60 năm ngày Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng

12:38 | 01/03/2014

4,684 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm Giáp Ngọ 2014 đánh dấu Phật giáo khất sĩ tròn 70 năm (1944 - 2004) ra đời ở Việt Nam, và cũng là năm tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng (1954 - 2014), Tăng Ni hệ phái khất sĩ long trọng tổ chức Đại lễ tưởng niệm đến công đức lập đạo của Ngài trong 6 ngày tại Pháp viện Minh Đăng Quang (Quận 2, TPHCM).

Đại lễ tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng do Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Hệ phái khất sĩ tổ chức, đang diễn ra tại Pháp viện Minh Đăng Quang từ ngày 25/2 đến ngày 2/3/2014.

Đức tổ sư Minh Đăng Quang, thế danh Nguyễn Thành Đạt chào đời ngày 26 tháng 9 năm Quý Hợi (1923) tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là ấp 6, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long).

Tổ sư Minh Đăng Quang,  vị Tổ sư khai lập "Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam" với chí nguyện "Nối truyền Thích Ca chánh pháp” vào thập niên 40 (1944) của thế kỷ 20; nay là Hệ phái Khất sĩ, một trong 09 tổ chức Giáo hội, Hệ phái thành viên thành lập GHPGVN (1981).

Lễ khất thực truyền thống

Nằm trong chương trình của Đại lễ tưởng niệm, lễ khất thực truyền thống diễn ra từ 7 giờ sáng đến 8g30 ngày 28/2 với sự tham gia của 1.250 tăng ni.

Đại lễ là dịp để các đệ tử tăng ni khất sĩ tưởng nhớ và tri ân đức Tổ sư Minh Đăng Quang - Tổ sư khai lập hệ phái khất sĩ Việt Nam với chí nguyện “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”.

Đại lễ được tổ chức long trọng trong 6 ngày tại Pháp viện Minh Đăng Quang, gồm các hoạt động: An vị tôn tượng đức Phật và Tổ sư, lễ cầu quốc thái dân an, cúng dường trai tăng, hội thảo, tọa đàm “Chơn lý”, khất thực truyền thống, lễ hội hoa đăng, tọa thiền, thuyết pháp, Chư tăng đức giáo phẩm dâng trầm cúng dường Tổ sư, triển lãm ảnh cuộc đời Tổ sư…

Hòa thượng Thích Giác Toàn, Trưởng ban tổ chức cho biết: “Cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư bình dị mà uy nghiêm. Dù ngài hành đạo trong thời gian không dài nhưng đã lập nên một truyền thống khất sĩ với hơn 20 ngôi tịnh xá, thâu nhận hàng trăm Tăng Ni và hàng vạn tín đồ Phật tử. Bộ “Chơn lý” mà Tổ sư giảng dạy, biên soạn đã thể hiện được sự dung hợp giữa hai truyền thống Nam truyền và Bắc truyền của Phật giáo”.

Thiên Thanh