồng/1 triệu đồng, tương đương lãi suất 90%/năm. Tính đủ các loại phí thì lãi suất cộng gộp đã lên tới 108%/năm.

CVNH hoạt động đúng bản chất sẽ là một công cụ hữu ích để cung cấp các gói tín dụng khác nhau cho doanh nghiệp hoặc giúp hàng triệu người nghèo không có tài khoản ngân hàng được tiếp cận thuận lợi với những nguồn vốn vay. Nhưng với lợi nhuận lớn như vậy, liệu người cho vay có thật sự chỉ là những người có tiền dư thừa hay thực chất là tín dụng đen núp bóng, còn người đi vay cũng rất dễ trở thành đối tượng lừa đảo - chuyên gia cảnh báo.

Bên cạnh đó, dù không phải ngành nghề cấm kinh doanh, nhưng cơ quan quản lý hiện cũng chưa định danh được CVNH thuộc ngành nghề kinh doanh gì, chịu sự điều chỉnh của luật chuyên ngành nào? Các giao dịch qua CVNH hầu như đều không bảo đảm giá trị pháp lý vì không có chữ ký điện tử để được công nhận là hợp đồng số theo Luật Thương mại điện tử.

Nghiêm trọng hơn, nếu gặp sự cố kỹ thuật, sàn giao dịch mất hết thông tin như đã từng xảy ra đối với sàn giao dịch tiền ảo thì hệ lụy rất lớn, vì liên quan đến tài sản của hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người cho vay qua sàn.

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico - phân tích: Đối với CVNH, người đi vay không chịu sự kiểm soát nào của pháp luật nên rủi ro của người cho vay là khả năng mất tiền lớn. Còn rủi ro của người đi vay là phải vay với lãi suất cao, có khi gấp 3-5 lần trần lãi suất quy định. Đặc biệt, nếu vỡ nợ, cả người đi vay và người cho vay đều không nhận được sự bảo vệ của pháp luật.

Rõ ràng, những rủi ro có thể gây ra từ hoạt động KTCS vẫn chưa được cơ quan quản lý kiểm soát tốt vì còn nhiều lỗ hổng trong hệ thống pháp luật, chính sách. Để nâng cao hơn nữa hiệu lực của bộ máy quản lý Nhà nước đối với KTCS, việc cấp bách nhất lúc này là cần sớm sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung hệ thống pháp luật cũng như chính sách hiện hành để phù hợp với phương thức quản lý mô hình mới, quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong KTCS, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước... nhằm tạo sự phát triển lành mạnh, đồng thời kiểm soát tốt rủi ro có thể đến từ các mô hình KTCS.

Hải Phạm

Kỳ 1: Mở lối, dẫn dắt phát triển
Kinh tế chia sẻ - Những cơ hội mới
Kinh tế chia sẻ: Các xu hướng và tác động tới nền kinh tế Việt Nam