Phối khí kiểu mới cho ca khúc cách mạng:

Ai cho phép họ phá tác phẩm?

06:50 | 20/09/2013

1,838 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các ca khúc cách mạng đang được thổi làn gió mới trong chương trình “Tuổi 20 hát” với nhiều bản phối hiện đại, mới lạ. Tuy nhiên, việc “làm mới” lại như con dao hai lưỡi. Bởi đến ngay nhạc sĩ Huy Thục, tác giả của bài hát nổi tiếng “Cô gái PaKo” cũng không thể nhận ra đứa con tinh thần của mình sau khi ca từ, giai điệu được phối mới ở thể loại R&B và Rap.

1. Chương trình “Tuổi 20 hát” bắt đầu phát sóng từ tháng 7-2013 với sự tham gia của 12 trường đại học, do 3 huấn luyện viên dẫn dắt: Hoàng Bách, Khánh Linh và Minh Quân. Cùng giám đốc âm nhạc Hồ Hoài Anh, các nghệ sĩ tên tuổi trong làng âm nhạc nhạc Việt Nam như NSND Thanh Hoa, Trung Đức, Doãn Tần… đồng hành và hướng dẫn các đội chơi. Những người trong cuộc, đang đồng hành cùng chương trình đã dành nhiều lời khen, động viên tích cực.

Giám đốc sản xuất Phan Lạc Long còn cho rằng, “Tuổi 20 hát” đã khơi dậy mạch ngầm âm nhạc truyền thống luôn chảy mạnh mẽ trong giới trẻ, biến nó thành suối nguồn. Qua chương trình, ông mong rằng, không chỉ với những sinh viên tham gia chương trình, “Tuổi 20 hát” còn có thể khơi dậy tình yêu âm nhạc cách mạng trong giới trẻ.

NSND Thanh Hoa thì không đánh giá vấn đề nghệ thuật mà đánh giá cao tinh thần của những người trẻ tuổi. Nhiều bài hát được phối hay và vẫn giữ được cái hồn của bài hát như: “Địu con đi nhà trẻ” của ĐH Ngoại thương rất trong sáng, hồn nhiên; Chiếc gậy Trường Sơn của ĐH Hà Nội nhẹ nhàng, nhưng vẫn da diết; “Lời ru trên nương” của ĐH Kinh tế quốc dân cũng có giai điệu vui tươi.

2. Tuy nhiên, việc làm mới các ca khúc cách mạng, những bài ca đi cùng năm tháng không phải là chuyện muốn là làm được, hay chỉ đơn giản có tinh thần là làm được. Hầu hết các ca khúc cách mạng quen thuộc giờ được phối khí với phong cách hiện đại, mới lạ trở nên rất khó nghe. “Cô gái Pako” được phối mới theo phong cách R&B kết hợp với Rap, “Bóng cây Kơ-nia” sôi động với không khí Rock, “Nổi lửa lên em” lại du dương, lãng mạn với Blue Jazz, “Tôi là Lê Anh Nuôi” chọn phong cách Pop…

Không ít ý kiến cho rằng việc làm mới các ca khúc cách mạng là đối xử “tàn bạo” với bài nguyên bản, lố lăng, lai căng. Đặc biệt là không nên áp dụng với một cuộc thi hát cho tuổi 20, nhất là trong tinh thần của người trẻ hát lại những bài ca đi cùng năm tháng. Bởi những bài hát truyền thống cách mạng cần phải giữ được hồn cốt của nó, như thế thì khi người cất lên tiếng hát mới thấm được cái hồn, cái ý nghĩa cần được truyền tải của bài hát đó…

Thông thường bài hát được đi vào lòng người thì ngoài ca từ hay thì còn cần cả giai điệu. Nhưng vứoi cách các bạn trẻ đang làm thì thật khó có thể chấp nhận. “Cô gái Pako” được các bạn sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội “thổi hồn” biến thành cô gái da màu đứng uốn éo bên cạnh một chàng trai đeo kính đen đọc rap: “Tiếng chim hót, tiếng chim hót, em đi giữa cây rừng… Yeah…!”. Đáng ngạc nhiên là bài hát này lại nhận được nhiều lời khen có cánh từ 3 huấn luyện viên.

Tiết mục “Cô gái Pako” được phối phong cách R&B và Rap

Hay như bài “Bóng cây Kơ-nia”, một bạn sinh viên mặc quần tất rách, áo gilê bò nhảy nhót khí thế theo phong cách Rock, bên cạnh một bạn chơi ghi-ta. Những đoạn cao trào của bài hát còn được đệm những tiếng hú: au… au… nghe thật khó hiểu. Ngay cả đến huấn luyện viên Khánh Linh cũng “thể hiện” một bài hát cách mạng theo phong cách mới nhưng lại rất phản cảm: “Hành khúc ngày và đêm”, và màn trình diễn này nhận nhiều lời chỉ trích của cư dân mạng vì nhiều người cho rằng cô phá hủy một bài hát hay như thế với những đoạn gào rú, khoe giọng phô tới mức không cần thiết.

Không chỉ về chuyên môn, trang phục thể hiện cũng phá cách: bài “Lời ru trên nương” của Trường ĐH Kinh tế quốc dân được một bạn nữ xinh xắn trình diễn với phong cách ăn mặc áo quây kẻ soọc, quần dáng suông thời thượng…!

3. Nhạc sĩ Huy Thục, tác giải bài hát “Cô gái PaKô”, sau khi nghe và xem lại màn biểu diễn của hai sinh viên trình bày bản phối sôi động, hợp thời R&B và Rap đã cười lắc đầu vì không còn nhận ra đứa con tinh thần của mình nữa. Nhạc sĩ chia sẻ, ông hoan nghênh những sáng tạo, tìm tòi cái mới của các nhạc sĩ, các bạn trẻ nhưng dù sao điều quan trọng tối thiểu là cần tôn trọng và trung thành với nguyên tác ban đầu của tác phẩm. Đừng dùng hòa thanh, thẩm âm của mình để bóp méo đi nguyên tác ban đầu. Đó là sự thiếu tôn trọng với tác phẩm và tác giả.

Ông cho rằng, du nhập, học cái mới đều đáng hoan nghênh. Bởi trào lưu phối khí mới các bài hát “đi cùng năm tháng”, hay những bài hát kinh điển trên thế giới đã có nhiều năm trở lại đây, chứ không phải là một hiện tượng mới. Tuy nhiên, làm gì thì làm, sáng tạo gì thì sáng tạo, học cái “tiên tiến” nhưng chớ coi thường cái “đậm đà bản sắc dân tộc”, phải giữ được cốt cách của bài hát. Tiên tiến nếu không kế thừa được truyền thống thì như vậy có lỗi với những người đi trước, với cha ông. Bởi sáng tạo nhưng vẫn phải sự giáo dục vốn có, bởi không chỉ là giáo dục cho thế hệ hiện tại mà còn thế hệ sau, thứ 3, thứ 4. Âm nhạc mang tính thời đại nhưng không có nghĩa là mất gốc. Đó là điều cốt lõi.

 Nhạc sĩ Huy Thục: “Đừng bóp méo nguyên tác ban đầu”

Hơn nữa, điều đáng lên án không chỉ ở người thay đổi, phối khí mới, cách tân bài hát mà còn ở người nghe. Vì thời hiện đại, phải hợp thời mà huấn luyện viên, cố vấn lại dành nhiều lời khen có cánh cho những tiết mục phá hồn cốt một bài ca đi cùng năm tháng như vậy. Ngay cả khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ lại hô hàng tán tụng một bài hát có giai điệu lệch lạc, lai căng, bóp méo ca khúc cách mạng đến vậy.

Nhiều nhạc sĩ cho rằng, phối khí theo phong cách mới ca khúc cách mạng không phải chuyện đơn giản, bởi không phải bài nào cũng có thể “thổi làn gió mới”. Chính vì thế, thay đổi sẽ làm “chết” bài hát. Thực tế thì để các bạn trẻ có một sân chơi ca hát với những bài hát cách mạng, đi cùng năm tháng dù sao cũng là việc làm đáng khen ngợi. Tuy nhiên, nên chăng ban tổ chức phải có sự lựa chọn kỹ càng, thẩm định cụ thể từng bài hát chứ không phải làm một cách tùy hứng. Bởi nếu thái quá thì sẽ trở thành con dao hai lưỡi, cách tân không xong mà lại phá hỏng, bóp chết hồn cốt của những bài ca có giái trị lịch sử.

Chương trình “Tuổi 20 hát” bắt đầu phát sóng từ tháng 7-2013 với sự tham gia của 12 trường đại học, do 3 huấn luyện viên dẫn dắt: Hoàng Bách, Khánh Linh và Minh Quân. Trải qua vòng loại và bán kết, bắt đầu từ vòng chung kết, “Tuổi 20 hát” đã lên sóng trực tiếp trên VTV6. Những ca khúc cách mạng truyền thống được thể hiện theo phong cách R&B, Pop, Rock, Jazz hay thậm chí là Rap. Đó là cách “làm mới” những ca khúc đi cùng năm tháng của các huấn luyện viên và thí sinh của chương trình “Tuổi 20 hát”.

Thanh Huyền