"Ăn ngủ cùng dưa" giữa dòng Trà Khúc

08:39 | 26/08/2024

37 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dòng Trà Khúc vẫn êm đềm chảy, cắt ngang thành phố Quảng Ngãi làm hai và tạo nên những bãi bồi khổng lồ giữa lòng sông. Những hàng cây xanh mướt, kéo dài đến tận chân trời được tạo hình như một “bức tranh” do những người “nghệ nhân nông dân” vẽ ra. Họ là những người nông dân trồng dưa hấu, ngày đêm ăn ngủ giữa dòng sông để chăm dưỡng “bức tranh” tự nhiên đó và cũng là kế sinh nhai, nuôi gia đình của mình.

Sống “du mục” cùng dưa hấu

Băng qua những cây cầu bắc ngang dòng sông Trà Khúc, không khó để bắt gặp hình ảnh những cánh đồng dưa hấu xanh mướt, trải dài theo từng hàng nằm giữa lòng sông, chia dòng nước thành hai nửa. Thấp thoáng đâu đó là những người nông dân đội nón, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để trồng những cây dưa hấu. Từ lâu, cánh đồng dưa giữa dòng Trà Khúc đã trở thành bức tranh hùng vĩ, là dấu hiệu cho mỗi người con xa quê trở về hay du khách lần đầu ghé đến TP Quảng Ngãi. Và cũng như bao người câu cá ở dòng Trà Khúc, cánh đồng dưa hấu cũng trở thành “chiếc cần câu cơm” của nhiều người nông dân đến từ khắp nơi của tỉnh Quảng Ngãi.

Cánh đồng dưa hấu giữa dòng sông Trà Khúc.

Đêm đến, những ánh đèn le lói, lập lờ là những căn chòi tạm nằm giữa dòng Trà Khúc. Đây là nơi những người nông dân làm nghề trồng dưa hấu tại TP Quảng Ngãi ăn ở, sinh hoạt trong hai mùa dưa hấu mỗi năm. Họ sống một cuộc sống “du mục”, quanh năm suốt tháng “ăn ngủ cùng dưa” với số lần về nhà cả năm cộng lại chỉ chừng 1 tháng. Ngoài việc phải đi xa để canh tác mỗi khi mùa Đông đến, họ phải sống cạnh bãi dưa hấu vì bờ kè sông Trà Khúc nằm dọc tuyến đường Tôn Đức Thắng (TP Quảng Ngãi) dài chừng 3 cây số. Tuyến đường thường được đông đảo người dân tập thể dục và nhiều bạn trẻ dạo mát vào chiều tối hoặc sáng sớm. Và rồi ngoài chuyện chăm cho cây khoẻ, ra trái chất lượng, những người nông dân còn phải “ngủ cùng dưa” để túc trực, canh không bị người xấu phá hoại hoặc ăn trộm dưa hấu.

Những người nông dân trồng dưa tất bật chuẩn bị cho vụ mùa mới.

Anh Phạm Quân (35 tuổi, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn) loay hoay cạnh bãi tập kết dưa để kiểm tra “thành quả” trước khi bán đi. Hơn 10 năm trong nghề, bôn ba nhiều nơi để học trồng dưa, anh Quân chọn thuê 1,5 ha bãi bồi ở dòng sông Trà Khúc và 4 ha đất tại Đắk Lắk để canh tác. Sau nhiều tháng ăn ngủ cùng dưa hấu, với lấy một quả trong bãi tập kết, anh Quân gõ nhẹ nhưng gương mặt không vui vì thời tiết không ủng hộ, năm nay anh mất mùa.

Anh Phạm Quân cẩn trọng ngắm nhìn thành quả của mình sau hơn 2 tháng chăm sóc.

Hỏi về lý do tại sao phải sống kiểu du mục, luôn luôn có mặt tại cánh đồng dưa, anh Quân cười, nhìn xa xăm rồi nói: “Trồng dưa khác với trồng lúa hay ớt. Nếu các loại nông sản đó chỉ cần bón phân, xịt thuốc, chăm cho cây khoẻ thì dưa hấu cũng vậy. Anh và nhiều người khác chọn trồng dưa ở bãi bồi sông Trà Khúc do đất tốt, phù hợp với cây dưa. Nhưng dưa hấu là quả, dễ hái và mình hái được thì… nhiều người khác cũng vậy. Vì ở đây nằm cạnh bờ kè sông Trà Khúc, nhiều người thường ra đây để dạo mát, do đó, nhiều người xấu cũng thường… dạo ở vườn dưa hấu để hái nên phải túc trực để canh gác. Đồng thời, dưa cũng phải được bơm thuốc tránh sâu hại vào ban đêm để cây dễ hấp thụ. Vì vậy, những người trồng dưa ở đây phải ăn ngủ lại để chăm dưa”.

Cánh đồng dưa nằm cạnh bờ đê bao sông Trà Khúc, nơi có đông đảo người dân qua lại.

Cùng trồng dưa hấu như anh Quân, ông Phạm Nhuận (53 tuổi, xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn) kể thêm, nhiều năm trước, nạn ăn trộm dưa hấu xảy ra nhiều và thường xuyên. Số lượng dưa hấu tuy không quá nhiều, nhưng mỗi đêm chỉ cần mất chừng 5 - 7 quả, thì mùa dưa năm đó, người nông dân coi như mất đi nửa số tiền công chăm sóc. Những người trộm dưa thường là những lứa thanh niên cá biệt, đi thành nhóm và “ra tay” vào chạng vạng tối. Đôi khi, những người nông dân ngủ tại những chòi tạm cũng không thể ngăn chặn, nên buộc phải lên bờ kè đường Tôn Đức Thắng để thức đêm canh dưa mỗi khi đến mùa thu hoạch.

Căn chòi tạm nơi người nông dân trồng dưa "ăn ngủ cùng dưa" trong mỗi vụ mùa.

“Chuyện mất dưa hay bị phá hoại xảy ra nhiều nhất ở các năm trước. Đến nay, nhờ công tác đảm bảo an ninh trật tự của các cơ quan chức năng nên chuyện này đến nay đã không còn nhiều. Nhưng vẫn phải ngủ lại tại đồng dưa hấu để tiện việc chăm sóc, đêm đến thì bơm phân bón, bắt sâu… để đảm bảo trái dưa lớn đều, đẹp và chất lượng. Đa số, những quả dưa hấu trồng tại bãi bồi dòng Trà Khúc này sẽ được bán cho bà con các tỉnh Việt Nam mình ăn, nên luôn được chăm sóc kĩ càng. Nhờ đó, Quảng Ngãi cũng là nơi cung cấp số lượng lớn dưa hấu cho thị trường nước mình”, ông Nhuận nói.

Tâm tư từ… quả dưa

Mùa xuân tháng 3, trăm cây đua nở cũng là lúc đôi bờ và những bãi bồi của sông Trà Khúc lại được những người nông dân trồng dưa hấu “vẽ màu xanh”. Những bãi đất trống sau thời gian “ngủ đông” cũng dần được cày xới, cải tạo, tiếp tục cho một mùa dưa hấu vụ Xuân Thu. Hơn chừng một tháng, những cánh đồng dưa hấu bắt đầu cho trái và được thu hoạch, bán cho thương lái. Mùa này, dưa sẽ được bán cho thị trường nội địa ở các tỉnh phía Bắc.

Phạm Đình Phố phụ gia đình thu hoạch dưa để bán cho thương lái.

Anh Phạm Đình Phố, 21 tuổi, con ông Phạm Nhuận chăm chú nhìn hàng dưa trải dài xanh mướt như gửi gắm những hy vọng. Bởi lẽ, cánh đồng dưa cũng sẽ là học phí cho cậu sinh viên năm 4 Khoa Công nghệ Nhiệt - Điện lạnh, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Tranh thủ thời gian nghỉ hè, trong lúc đợi năm học cuối của mình, Phố chọn ra cánh đồng dưa của gia đình để phụ ba mẹ chăm cây và thu hoạch trái.

Cậu sinh viên năm tư với dáng người thư sinh, đôi tay đen nhẻm và ánh mắt sáng đầy những hy vọng. Hỏi Phố về tình hình học tập, cậu sinh viên cười tươi nhưng chỉ chia sẻ vài câu rồi im lặng như chứa đựng những nỗi niềm khó nói. Không phải vì học tập chưa tốt mà vì năm học mới sắp bắt đầu và nỗi lo học phí vẫn còn đó…

Những người nông dân thu hoạch dưa hấu, kết thúc một vụ mùa Xuân Thu.

Bà Võ Thị Kim (48 tuổi, mẹ của Phố) thì cười tươi khi nghe hỏi về cậu con trai út của mình. Bà Kim tự hào kể về Phố, người con trai ngoan ngoãn, hiền lành, chăm học nhưng chưa được may mắn khi để hụt mất học bổng học kỳ vừa qua. Bên cạnh nghiệp trồng dưa của hai vợ chồng, cô con gái và Phố là lý do để ông Nhuận cùng bà Kim cố gắng bám ruộng dưa.

“Phố lo xa, chứ chuyện học phí đều được cô chú lo hết rồi. Vụ dưa năm nay, tuy không quá được giá nhưng vẫn trong tầm tính toán của cô chú. Nhà còn đứa con trai út còn học, nên gia đình vẫn luôn cố gắng để em được học tập đầy đủ con à”, bà Võ Thị Kim bộc bạch

Anh Quân đứng cạnh bãi dưa đang chuẩn bị bán cho thương lái, môi lẩm bẩm như đang tính toán điều gì đó… Anh Quân kể: “Vụ năm nay mất mùa nên phải tính toán chi phí kỹ càng. Gia đình có một cháu trai 7 tuổi vừa bước vào lớp một, vợ thì buôn bán tạp hoá, nên cánh đồng dưa là thu nhập chính của gia đình. Anh cũng khá lo nếu vụ này… dưa lại lỗ”.

Cánh đồng dưa xanh mướt, trải dài giữa dòng sông Trà Khúc vẫn âm thầm bao bọc những người nông dân trông dưa hấu của tỉnh Quảng Ngãi.

Cánh đồng dưa đôi bờ Trà Khúc vẫn một màu xanh biếc được tô điểm bởi những hàng dưa thẳng hàng. Đâu đó, “bức tranh” này đang chứa đựng nhiều câu chuyện của những người nông dân cần mẫn mưu sinh vì gia đình. Đồng tiền từ những quả dưa tròn trĩnh, đều phải đánh đổi bằng những đêm thức trắng và giọt mồ hôi cay nồng. Bởi lẽ, từ xưa đến nay, nông nghiệp vẫn chưa thể giúp bà con nông dân dễ dàng “phất lên” như những ngành nghề khác. Nhưng rồi, họ vẫn chọn nghiệp trồng dưa và sống êm đềm như dòng Trà Khúc vẫn âm thầm bồi đắp phù sa cho đôi bờ…

Quảng Ngãi: Đa dạng phương thức đánh bắt giúp nâng cao giá trị kinh tế cho ngư dânQuảng Ngãi: Đa dạng phương thức đánh bắt giúp nâng cao giá trị kinh tế cho ngư dân
Ông Nguyễn Hoàng Giang được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng NgãiÔng Nguyễn Hoàng Giang được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi
Tập trung xây dựng đề án Trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng quốc gia tại Dung Quất và xử lý tồn tại của DQSTập trung xây dựng đề án Trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng quốc gia tại Dung Quất và xử lý tồn tại của DQS
Quảng Ngãi có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp điện khí, năng lượng, hoá dầuQuảng Ngãi có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp điện khí, năng lượng, hoá dầu

Phúc Nguyên