Vượng Râu xây biệt phủ trên đất nông nghiệp trái phép

16:00 | 11/03/2016

24,389 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cách đây ít lâu, nhiều báo mạng đồng loạt đưa tin về công trình mang tên “Thiên Trường Vọng Phủ” của diễn viên hài Nguyễn Công Vượng (thường gọi Vượng Râu) tại thôn 2, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Nhiều tờ báo đã giật tít “Ngôi nhà kiến trúc cổ gần 10 tỷ của diễn viên hài Vượng Râu”, “Phủ thờ tổ nghiệp hàng chục tỷ đồng”, “Mê mẩn ngắm nhà 10 tỷ”… Tuy nhiên, mới đây, chúng tôi lại nhận được nhiều thông tin trái chiều, phản ánh về nhiều sai phạm nghiêm trọng tại công trình này. Để làm rõ sự việc, phóng viên đã tìm về địa phương tìm hiểu.

Biệt phủ bạc tỷ

Qua đại lộ Thăng Long, tới xã Thạch Hòa, hỏi ngay đầu ủy ban nhân dân xã về “biệt phủ” của Vượng Râu, người dân hầu như ai cũng biết và nhiệt tình chỉ cho chúng tôi đường vào.

Một số người dân thôn 2 cho biết, công trình xa hoa, lộng lẫy này thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Công Vượng và mới hoàn thiện được khoảng 2 năm. Tại đây, ông Nguyễn Công Vượng thường tổ chức các buổi liên hoan, giao lưu với văn nghệ sĩ, tổ chức hầu đồng, hát chầu văn, giỗ tổ nghề sân khấu. Được sự dẫn đường của một cán bộ xã và sau khi xin phép ông Nguyễn Văn Tiến, người trông coi “biệt phủ”, chúng tôi đã được mục sở thị công trình này.

vuong rau xay biet phu tren dat nong nghiep trai phep

Công trình Đền thờ tổ nghề sân khấu

“Biệt phủ” tọa lạc trên khu đất khoảng gần 1000m2, kín cổng cao tường xây kiên cố chia làm nhiều khu riêng biệt: Khu đền thờ tổ nghề, khu đền thờ các vị “Thánh”, khu nhà mái bằng kết hợp bể bơi, khu nhà bếp… Đan xen giữa các khu nhà là sân, vườn, lối đi. Điểm nhấn của “biệt phủ” là hai ngôi nhà gỗ mái ngói xây dựng theo kiểu nhà cổ.

Theo ông Nguyễn Công Vượng trả lời báo điện tử VTC News, ngôi nhà 5 gian được dựng nguyên mẫu theo lối kiến trúc cổ của quan nghè Nguyễn Quý Tân, do các nghệ nhân Hải Dương thực hiện. Toàn bộ công trình được làm bằng gỗ, trong đó có những loại gỗ quý như gỗ lim, gỗ cẩm lai và gỗ sến. Riêng chiếc sập phía trước gian thờ được làm bằng gỗ mít rừng có giá trị khoảng 300 triệu đồng. Bài trí trong nhà cũng có nhiều đồ vật “khủng” như: Bài thơ được các nghệ nhân làng nghề Sơn Đồng đục và dát bằng vàng thật. Ngoài ra, trong nhà còn nhiều đồ vật được Vượng Râu rất thích như bài thơ của thiền sư Vạn Hạnh viết trên giấy diều đỏ, bộ hoành phi - câu đối từ thời Bảo Đại...

Được biết, công trình dù chưa hoàn thiện nhưng chi phí xây dựng theo báo chí phản ánh đến tháng 9/2015 lên tới hơn 10 tỷ đồng (có báo nêu con số lên tới hàng chục tỷ đồng).

vuong rau xay biet phu tren dat nong nghiep trai phep

Có tới hai căn nhà gỗ lợp ngói kiên cố

Chính quyền thừa nhận, Vượng râu thách thức

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tiến, người dân hàng xóm cạnh biệt phủ của Nguyễn Công Vượng và cũng là người được ông Vượng giao nhờ trông coi “biệt phủ” khi ông Vượng đi vắng cho biết: Khu đất vốn thuộc sở hữu của gia đình ông, vốn là đất kinh tế mới được Nhà nước giao từ năm 1992. Gia đình ông Tiến đã xây nhà ở kiên cố trên phần đất khoảng hơn 200m2. Sau đó, cách đây vài năm, ông Vượng từ Hà Nội về mua phần lớn diện tích còn lại, xây tường ngăn và tiến hành xây dựng hàng loạt công trình suốt mấy năm trời.

vuong rau xay biet phu tren dat nong nghiep trai phep

Trước thông tin công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, chúng tôi đã làm việc với chính quyền xã Thạch Hòa. Ông Phùng Văn Hạnh, cán bộ địa chính xã cho biết: “Ông Nguyễn Công Vượng đã nhận chuyển nhượng một phần diện tích đất của gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, trong quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất hai bên tự làm hồ sơ dân sự, không thông qua chính quyền địa phương nên hiện tại không nắm rõ diện tích và thời điểm xảy ra chuyển nhượng”.

Về nguồn gốc khu đất, ông Hạnh cho biết, toàn bộ khu vực thôn 2 xã Thạch Hòa đều là các thửa đất của các hộ gia đình được giao làm kinh tế mới, mỗi thửa có khoảng 200m2 được làm nhà ở, còn lại là đất nông nghiệp. Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quy hoạch khu vực này nằm trong dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Cho nên, tất cả các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp đều là trái với qui định của pháp luật.

vuong rau xay biet phu tren dat nong nghiep trai phep
Một khu nhà mái bằng có thiết kế cả bể bơi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần diện tích gia đình ông Nguyễn Văn Tiến đang sử dụng và chuyển nhượng cho ông Nguyễn Công Vượng được UBND tỉnh Hà Tây cũ giao vào năm 1992 phục mục đích phát triển kinh tế mới. Toàn bộ phần diện tích đó chỉ có 200m2 là đất ở, còn lại sử dụng vào mục đích trồng cây lâu lăm. Chúng tôi thấy phần công trình ông Nguyễn Văn Tiến xây dựng bao gồm nhà ở, bếp, công trình phụ, sân… đã vượt quá 200m2 cho phép. Như vậy, toàn bộ phần diện tích xây dựng của ông Nguyễn Công Vượng là trái pháp luật.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Mai Duy Hùng, Trưởng công an xã Thạch Hòa cho biết, ông Nguyễn Công Vượng chủ yếu ở Hà Nội, mới về nhập khẩu tại địa phương từ tháng 12/2015. Vậy thì, việc xây dựng công trình diễn ra suốt nhiều năm, ngay từ khi ông Vượng còn chưa nhập khẩu mà chính quyền không hề hay biết là một điều khó có thể chấp nhận.

Trần tình về điều này, ông Tống Quang Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa cho biết: Rất khó để xác định đâu là chủ vi phạm vì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Nguyễn Công Vượng và hộ ông Nguyễn Văn Tiến không công khai. Ngày 12/2/2015 khi đăng ký hộ khẩu thường trú mới xác định đấy là biệt phủ của ông Nguyễn Công Vượng.

Trả lời trên của ông Thúy thể hiện rõ sự bao biện, thiếu thuyết phục. Việc gia đình ông Nguyễn Văn Tiến và ông Nguyễn Công Vượng xây dựng với tổng diện tích lớn hơn 200m2 rất nhiều, chỉ tính riêng khu Thiên Trường Vọng Phủ các công trình xây dựng đều kiên cố, trên diện tích được báo chí nêu gần 1000m2, kéo dài nhiều năm mà chính quyền không biết, không lập hồ sơ xử lý vi phạm không rõ vì lý do gì?.

Ngoài ra, công trình trên mới hoàn thành được 2 năm, nhưng ngày 23/5/2008 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch khu Công nghệ cao Láng-Hòa Lạc. Như vậy, công trình này đã vi phạm quy hoạch sử dụng đất theo khoản 2; hủy hoại đất theo khoản 1; thực hiện giao dịch quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo khoản 6, Điều 12 Luật Đất đai số 45/2013/QH13. Căn cứ vào khoản 2, Điều 8, Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hành vi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp sẽ bị xử phạt từ 1-10 triệu đồng tùy vào tính chất, mức độ vi phạm và phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Nhưng một điều khó hiểu là biệt phủ nằm trên phần đất nông nghiệp tại thôn 2, xã Thạch Hòa vẫn tồn tại, không bị xử lý.

Khi chúng tôi thắc mắc về việc tại sao công trình lớn xây suốt nhiều năm không phép mà chính quyền xã không phát hiện, lập biên bản và xử lý, ông Phùng Văn Hạnh cho biết: “Thời điểm xảy ra vi phạm không quản lý trật tự xây dựng, việc xử lý và thiết lập hồ sơ do tổ công tác của xã nhưng hiện đã giải thể”.

Làm việc với phóng viên, ông Chu Đăng Khoa, Đội trưởng Đội thanh tra xây dựng huyện Thạch Thất cho biết: “Vụ việc trên xảy ra trước thời điểm về nhậm chức, nên chúng tôi sẽ phối hợp với UBND xã Thạch Hòa tiến hành xác minh điều tra làm rõ, nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Nhóm PV

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps