Ai sẽ hưởng lợi sau lệnh ngừng bắn ở Syria?

07:00 | 27/02/2016

5,555 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau 5 năm chiến tranh không ngớt, Syria đang đứng trước cơ hội có được “phút giây bình yên” nhờ vào sự thoản thuận của Nga và Mỹ. Hai “tay chơi” số một tại Syria cuối cùng cũng thu xếp được một lệnh ngưng bắn, trong đó: Nga có trách nhiệm đảm bảo thỏa thuận với quân chính phủ (SAA) còn Mỹ thì là phe nổi dậy (FSA).

Có thể thấy thỏa thuận ngừng bắn là “ý nguyện từ bên ngoài” chứ không thực sự xuất phát từ nội bộ. Ngay trong quá trình dàn xếp của Nga và Mỹ thì Tổng thống Syria, Bashar al-Assad vẫn cứng rắn rằng “muốn lấy lại toàn bộ lãnh thổ bị mất (vào tay khủng bố)” còn phe nổi dậy cũng tỏ ra “phẫn nộ” vì sức ép từ Mỹ.

ai se huong loi sau lenh ngung ban o syria
Thực trạng các phe nhóm đáng kiểm soát lãnh thổ Syria.

Để giữ cho lệnh ngưng bắn không chỉ tồn tại trên giấy tờ, Nga và Mỹ rõ ràng sẽ phải vất vả rất nhiều. Về phía Nga thì tình hình “nhẹ nhàng” hơn vì đối tượng “quản lý” của Nga là SAA, quân tình nguyện Hezbollah (Li Băng) và Dân quân hồi giáo Shia (do Iran chỉ đạo). Trong khi đó, Mỹ thực sự gặp rắc rối để tìm cho ra cá gọi là thành phần thực sự thuộc FSA.

Số lượng các nhóm khủng bố/ thánh chiến/ nổi dậy ở Syria có thể lên tới cả ngàn con số. Có những nhóm thuần địa phương/ sắc tộc/ tôn giáo, nhưng cũng có những nhóm thánh chiến quốc tế. Điều tồi tệ là các nhóm này lại liên kết, liên minh, phối kết hợp trong một mớ hỗn độn khiến việc phân loại trở nên quá phức tạp. 

Một rắc rối lớn nữa là làm thế nào để kiểm soát lệnh ngưng bắn, khi mà các vùng chiếm đóng của các phe nhóm thánh chiến/ nổi dậy/ khủng bố chồng chéo, đan xen lên nhau. Và làm thế nào trong khoảng thời gian ngắn của lệnh ngừng bắn có thể phân định được đâu là “quân nổi dậy ôn hòa” và đâu là phạm vi chiếm đóng của họ? Nếu không xác định được những điểm cơ bản này thì ngưng bắn dựa trên cơ sở nào?

Quân chính phủ SAA tuyên bố họ sẽ tiếp tục chiến dịch đánh khủng bố, nhắm vào tổ chức “nhà nước hồi giáo tự xưng” IS và đặc biệt là chi nhánh al-Qaeda tại Syria Jabhat al-Nusra (JN). JN có thủ phủ tại tỉnh Idlib (cạnh tỉnh Aleppo ở miền bắc) nhưng nhóm này đã mở rộng hoạt động khắp nơi, từ Aleppo tới Latakia, Homs, Hama, cho tới địa bàn thủ đô Damascus cũng như ở khu vực miền nam (giáp biên giới Jordan và Israel).

Có rất nhiều nhóm nổi dậy (thuộc FSA) nay đã “quy hàng” và hoạt động dưới trướng của JN. Nhiều nhóm nổi dậy khác thì hợp đồng tác chiến với JN ở các chiến trường khác nhau. Chẳng hạn, ở chiến trường Latakia thì JN hợp tác với phe nổi dậy gốc Thổ; ở chiến sự tây nam Aleppo thì JN hợp tác với nhóm Jayish al-Fatah (từng là nhóm nổi dậy tiếng tăm); ở chiến sự bắc Aleppo thì JN hợp tác với Ahrar al-Sham; ở địa bàn Damascus thì JN cộng tác với Jayish al-Islam.

Các hoạt động “hợp tác” này lúc công khai, khi bí mật; vậy nên, việc xếp các nhóm như Jayish al-Fatah, Jayish al-Islam, Ahrar al-Sham vào “tầng lớp” nào là điều khiến Mỹ đau đầu. Riêng Nga thì giữ quan điểm rằng “ai cộng tác với khủng bố thì bị xem là khủng bố”.

ai se huong loi sau lenh ngung ban o syria
Ai là ôn hòa, ai là khủng bố?

Mỹ chưa chuẩn bị gì cho Lệnh ngừng bắn?

Với từng đó rắc rối, lệnh ngừng bắn bị xem như “ngàn cân treo sợi tóc”. Câu hỏi là tại sao Nga và Mỹ lại vẽ ra một lệnh ngừng bắn mà bản thân họ cũng cho rằng nó thiếu thực tế?

Với Nga thì họ chỉ đơn giản là phần nào “chiều theo ý Mỹ”. Phe của Nga đang thắng thế và vì vậy chẳng có lý do gì lại phải ngừng bắn, trừ phi Nga không muốn đưa Mỹ vào thế đường cùng. Đó dường như cũng là phương pháp của Nga: rất mạnh bạo, rất quyết liệt, nhưng luôn cho đối phương một lối thoát.

Vấn đề là Mỹ sẽ xử lý “lối thoát” ra sao? Thật không may là có vẻ Mỹ cũng biết phải làm thế nào. Nên nhớ, Nga từng nhiều lần yêu cầu Mỹ tìm cho ra ai là đối lập “tự do, ôn hòa” ở Syria để họ tham gia đàm phán hòa bình với chính phủ một cách thực chất và tất nhiên là Mỹ vẫn đang bất lực trong việc tìm đồng minh đáng tin cậy ở Syria.

Các nhà “đối lập chính trị” ở Syria mà Mỹ “chọn mặt gửi vàng” thì lại chẳng có chút tiếng nói nào trong nội bộ các nhóm vũ trang nổi dậy. Bản thân các nhóm nổi dậy “thuần chất FSA” thì không mạnh về quân sự và cũng chẳng được Arab Saudi hay Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư mạnh. Các nhóm vũ trang mạnh nhất và có khả năng đánh bại SAA thì lại vướng phải các phe khủng bố, thánh chiến. Nói cách khác, các nhóm “có tính tự do dân chủ (kiểu phương Tây)” không có nhiều ảnh hưởng bằng các nhóm “mang màu sắc thánh chiến”.

Rõ ràng, chiến lược của Mỹ tại Syria là: nếu “tự do dân chủ không thể lật được chính quyền thì thay bằng khủng bố, thánh chiến”. Nga đã nhìn ra điều đó và đã can thiệp ngay khi Mỹ vẫn đang “rung đùi” và ngồi từ xa thưởng thức cuộc “cách mạng thánh chiến”. Và tình hình đã cho thấy, Mỹ đang thất bại với chiến lược đó. Tuyên bố của Mỹ rằng “có thể thắng một quốc gia mà không cần “in dấu giày” trên lãnh thổ của nó” rõ ràng không như mong đợi.

Giờ đây, khi Nga mở đang mở ra một cánh cửa thì Mỹ chắc phải cảm thấy rằng lối thoát này rất khó chịu và gần như là một thách thức. Để có giải pháp hòa bình và vớt vác chút ích ở Syria, Mỹ buộc phải vào cuộc minh bạch hơn. Mỹ sẽ phải ‘đau đầu’ chứng minh cho Nga thấy ai là ôn hòa, ai là thánh chiến, ai là khủng bố. Mỹ cũng phải chứng minh cho Nga thấy ai ủng hộ ôn hòa, ai ủng hộ thánh chiến, ai ủng hộ khủng bố. Nhưng Nga cho rằng Mỹ phải làm thế để “cứu vớt” chiến lược bởi nếu Mỹ cứ muốn “đánh đồng” thánh chiến, khủng bố, nổi dậy rồi áp tiêu chuẩn kép các kiểu thì Nga sẽ trị thẳng tay như thời gian qua.

ai se huong loi sau lenh ngung ban o syria
Mối quan hệ các phe/ nhóm trên chiến trường Syria.

Do đó, lệnh ngừng bắn này xem ra vẫn là “miếng mồi khó nhằn” đối với Mỹ. Người ta cũng khó có thể hình dung được Mỹ sẽ phải làm những gì sắp tới để lấy lại thế chủ động. Có lẽ, Mỹ đang tìm cách “câu giờ” để mặc cả thêm với Nga. Dẫu biết, một thỏa hiệp với Nga ở Syria là không thể (vì hai bên đối lập quyền lợi) nhưng một thỏa hiệp với Nga cho cả vùng Vịnh và khu vực Trung Đông là có thể.

Về phía Nga, lệnh ngưng bắn là “một thắng lợi nữa” của Nga trong “ván cờ” Syria. Nó cũng cho thấy, về cơ bản, Nga đã kiểm soát hoàn toàn cục diện Syria từ quân sự cho tới ngoại giao. Qua đó, Nga cũng cho thấy họ đã tiến hành một cuộc chiến đa diện hoàn hảo, bất chấp những nguồn lực hạn chế (so với đối thủ) của mình.

Syria sẽ im tiếng súng?

Đối với nội bộ đất nước Syria, lệnh ngưng bắn dù sao cũng là tín hiệu “tốt lành” cho thấy cuộc chiến này đã ở thời điểm bắt đầu cho một sự kết thúc. Không gì tồi tệ hơn chiến tranh và những đau thương mất mát 5 năm qua là không thể sánh nổi, cho dù có biện minh dưới bất kỳ lời lẽ nào.

Cuộc chiến Syria là bài học lớn cho các nước nhỏ khác nằm trong vòng vây tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc. Nếu nội bộ quốc gia, dân tộc không đoàn kết, không lắng nghe lẫn nhau, không san sẻ lợi ích cho nhau mà chỉ chăm chăm theo đuổi các lợi ích cá nhân, phe nhóm, đảng phái, sắc tộc thì sớm muộn gì cũng sẽ bị bên ngoài “thổi” các mâu thuẫn nội bộ lên thành xung đột vũ trang đẫm máu.

Những gì đang diễn ra ở Ukraine, Libya, Iraq, Yemen và nhất là Syria, có lẽ là hệ quả của sự can thiệp từ bên ngoài. Nhưng nó lại xuất phát từ thực tế là sự chia rẽ nội bộ, từ tham vọng của những người làm chính trị. Có nhiều người cho rằng: là người dân thì không nên bàn chuyện chính trị, chuyện nhà nước, chuyện quốc gia, nhưng thử hỏi khi đất nước bê bết vì nghèo đòi, vì chiến tranh (do các nhà chính trị gây ra) thì ai là nạn nhân chính? Do đó, mỗi người dân, với bổn phận công dân của mình, cần phải góp tiếng nói để cảnh báo nhà cầm quyền. Dân chúng không thể cứ im lặng như bầy cừu, để rồi khi bi kịch quốc gia xảy ra thì chỉ còn biết kêu trời, trong khi lẽ ra họ đã có thể góp một tay để ngăn chặn điều đó xảy ra.

Tiến Đạt

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc