Nhạc bolero

"Ăn mày dĩ vãng" nhiều quá

08:50 | 02/09/2017

2,100 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau phát ngôn của ca sĩ Tùng Dương nhận xét về nhạc bolero và sức ảnh hưởng của dòng nhạc này, nhiều nghệ sĩ trong nước đang có hai luồng ý kiến ủng hộ và phản đối Tùng Dương.
an may di vang nhieu qua
Ca sĩ Tùng Dương

Câu chuyện nhạc bolero lại được “thổi bùng” lên với phát ngôn của ca sĩ Tùng Dương. Trong một bài phỏng vấn về đêm nhạc “Trời và Đất” của mình, nam ca sĩ khẳng định: “Bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với bolero thì đúng là một sự thụt lùi. Chúng ta đồng ý rằng, bolero là kỷ niệm, là dòng nhạc có sức sống bền bỉ, không ai được phép bài bác hay khinh bỏ. Thực tế âm nhạc cho thấy nhiều khi giá trị mới lại không có sức hút bằng những điều cũ, cái đó chúng ta phải công nhận. Nhưng thử hỏi xem nếu tất cả ca sĩ nhạc nhẹ đều chuyển sang hát bolero để đắt show, để dễ kiếm tiền thì âm nhạc sẽ như thế nào. Với ai tôi không biết, nhưng với những người sáng tạo như tôi, anh Quốc Trung, anh Lê Minh Sơn, chúng tôi sẽ không từ bỏ công việc của mình. Tâm trí của chúng tôi là luôn cày xới những mảnh đất mới”.

Dù đây không phải là lần đầu tiên Tùng Dương có thái độ và phát ngôn thẳng thắn về bolero, nhưng câu nói vào thời điểm bolero đang lên ngôi này đã khiến dư luận có những phản ứng dữ dội, trong đó có rất nhiều ca sĩ đang theo đuổi dòng nhạc bolero như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Quang Lê…

Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên là những người đầu tiên thể hiện thái độ bức xúc trước phát ngôn này của Tùng Dương. Mr. Đàm cho rằng, Tùng Dương “tự ảo tưởng” và thể hiện “sự khinh miệt, phân biệt đẳng cấp” dành cho anh và nhiều ca sĩ Sài Gòn. Lệ Quyên bày tỏ sự thách thức: “Hát thử một bài bolero đàng hoàng xem”. Dương Triệu Vũ thì cho rằng, việc hạ thấp người khác để bản thân mình tốt hơn là sự thụt lùi về nhân cách.

Trước Tùng Dương đã có không ít nghệ sĩ bày tỏ sự băn khoăn trước làn sóng bolero đang ngày một lan rộng tại thị trường âm nhạc Việt Nam. Năm 2013, trong một bài phỏng vấn về đời sống nhạc Việt, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng: “Nhạc xưa có chỗ đứng trong lịch sử và sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam, nhưng nếu nó vẫn chiếm đa phần và lấn át trong đời sống âm nhạc thì đó là điều nguy hiểm không chỉ cho âm nhạc mà còn cho cả xã hội. Nó biểu hiện cho sự bế tắc, lười biếng, chộp giật của tầng lớp nghệ sĩ và sự đứt gãy xa cách giữa các thế hệ”.

an may di vang nhieu qua
Các thí sinh tham gia chương trình “Kịch cùng Bolero”
Nhạc sĩ Vinh Sử ta thán: "Tôi thấy bây giờ mọi thứ làm quá lên nên đã thành 'cái lẩu', không còn là bolero nữa"

Năm 2016, chia sẻ về việc trào lưu hát nhạc bolero đang trở lại mạnh mẽ, nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng: “Dưới góc độ kiếm tiền thì việc bùng nổ các đêm nhạc bolero là rất tốt, nhưng đối với người sáng tạo thì đấy là sự trì trệ và đau khổ. Tôi là người sáng tạo và tôi muốn mang đến những sản phẩm mới thay vì những thứ cũ”. Và gần đây, NSND Trung Kiên cũng khẳng định: “Việc phát triển mạnh bolero trong thời đại này là không nên vì nó không mang đến những quan điểm, suy nghĩ và cảm xúc tích cực cho khán giả. Tôi cũng không hiểu tại sao lại gọi đó là bolero, bởi đấy là một biến tướng của nhạc vàng, loại nhạc có thời kỳ nước ta phải hạn chế vì nó mang lại những tình cảm ủy mị. Không phải cái ủy mị trong sáng, mà là một thứ ủy mị vàng vọt”.

Rõ ràng, phản ứng tiêu cực của nhiều nghệ sĩ đối với dòng nhạc bolero là điều hoàn toàn có thể hiểu được, bởi bên cạnh những ca sĩ đã gây dựng tên tuổi với bolero như Chế Linh, Tuấn Ngọc, Phương Dung, Giao Linh… thì cũng có không ít chương trình, nghệ sĩ chỉ “ăn theo” dòng nhạc này và coi đây là “mốt”. Trên truyền hình, các chương trình thi thố nhạc bolero ngày một nở rộ, có thể kể ra “Thần tượng Bolero”, “Tình Bolero”, “Solo cùng Bolero” hay “Kịch cùng Bolero”… Thậm chí, nhiều ca sĩ trẻ như Quách Tuấn Du hoặc Châu Ngọc Tiên cũng “tận dụng” bolero để bày ra chiêu trò “remix” - hát lại theo phong cách sôi động của thể loại nhạc dành riêng cho vũ trường hoặc quán bar. Không chỉ vậy, các ca sĩ còn quay hình trình diễn bolero ở hồ bơi với những cô chân dài mặc áo tắm minh họa. Bên cạnh đó, hiện nay hầu như không có những sáng tác bolero mới mà chủ yếu chỉ trình diễn các ca khúc cũ, tuy nhiên các tiết mục này vẫn không thể vượt qua được các tên tuổi đã gắn bó cả đời với bolero.

Nói một cách công bằng, bolero mang đến cho âm nhạc Việt Nam thêm trải nghiệm mới từ những ca từ, giai điệu cũ. Tuy nhiên, nếu ca sĩ nào cũng “đắm đuối” với những ca khúc cũ, lời ca, giai điệu cũ mà thiếu sự sáng tạo, khơi nguồn, tìm tòi mới thì âm nhạc Việt Nam khó có thể có những thành tựu. Mà một nền âm nhạc “dậm chân tại chỗ” và “ăn mày dĩ vãng” thì khó có thể giữ được sức sống và vị trí trong lòng công chúng.

Bolero là gì?

Theo Từ điển Bách khoa mở, bolero Việt Nam là một điệu nhạc của Mỹ Latinh du nhập vào miền Nam Việt Nam từ thập niên 50 của thế kỷ trước, được phổ biến cho đến nay. Điệu bolero không chỉ sử dụng trong các ca khúc “nhạc vàng” (theo cách gọi nhiều năm trước) mà lác đác trong các nhạc phẩm khác. Hầu hết các bài hát điệu bolero ở Việt Nam đều có đặc tính chung là đậm chất dân ca, giai điệu đều đều, chậm, lời ca đơn giản và dễ thuộc, ít có tính hình tượng và triết lý.

K.An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.