Bà Rịa - Vũng Tàu: Chủ động, đi đầu trong phát triển ngành logistics
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024 |
Cửa ngõ quan trọng của Đông Nam Bộ
Tỉnh BR-VT có vị trí cực kỳ thuận lợi, nằm ngay cửa ngõ giao thương giữa TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Đặc biệt, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, 1 trong 21 cảng nước sâu trên thế giới có thể đón được “siêu tàu” đã và đang tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho tỉnh trong việc phát triển dịch vụ logistics.
Ông Nguyễn Thắng Lợi, Trưởng ban Nghiên cứu và tư vấn, Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam cho biết, Đông Nam Bộ được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển. Hoạt động thương mại của vùng diễn ra sôi động với khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Vùng đảm nhận khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển hệ thống cảng Cát Lái (TP HCM) và Cái Mép - Thị Vải.
Là một trong những địa phương trong vùng Đông Nam Bộ có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên trục đường xuyên Á, tỉnh BR-VT có hệ thống cảng nước sâu được xếp loại đặc biệt của quốc gia có thể tiếp nhận tàu container trọng tải 80.000-250.000 tấn (6.000-24.000 TEU) và lớn hơn; đồng thời giữ vai trò cửa ngõ hướng ra biển của vùng.
Cùng với đó, hệ thống giao thông tỉnh được đầu tư đồng bộ, hiện đại hướng tới hình thành hệ thống giao thông đa phương thức; kết nối liên hoàn giữa hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải - Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ - Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP HCM. So với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, BR-VT có nhiều yếu tố thuận lợi hơn để phát triển ngành dịch vụ logistics.
Ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh BR-VT cho biết, với các điều kiện thuận lợi, ngành logistics đã được xác định là 1 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh. Đồng thời, mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025, BR-VT là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm logistics lớn - đầu mối của vùng Đông Nam Bộ.
![]() |
Cảng Gemalink hiện là cảng nước sâu có quy mô lớn nhất tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) |
Tầm nhìn trở thành trung tâm hàng hải
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast), đơn vị tư vấn Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đang gặp phải các thách thức quan trọng cần được giải quyết để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành trung tâm hàng hải với cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế. Nơi đây đang thiếu khu vực logistics sau cảng và hệ sinh thái dịch vụ hỗ trợ. Do đó, phần lớn lượng hàng hóa xuất khẩu vẫn đang thực hiện các công đoạn khai thác như đóng container, kiểm định, khai quan... tại ICD (cảng cạn) ở các tỉnh khác, sau đó vận chuyển bằng sà lan đưa lên tàu mẹ tại khu vực Cái Mép - Thị Vải.
Việc hình thành Trung tâm logistics Cái Mép Hạ sẽ tháo gỡ được các vướng mắc trên. Đây là một trung tâm trung chuyển hàng hóa tầm cỡ khu vực và thế giới, cùng với chức năng của một khu thương mại tự do. Dự án là một phần không thể thiếu của cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và phía Nam Việt Nam. Với công suất tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải dự kiến đạt 12,8 triệu TEU vào năm 2030 và trên 34,5-41,4 triệu TEU, giai đoạn 2030-2050. Dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ là yêu cầu rất cấp thiết để đáp ứng nhu cầu xử lý hàng hóa cho cụm cảng.
Cùng với đó, tỉnh sẽ nghiên cứu hình thành khu thương mại sau cảng, quy hoạch các khu chức năng gồm: khu phi thuế quan, kho bãi; trung tâm phân phối; trung tâm kiểm tra chuyên ngành để phát huy vai trò cảng đầu mối trung chuyển quốc tế, tạo động lực thúc đẩy BR-VT trở thành trung tâm logistics và trung chuyển của khu vực.
![]() |
Cảng quốc tế CMIT |
Sẵn sàng hình thành khu thương mại tự do
Khu thương mại tự do là một mô hình phát triển kinh tế đặc trưng giúp các thành phố, địa phương đóng vai trò “đầu tàu kinh tế” tận dụng được các cơ hội phát triển từ quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tranh thủ lợi ích có được từ việc tham gia các thỏa thuận thương mại tự do (FTAs). Việc phát triển “điểm” theo mô hình này sẽ giúp các địa phương tận dụng tối đa lợi thế so sánh và tiềm lực để bứt phá toàn diện trong phát triển kinh tế cũng như mọi mặt đời sống xã hội trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu diễn ra gay gắt ở nhiều cấp độ.
Tại Diễn đàn Logistics với chủ đề “Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, việc phát triển khu thương mại tự do như một động lực quan trọng để thúc đẩy ngành logistics và tạo cơ hội lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam, thu hút đầu tư, tối ưu hóa dòng chảy hàng hóa, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế. “Trong sự phát triển này, BR-VT phải đi đầu, chủ động kết nối bởi địa phương có những lợi thế không ở đâu bằng, vừa có đường hàng không lẫn đường biển thuận lợi” - Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.
Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy BR-VT cho biết, cấu trúc khu thương mại tự do Cái Mép Hạ tại BR-VT theo hướng hiện đại cần có 3 lớp tạo nên hệ sinh thái khu thương mại tự do hiện đại gồm: Cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, Khu trung tâm logistics và Công viên công nghiệp.
Việc hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, chính là một bước đi chiến lược để hoàn thiện hạ tầng logistics vùng Đông Nam Bộ. Đó là sớm hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải một cách đồng bộ, tạo ra lợi thế cạnh tranh tuyệt đối của quốc gia để làm mới động lực cũ, tạo ra động lực mới trong thu hút đầu tư thế hệ mới trong không gian dịch vụ - công nghiệp - đô thị trên hàng lang kinh tế Đông Tây từ Mộc Bài đến Cái Mép - Thị Vải, Bí thư Tỉnh ủy BR-VT nhấn mạnh.
Tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ các bộ, ban, ngành Trung ương, sự tin tưởng của nhà đầu tư, doanh nghiệp và xã hội, ngành logistics của tỉnh BR-VT nói riêng và ngành logistics của cả nước nói chung sẽ tiếp tục phát triển, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành một nước phát triển thu nhập cao trong “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Với các điều kiện thuận lợi, ngành logistics được xác định là 1 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh BR-VT. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025, BR-VT là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam ¡; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm logistics lớn, là đầu mối của vùng Đông Nam Bộ. |
Hồng Thắm
-
Tin tức kinh tế ngày 4/4: Xuất khẩu cà phê lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD trong một tháng
-
Những địa phương dự kiến tăng trưởng 2 con số trong quý I/2025
-
Thị trường chứng khoán sẽ sớm tìm được điểm cân bằng
-
Vì sao Đức không muốn mở lại đường ống Nord Stream 2?
-
EU thay đổi mục tiêu lưu trữ khí đốt năm 2025