Áp lực đảm bảo nguồn cung thịt lợn Tết Nguyên đán 2020

17:08 | 23/11/2019

715 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo tính toán của Hà Nội, nguồn cung mặt hàng thịt lợn phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán 2020 đang hụt 30%, chưa kể các địa phương khác cũng hụt, nên lượng bù đắp cũng bị thiếu, ít nhiều tạo áp lực đến việc đảm bảo nguồn cung cho dịp Tết.    
ap luc dam bao nguon cung thit lon tet nguyen dan 2020Giá thịt lợn vẫn tăng bất chấp kiểm soát
ap luc dam bao nguon cung thit lon tet nguyen dan 2020“Bão giá” thịt lợn gia tăng, Chính phủ quyết định nhập khẩu “bù” thiếu hụt
ap luc dam bao nguon cung thit lon tet nguyen dan 2020Chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc tăng kỉ lục do thiếu hụt thịt lợn trầm trọng

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi nên Hà Nội cũng gặp ít nhiều khó khăn về đảm bảo nguồn cung thịt.

Dự kiến, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của người dân trong dịp Tết khoảng 22.300 tấn hơi/tháng, tương đương với 15.610 tấn thịt lợn, tăng khoảng 18% - 20% so với các tháng thường.

Đối với nguồn cung, từ tháng 2/2019 đến nay, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã gây thiệt hại cho các cơ sở chăn nuôi, mặc dù số lợn mắc dịch tả đã giảm so với các tháng cao điểm, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp.

ap luc dam bao nguon cung thit lon tet nguyen dan 2020
Dự báo thịt lợn sẽ thiếu hụt 30% vào dịp Tết Nguyên đán 2020

Theo báo cáo của Cục thống kê Hà Nội, ước tính tổng đàn lợn trên địa bàn, đến hết tháng 10/2019, khoảng 1.180 nghìn con, sản lượng lợn hơi xuất chuồng tháng 10 là 18.800 tấn (tăng so tháng 9 là 4.600 tấn), so với nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết còn thiếu 3.500 tấn. Tuy nhiên, sản lượng lợn hơi xuất chuồng tăng trong một tháng qua cho thấy, công tác tái đàn đã bước đầu đạt kết quả và sẽ giúp tăng sản lượng thịt lợn cung cấp cho thị trường trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, dự trữ nguồn hàng đa dạng, phong phú, doanh nghiệp bình ổn tham gia nhiều hơn, đưa hàng hóa có chất lượng tốt, đặc sản của các địa phương về Hà Nội. Nhưng với mặt hàng thịt lợn, nguồn cung đang hụt 30%, chưa kể các địa phương khác cũng hụt, nên lượng bù đắp cũng bị thiếu.

Thực ra, việc thiếu hụt nguồn cung thịt lợn không phải là quá bất ngờ mà đã được các Bộ, ngành dự báo từ trước. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn mới đây đã thống nhất sơ bộ số liệu cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn các tháng cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Cụ thể, dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu khoảng 200.000 tấn, tương đương mỗi tháng sẽ thiếu 70.000 tấn thịt hơi (tính cho 3 tháng gần Tết là tháng 11, 12/2019, và tháng 1/2020).

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019).

Theo đó, kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ dịp Tết (tính cho 02 tháng từ 07/12/2019 đến 08/2/2020) đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, gồm: Gạo 191.400 tấn; thịt lợn 44.600 tấn; thịt gà 14.800 tấn; thịt bò 12.306 tấn; trứng gia cầm 260 triệu quả; 247.400 tấn rau củ; thực phẩm chế biến 12.800 tấn; thủy hải sản 11.364 tấn; nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn; 3.000 tấn bánh mứt kẹo; 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát; 200.000m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy.

Về khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn Thành phố dịp Tết, dự kiến: Gạo 51.150 tấn (đáp ứng 27% nhu cầu); thịt gà 17.000 tấn; thịt bò 1.782 tấn (đáp ứng 12,1%); thủy hải sản khai thác 280 tấn (đáp ứng 2,5%); trứng gà, vịt 292 triệu quả (cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng), thực phẩm chế biến 3.840 tấn (đáp ứng 30%); rau củ 115.228 tấn (đáp ứng 47%)…

Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đã tính đến giải pháp tăng cường nhập khẩu từ các thị trường có ngành sản xuất, chăn nuôi lợn để xuất khẩu.

Khảo sát từ tháng 6 cho thấy, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 25-30% so với tháng 9) và hiện đang ở mức khá cao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1% . Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018 nên ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước và tạo áp lực lên nguồn cung vào cao điểm Tết Nguyên đán.

Theo Bộ Công thương, để đảm bảo nguồn cung thực phẩm thiết yếu dịp Tết 2020, Sở Công Thương Hà Nội cần chủ động làm việc với các địa phương lân cận có nguồn cung thịt heo lớn (Hải Dương, Bắc Giang...) để hỗ trợ các doanh nghiệp ký kết sẵn các hợp đồng cung ứng sản phẩm thịt lợn nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, tránh tăng giá quá cao gây bất ổn thị trường.

Ngoài ra, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng thực phẩm và thịt lợn để phục vụ Tết; triển khai hiệu quả Chương trình Bình ổn thị trường, đôn đốc các doanh nghiệp tiếp tục chủ động nguồn hàng, đẩy mạnh cung ứng thịt heo bảo đảm về số lượng, chất lượng cho thị trường với mức giá ổn định.

Nguyễn Hưng