Bắc Giang: Độc đáo phong tục tráng đinh làng Vân uống rượu chơi vật cầu bùn

14:04 | 13/05/2014

979 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau màn khai lễ, thụ lộc Thánh và đấu vật giao lưu, 16 thanh niên trai tráng thi nhau chạy nhảy bì bõm giữa sân bùn lầy lội nhằm đưa quả cầu gỗ lớn vào hố của đội đối phương trấn giữ giữa tiếng hoan hô vang dội của hàng nghìn khán giả - đó là nét đẹp không đâu có của riêng lễ hội vật cầu bùn làng Vân (thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Cứ hai năm một lần, lễ hội đặc sắc này lại được tổ chức thu hút dân làng và du khách thập phương trẩy hội với không khí hào hứng, vui vẻ.

Tâm thanh thân tịnh

Người dân Vân Hà, dù đi đâu, về đâu chắc cũng đều nhớ nằm lòng mấy vần thơ với niềm tự hào về quê hương sâu sắc:

Khắp vùng Kinh Bắc chẳng có đâu
Nhất tiếng làng Vân hội đánh cầu

Quan quân giành giật phần thua được
Sân trơn bùn nước nhẻm một mầu.

Lễ hội vật cầu bùn độc nhất vô nhị này diễn ra hai năm một lần vào ba ngày 12, 13 và 14-4 âm lịch. Tuy là lễ hội cổ, có truyền thống lịch sử từ nghìn năm trước nhưng đây mới là lần thứ hai (sau năm 2010) lễ hội này được tổ chức sau thời gian bị gián đoạn từ năm 2002.

Quả cầu gỗ để thi đấu hội vật cầu bùn

Tương truyền, hội vật cầu bùn này có từ thời Lý Bôn, Lý Bí đánh đuổi quân Lương (thế kỉ 4-5) gắn liền với sự tích bốn anh em Trương Hống, Trương Hách, Trương Lừng, Trương Lẫy khi đi qua làng Vân (tên tục của thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bây giờ) đã chiến thắng lũ quỷ trong trận vật cầu ở đầm lầy. Kể từ đó, hằng năm, lũ quỷ phải tham gia hội vật cầu bùn để góp vui cho các vị thần làng. Sau ngày bốn anh em họ Trương tuẫn tiết hiển thánh, vì yêu mến và cảm phục chiến công của họ, dân làng đã lập đền thờ. Người anh cả được sắc phong là Đức Thánh Tam Giang. Từ đó, cứ vào khoảng dịp rằm tháng 4 và tháng 8 âm lịch, thôn Yên Viên lại tổ chức lễ hội đánh cầu bùn và rước kiệu. Tuy nhiên, do một số điều kiện khó khăn nên khoảng hơn chục năm gần đây, lễ hội đặc sắc này không được tổ chức thường niên mà được tổ chức theo chu kỳ 2 năm/lần vào các năm chẵn. Địa điểm tổ chức hội vui này chính là khoảng sân đất ngay chính diện Đền Chùa Vân. Ngày thường vào những ngày nắng nóng thì khoảng sân này khô cong, nhưng đặc biệt, liên tiếp trong 3 ngày lễ hội, ban tổ chức luôn phải bơm nhiều nước để đất bùn đủ độ nhão và tạo độ “trơn trượt” cần thiết để làm sân thi đấu cho hai đội chơi vật cầu bùn.

Luật chơi của hội vật cầu bùn như sau: 16 thanh niên trai tráng khỏe mạnh tham gia hội vật được gọi là “quan cầu”, họ được chia làm 4 giáp (mỗi giáp 4 người), 4 giáp này là được gộp lại rồi chia làm hai đội (mỗi bên 8 người) gọi là giáp trên và giáp dưới. Sau phần nghi lễ vào đền làm lễ tế Đức Thánh Tam Giang, các quan cầu uống mỗi người ba lưng bát rượu, ăn hoa quả (dưa hấu, xoài, thanh long) rồi xuống sân đấu ra mắt dân làng. Vừa đi vừa hô vang khẩu quyết biểu lộ tinh thần thượng võ quanh quả cầu đã được đặt sẵn ở khu vực giữa sân. Tiếp đến, hai giáp cử những chàng trai khỏe nhất ra ràng, xe đai đấu vật giữa sân bùn nhão nhoét. Nếu đô vật nào thắng thì giáp đó sẽ được giao cầu. Việc này giống như hình thức giao bóng trong môn bóng đá. Hội vật cầu được tổ chức trên một sân có diện tích khoảng 200m2, mặt sân là bùn nhão, ở hai bên đầu sân có hai hố để đẩy cầu xuống, mỗi lần một giáp đẩy được cầu xuống hố giáp đối phương trấn giữ là kết thúc một hiệp. Ngày 12 đánh hai cầu (một lần đẩy cầu xuống hố gọi là một cầu), ngày 13 đánh 3 cầu và ngày 14 đánh 4 cầu. Quả cầu được các quan quân hai đội tranh giành quyết liệt trong hội vật được làm bằng gỗ lim, đường kính 35 cm, nặng khoảng 20kg, được lưu truyền trong đình làng từ đời này sang đời khác. Theo quan niệm tâm linh, mỗi lần cầu được đẩy xuống hố sẽ tượng trưng cho trời đất hòa hợp, mưa thuận gió hòa giúp mùa màng bội thu, dân làng ấm no, hạnh phúc,… “Dẫu mình mẩy có lấm lem bùn đất, mồ hôi chảy ra như tắm giữa trời chiều mùa hè nóng bức như thế này nhưng mình vẫn rất vui và tự hào vì được các cụ tiên chỉ trong làng tin tưởng lựa chọn để tham gia chính thức hội vật cầu hôm nay” – anh Nguyễn Văn Phú (một “quan quân” hội năm nay) vui vẻ chia sẻ với người viết trong ngày khai hội.

Quả thực, đối tượng được chọn tham dự hội vật cầu độc đáo này ngoài việc nhất thiết phải là “tráng đinh” làng Vân chính hiệu. Đó phải là những thanh niên khỏe mạnh, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ học vấn khá và được các cụ tin tưởng “chọn mặt, gửi vàng”, 20 thanh niên này (16 người chơi “chính thức” và 4 người “dự bị”) được huấn luyện đặc biệt trong khoảng nửa tháng từ ngày mồng 1/4 đến tận ngày 14/4 âm lịch để phục vụ hội của làng. Đặc biệt, trong suốt 2 tuần lễ đó, các chàng trai thuộc đội quan quân hội cầu bùn này sẽ phải giữ thân thể và tâm hồn mình thanh tịnh, nghĩa là họ sẽ phải kiêng ăn và động chạm những món ăn “dung tục” như thịt chó, lòng lợn, tiết canh,… và thậm chí phải kiêng cả chuyện “gần gũi, quan hệ nam nữ” với vợ hay bạn gái của mình. “Đó thực sự là một thử thách của trai làng Vân bọn mình nhưng vì lợi ích của quê hương, làng xóm, thanh niên chúng mình luôn sẵn sàng chấp nhận và vượt qua” – một chàng trai trong đội quan quân tâm sự. Nhắc đến việc “tu thân trong sạch, dưỡng tâm thanh tịnh” và sự linh thiêng của Đức Thánh Tam Giang, dân làng Vân vẫn thường rỉ tai nhau câu chuyện về hội làng năm 2010: Hồi đó, có một anh chàng trong đội “quan quân” tên là Nguyễn Văn Thế đã “tu thân” được 11 ngày, nhưng đến sáng ngày thứ 12 thì vô tình giúp mẹ cầm dao mổ lợn, làm lòng để mang ra chợ bán, đến chiều hôm đó, ra sân đình thi đấu thì bỗng nhiên, xương vai trái gồ lên khiến anh đau nhức phải tạm bỏ dở cuộc vui. Biết chuyện, các cụ cao niên mới thắp hương cầu khấn Đức Thánh Tam Giang để trình bày rõ nguyên do “phá giới” của anh Thế thì khi tàn một tuần hương, điều lạ đã xảy ra, anh bỗng thấy hết đau nhức và có thể trở lại thi đấu bình thường. 

Hai đội nghỉ giải lao sau mỗi hiệp đấu

Trang phục thi đấu của các thanh niên chơi hội vật cầu cũng rất đặc biệt: tất cả khi thi đấu đều cởi trần, đóng khố đen bất kể giáp trên hay giáp dưới. Chính vì không phân biệt màu sắc của khố như các hội vật hay các cuộc thi thể thao đối kháng khác (do khi xuống bước vào thi đấu thì tất cả các khố đều được “nhuộm” màu bùn hết) nên đòi hỏi 16 thanh niên hai giáp phải nhớ mặt hết thành viên của đội mình để có chiến thuật và sự chung sức, chung lòng nhằm đạt được kết quả tốt nhất. Ông Diêm Đình Lưỡng (Trưởng ban khánh tiết nhà đền chùa Vân) chia sẻ: “Trong cuộc vui hội làng này, nhiều khi kết quả thắng thua của xới vật hay trận vật cầu giữa các thành viên của hai giáp không phải là quan trọng nhất, mà sự yêu mến và ủng hộ nhiệt liệt của dân làng và du khách mới là mục đích chính. Vì thế, trong và sau mỗi trận vật cầu, ban tổ chức chúng tôi nhận được rất nhiều sự hưởng ứng và ủng hộ bằng tinh thần và vật chất của nhiều dân làng và du khách hảo tâm xem hội. Đó thực sự là niềm khích lệ lớn lao tinh thần cống hiến của các thành viên tham dự hội vật cầu này!

Trách nhiệm và vinh dự

Hội vật cầu làng Vân thực sự là nét thuần phong mỹ tục cần được chúng ta tích cực giữ gìn và phát huy. Nếu có dịp ghé thăm lễ hội độc đáo này, du khách không chỉ được thưởng thức những màn giải trí hấp dẫn mà còn học hỏi được ở đó những bài học nhân sinh sâu sắc: Đơn cử như phần Lễ, các thanh niên trai tráng ở hai giáp phải nghiêm ngặt tuân thủ những quy định kiêng khem thanh tịnh cho thấy quy luật “phép vua thua lệ làng” và ý chí, bản lĩnh đáng khen của trai làng Vân. Hay như ở phần Hội, chuyện 4 giáp được thụ lộc Thánh, ăn hoa quả trước sân đình và mỗi quan cầu uống 3 lưng bát rượu đầy rồi hăng say thi đấu giữa sân bùn lầy lội giữa trời chiều nắng chang chang, thi đấu cống hiến hết mình mà không vì mục đích phần thưởng hay kết quả thắng thua cho thấy tinh thần thể thao cao thượng và nhiệt huyết tuổi trẻ đã được họ thể hiện đúng lúc để giúp vui cho quê hương, đất nước.

Dù bị hai đội công kênh lên cao nhưng một chàng trai vẫn quyết giữ trái cầu

Mới hôm khai hội (12/4 năm Giáp Ngọ, tức ngày 10/5/2014), theo thông báo của ban tổ chức lễ hội vật cầu làng Vân, đã có khoảng 5.000 khán giả tham dự, xem hội vật cầu bùn (bao gồm cả dân làng và du khách thập phương). Đó thực sự là con số đáng mơ ước với bất kỳ một lễ hội quy mô “hội làng” ở làng quê nào của Việt Nam. Chúng ta cần tự hào vì trong thời buổi hiện nay, vẫn có những địa phương gìn giữ và phát huy được những nét phong tục tập quán vừa mộc mạc, nhưng cũng rất cao quý như hội đánh vật cầu của người dân thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Giữa trời nắng chang chang, cả sân đình vẫn náo nhiệt người xem hò reo, cổ vũ. Không ai tỏ thái độ mệt mỏi hay buồn chán mà ai nấy đều chăm chú theo mỗi hiệp cầu hai đội thi đấu. Thậm chí, nhiều người còn hào hứng cho rằng, mình càng bị vấy bùn thì càng có lộc, Thánh sẽ phù hộ. Chị Hoàng Minh Thu (du khách từ Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã đi xem nhiều lễ hội lớn nhỏ ở các tỉnh thành trong nước, nhưng có lẽ, không hội nào vui và hấp dẫn cả người chơi và người xem hội như hội vật cầu bùn làng Vân này.”

Thiết nghĩ, Nhà nước nên có thêm chính sách động viên khuyến khích và tạo điều kiện cho những phong tục tập quán, lễ hội độc đáo như hội vật cầu bùn làng Vân này ngày càng phát triển không chỉ ở quy mô địa phương mà xa hơn là quy mô đất nước, giới thiệu với bạn bè thế giới bằng nhiều những biện pháp, từ tuyên truyền, quảng bá đến hỗ trợ nhân lực, kinh phí. Và mỗi người dân Việt Nam bên cạnh việc gìn giữ tình yêu quê hương, đất nước mình thì cần biết phát huy nó ở những hoàn cảnh phù hợp, mà việc tích cực góp sức bảo tồn văn hóa truyền thống quê hương và giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước là một biểu hiện tích cực. Đó chính là quyền và trách nhiệm của mỗi người Việt.

                                                                           Đăng Đức