50 năm tiếng hát Thu Hiền

06:00 | 22/03/2013

2,168 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chị đã lên bậc bà nội, bà ngoại nhưng tôi vẫn thích gọi NSND Thu Hiền là chị. Không phải bởi vì nghệ sĩ thì không có tuổi, không phải bởi vì giọng hát của chị không có tuổi, mà là bởi dung nhan của chị khiến ít ai có thể gọi một tiếng… cô, nói chi là… bà. Thế mà 50 năm đã trôi qua, kể từ ngày cô bé Thanh Hiền (tên thật của NSND Thu Hiền) khi đó mới 11 tuổi rời quê lên Hà Nội bắt đầu đời hát của mình. 50 năm, một nghiệp cầm ca lẫy lừng bậc nhất nhì làng nhạc Việt…

10 tuổi, mẹ NSND Thu Hiền vốn là văn công Đoàn Chèo Trung ương gửi chị về quê ngoại (xưa thuộc phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình - một trong những cái nôi của nghệ thuật hát chèo nổi tiếng) nhờ bác nuôi để đi kháng chiến. Bác chị cũng là một nghệ nhân, nên cô bé Thanh Hiền được xem là con nhà nòi, có trong dòng máu cả những câu chèo lúng liếng, lẫn giọng ngâm tuồng cổ phảng phất chất bi hùng lịch sử. Hằng ngày, cô được bác cho vào… thúng, gánh đi khắp làng này xã nọ, í ối ôi a màn giáo đầu của mỗi buổi diễn. Thu Hiền đã làm quen với ánh đèn sân khấu, với những phận đời éo le từ ngày đó…

11 tuổi, vào đầu năm 1963, Thu Hiền lại từ làng quê lên Hà Nội, vừa học vừa diễn cùng các các cô bác anh chị ở Đoàn văn công Liên khu 5. Hành trang vào đời, vào nghề của NSND Thu Hiền rất đơn giản, chỉ là một cái ruột tượng bé teo bà ngoại quấn quanh thân hình cũng bé teo, trong đó có gì đến giờ chị cũng chẳng nhớ.

12 tuổi, Thu Hiền bắt đầu cuộc hành trình nghệ thuật bằng tiếng hát của mình. Đầu tiên là Điện Biên. Sau đó sang Lào, chiến đấu ngay tại mảnh đất lịch sử: cánh đồng Chum.

15 tuổi, vừa học vừa bôn ba khắp Thanh Hóa, Phú Thọ, Hưng Yên đi thực tập, Thu Hiền hoàn thành xong toàn bộ chương trình học tập ở Đoàn, cả nghệ thuật lẫn triết học, mỹ học. Với những tên tuổi lớn như thầy Hồng Phong, thầy Vũ Khiêu.

19 tuổi, Thu Hiền đi B, trở thành văn công thực thụ, hành quân như một chiến sĩ thực thụ, đem tiếng hát ngọt ngào vọng qua những triền đê khi dân giã thanh bình khi ầm ào khói lửa.

20 tuổi, Thu Hiền vượt tuyến vào Trường Sơn, chiến đấu ngay đầu tàu Quảng Trị, vào đúng năm ác liệt nhất của cuộc chiến, năm 1972. Giọng hát sâu lắng như được tiếp thêm sóng thêm gió bởi những đau thương hùng tráng đến nhức lòng đã và đang ngày đêm diễn ra bên dòng Thạch Hãn.

Cũng năm 1972, chị chuyển từ Đoàn văn công Quân khu 5 biên chế về Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương và hoạt động gắn bó ở đó cho đến ngày về hưu, năm 2007.

Chặng đường ca hát của NSND Thu Hiền cũng khá bình lặng. Ngoại trừ chuyện chị vào nghề rất sớm và đi quá nhiều, hầu như bàn chân nhỏ bé của chị đã đặt lên khắp các vùng đất, hoặc chiến trường đạn bom khốc liệt, hoặc yên ả thôn quê những ngày hậu chiến. Thế nhưng, 50 năm đó, với chị là quãng đời tột đỉnh vinh quang mà cũng tận cùng cay đắng.

Nhưng, cũng như một số người đàn bà truân chuyên lận đận mấy lần đò, Thu Hiền không muốn nhắc lại những đắng cay, những va vấp trong đời, nhất là thời tuổi trẻ. Nhưng cứ tự nhiên như trời đất tạo hóa, trong đáy mắt bồ câu đen thăm thẳm, ánh nhìn của chị vẫn thoảng một nét buồn.

Lúc mới sinh, chị bị bom vùi lấp, may mắn được bộ đội nhặt đem về nuôi, rồi vào trại trẻ mồ côi sống một quãng dài. 10 tuổi thoát ly gia đình, lại thêm 10 năm ròng rã khắp các chiến trường Nam Bắc. Một thân một mình. Không người thân thích, nhưng chị sở hữu một thân hình đẹp và một giọng hát hay. Bởi thế, nghệ sĩ Thu Hiền không truân chuyên mới là chuyện lạ. Vấp ngã. Đứng lên. Với một nghị lực phi thường, làm lại từ đầu bằng giọng hát, bằng tài năng đích thực. Đàn bà tuổi Thìn (lại đứng can Nhâm) thường kiên cường và mạnh mẽ, Thu Hiền cũng không để mình đắm chìm trong đáy tình khổ ải lâu. Mà nói thật, nếu muốn cũng chẳng có điều kiện, thời gian để mà buồn. Chị còn phải hát. Hát, ngoài nghĩa vụ, ngoài trách nhiệm thì đó còn là lẽ sống của đời chị.

Thu Hiền sinh ra là để hát. Nghề đã chọn chị và cũng đã ít nhiều ưu đãi cho chị. Thanh sắc đủ đầy, cộng thêm một môi trường hoạt động đặc biệt, dường như đã tiếp thêm lửa cho những giọng ca như chị, thời ấy. Không hề quá lời khi nói rằng, Thu Hiền và một số nghệ sĩ cùng thời đã góp phần đáng kể trong việc phát triển giữ gìn âm nhạc dân tộc, âm nhạc cách mạng. Ngoài những ngày tháng dùng tiếng hát cổ vũ động viên tinh thần của các chiến sĩ, xoa dịu những mất mát đau thương của chiến tranh như bao đồng đội khác ở Đoàn Văn công Liên khu 5, Thu Hiền, còn có một dấu ấn đặc biệt mà cho đến nay có lẽ chưa ai vượt qua được chị, dù đã bao lớp tre già măng mọc. Đó là dân ca.

Thu Hiền hát dân ca vùng nào, là người nghe như thấy được cả non non nước nước nơi ấy. Là thấy cả tâm tình tính cách của người dân nơi ấy. Đơn cử như dân ca Nghệ Tĩnh, cho đến bây giờ, rất nhiều người vẫn còn nhầm tưởng Thu Hiền là người xứ Nghệ. Bởi phải là người Nghệ thì mới có thể hát rõ ràng đến thế các thổ âm đặc trưng của vùng Thanh Nghệ.

Tuy nhiên, Thu Hiền nói, mỗi khi lên lớp, dù không chính thức chị vẫn thường dạy học trò của mình rằng, hát dân ca khó nhất là không phải là thể hiện cho đúng khẩu ngữ thổ dân, mà là phải toát lên tinh thần, văn hóa của vùng đất ấy. Khác với nghệ sĩ hát các dòng nhạc khác, nghệ sĩ hát dân ca là người vẽ nên bức tranh của quê hương bằng tiếng hát.

Không ai biết Thu Hiền đã làm thế nào để vẽ nên một bức tranh làng quê nào đó với tất cả những nét văn hóa đặc thù bằng giọng hát, nhưng rõ ràng, cho đến nay không mấy người bắt lỗi được Thu Hiền khi nghe chị hát dân ca. Thu Hiền tự hào lắm, bởi lẽ chị và một số đồng nghiệp hiếm hoi khác của dòng nhạc truyền thống đã đứng vững được trên thị trường âm nhạc xô bồ và lắm dòng chảy như hiện nay. Chị cũng là một trong những nghệ sĩ hát nhạc truyền thống hiếm hoi sống được bằng nghề, từ việc thu và bán băng đĩa, dù khá chật vật và khó khăn.

Bây giờ, có thể không nhiều người nghe thế hệ 8-9X biết đến Thu Hiền, nhưng với thế hệ 6-7X thì Thu Hiền mãi là một “tượng đài” trong lòng họ. Hàng chục album, hàng trăm đêm diễn, Thu Hiền cần mẫn như con tằm rút ruột nhả tơ. Khi đã đứng tuổi, chị tiết kiệm hình ảnh hơn, ít xuất hiện và cũng nhận show không nhiều. Ít ai có ý thức giữ gìn hình ảnh của mình như Thu Hiền. Đã lên sân khấu là chỉn chu từ mái tóc đến y phục, đã hát là tròn vành rõ chữ đến từng câu, từng phách nhịp. Để tồn tại, Thu Hiền hát. Và chị hát cũng là để tồn tại.

Gặp chị, một ngày mưa gió, ngồi đối diện với chị trong căn nhà bài trí giản dị ở TP HCM, nhìn thật sâu vào đáy mắt bồ câu lúc nào cũng lấp lánh nỗi niềm, đau đáu buồn vui vinh nhục đời nghệ sĩ, như bản tính đặc trưng của đàn bà, tôi tò mò hơi kỹ và sâu về chuyện riêng tư. Nhưng chị lắc đầu: nhắc lại cũng chẳng để làm gì. Nếu nói phận đàn bà 12 bến nước, thì bây giờ, sau những bão giông, Thu Hiền đã có được một bến đỗ bình yên. Với chị, thế là đủ.

Thu Hiền quan niệm làm nghề, đến với công chúng bằng tiếng hát, chứ không phải bằng những phát ngôn gây sốc hay scandal. 50 năm, Thu Hiền đã, đang và còn tiếp tục hát, cho đến bao giờ còn có người nghe. Những ngày không đi diễn, chị dành trọn vẹn thời gian cho chồng, con và cháu. Như thể, muốn bù đắp cho gia đình nhỏ của mình những thiếu hụt, những khoảng trống thời trẻ, bởi quá đam mê nghề, bởi quá đắm say diễn mà đi biền biệt tháng năm, mà trót lãng quên thiên chức thiêng liêng riêng có của đàn bà. Và có lẽ, cũng là bởi hạnh phúc cuối đời như trái đã chín cây, đẹp và quý!

50 năm ca hát, gần 50 album đã trình làng, nhưng chưa từng có liveshow riêng của mình, để tri ân khán giả, hoặc để chia tay công chúng. Không ít người thắc mắc với chị điều đó. Thu Hiền trả lời giản dị: mình do cát bụi sinh ra thì cứ để mình dần hòa tan vào cát bụi, chỉ có tiếng hát, của một đời đàn bà hát là còn neo lại mà thôi…

Lê Chi