Bá và Bách

11:32 | 04/10/2013

|
Bạn đọc: Tác giả cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí là ông 柏 杨 thì đọc là “Bá Dương” hay “Bách Dương” ạ? Có phải chữ 柏 và chữ 伯 mỗi chữ đều có hai cách đọc (Bá: Bo và Bách:Bai) không ạ? Vậy “Bá” và “Bách”, theo Bách Gia tính là hai họ khác nhau, nếu đọc chung như vậy liệu có nhầm lẫn gì không? BQH (Bình Phước)

An Chi: Theo Quảng vận (1008) thì cách đây 1005 năm, hai chữ 柏 và  伯, chữ nào cũng chỉ có một âm thư tịch chính xác là “bách” mà thôi. Cả hai đều thuộc vận “mạch” [陌]. Chúng tôi đã đối chiếu với Tân hiệu hỗ chú Tống bản Quảng vận của Dư Nãi Vĩnh  余廼永 (Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 2000) thì không thấy có thay đổi hoặc bổ sung gì cho cách đọc hai chữ này vào thời đó cả. Điều này chứng tỏ rằng, cách đọc với âm “bá” là một hiện tượng hậu - Quảng vận. Sự phân hóa về cách đọc này cũng đã có ảnh hưởng đến cách đọc tại quốc gia Đại Việt nên ta mới có hai âm “bá” và “bách” cho hai chữ đang xét.

Chữ  伯 có hai cách đọc Hán Việt là “bá” và “bách” nhưng trong tiếng Việt hiện đại thì âm “bách” hầu như không được dùng đến. Với âm “bá”, nó có mấy nghĩa quen thuộc: 1- bác (anh của cha), người lớn tuổi; 2- người đứng đầu, kẻ lớn nhất; 3- tước thứ ba trong năm tước (công, hầu, bá, tử, nam). Trong phương ngữ của tiếng Việt, “bá” còn chuyển nghĩa để chỉ người chị của mẹ nữa. Với ba nghĩa trên, nó được đọc là “bó” trong tiếng Bắc Kinh. Nhưng trong tiếng Việt, hình vị Hán Việt “bá” còn có một điệp thức (doublet) là “bác”, một từ độc lập, dùng theo nghĩa 1 của “bá”. Đây là một hiện tượng thú vị liên quan đến ngữ âm lịch sử. Theo Quảng vận (cũng như một số tự thư khác) thì âm của chữ  伯 vốn là “bách” nhưng ta cũng nên biết rằng, trong trường hợp của hai điệp thức, nghĩa là hai từ cùng gốc mà một từ có vần AC còn từ kia có vần ACH, thì từ trước xưa hơn từ sau: - “khác” (mà nghĩa gốc là “không phải bản thân mình”) xưa hơn “khách” trong “khách thể”; - “tác” trong “tan tác” xưa hơn “tách” trong “tách rời”. Vậy “bác” xưa hơn “bách” và, ở đây, ta có diễn tiến ngữ âm: “bác” → “bách” → “bá”. Nếu để ý, ta sẽ thấy rằng “bá” [伯] là một chữ hình thanh mà hình phù (cũng gọi là nghĩa phù) là “nhân” [亻], còn thanh phù là “bạch” [白] (= trắng). Chữ “bạch” có vần ACH nhưng bản thân nó cũng có một điệp thức thuộc vần AC là chữ “bạc” trong “tóc bạc”, “mây bạc”, v.v... Và như trên đã nói, trong mối quan hệ ngữ âm lịch sử này thì “bạc” xưa hơn “bạch”.

Trong tiếng Việt, chữ “bách” [柏] cũng còn đọc là “bá” với hai nghĩa quen thuộc: 1- loài cây giống cây thông; 2- họ người. Hiện nay, “bách” là tên thông dụng dùng để chỉ giống cây đã nói nhưng trước đây, nhất là ở trong Nam, “bá” mới là âm thông dụng hơn.

Liên quan đến thanh phù “bạch” [白] đã nói ở trên, ta còn có chữ “bách” [百] là trăm, cũng là một chữ hình thanh mà nghĩa phù là “nhất” [ 一] (chỉ số lượng) còn thanh phù là “bạch”. Chữ “bách” cũng có âm “bá” và giữa hai âm này cũng có sự phân công về ngữ dụng nên không thể thay thế cho nhau trong mọi trường hợp. Ở trong Nam trước đây, người ta nói “thuốc trị bá chứng”, “ông bá hộ”, “trường bá nghệ”, v.v… chứ không bao giờ dùng “bách” trong những trường hợp này. Còn hiện nay, trong tiếng Việt toàn dân, không ai nói “cửa hàng bá hóa”, “trường đại học bá khoa”, “bá chiến bá thắng”, “bá phân”, v.v… mà phải dùng “bách”.

Trong tiếng Việt, để chỉ họ người, chữ [伯] từ xưa đã được phát âm thành “bá”, điển hình là trong tên của hai nhân vật quen thuộ là Bá Di [伯夷] và Bá Nha [伯牙]. Đối với chữ [柏] dùng để chỉ họ, chúng tôi cho rằng, ta nên đọc thành “bách”, để phân biệt với họ “Bá” viết bằng chữ [伯]. Vậy, theo chúng tôi thì tên họ của tác giả cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí là  柏杨 thì ta nên đọc thành “Bách Dương”.

A.C