Tết ba miền

06:39 | 18/02/2018

1,208 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với 3 miền đất nước cùng hơn 54 dân tộc, tết của Việt Nam thật đa dạng, muôn vẻ.

Khi người miền Nam nói chuyện về cái tết của người miền Bắc là nghĩ ngay đến cái lạnh run người, mà họ chưa bao giờ được nếm trải. Cái lạnh khiến mỗi bữa cơm tất niên hay tân niên đầm ấm, sum vầy hơn. Cái lạnh cũng khiến thú ăn - chơi ngày tết dễ chịu hơn, ăn gì cũng thấy ngon miệng.

Tết của người miền Bắc, ngoài bánh chưng hay những món ngon món lạ khác thì cũng không thể thiếu bát canh măng và hũ dưa hành. Có lẽ đây chỉ là thói quen, là sự kết hợp giữa các món dễ ăn và ngon miệng, nhưng dần dần cũng đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực ngày tết của miền Bắc, một phong tục tập quán đi vào văn thơ.

tet ba mien

Tết nay không còn giống như tết xưa, cái không khí mà người ta thường nói là "cả năm có một cái tết" đã phần nào mờ nhạt. Tết bây giờ vẫn có mâm cỗ đề huề, có cả món Tây món Tàu, nên bánh chưng hay thịt gà luộc, bát canh măng không còn giá trị như xưa. Nhưng tục trưng hoa đào, sắm tết, chuẩn bị cúng giao thừa hay cơm cúng gia tiên ngày đầu năm mới chưa bị mất đi. Tụi trẻ con xưa hay nay vẫn đều được xúng xính trong bộ quần áo mới, được bố mẹ đưa đi chúc tết họ hàng, xóm làng…

Nếu như miền Bắc có món bánh chưng vuông vắn với màu xanh nổi bật của lá dong, thì miền Nam lại nổi tiếng với món bánh tét với các nguyên liệu, vỏ và nhân bánh giống hệt bánh chưng, chỉ khác về hình dạng với từng cái bánh hình trụ dài, khi ăn có thể cắt ra thành từng khoanh tiện lợi, không như bánh chưng hình vuông được cắt thành 8 miếng bánh hình tam giác nhỏ.

tet ba mien

Miền Nam tết đến họ trưng hoa mai, bởi hoa mai đồng nghĩa với may mắn, một cành mai rực vàng ngày xuân là báo hiệu điều tốt lành cả năm. Mâm ngũ quả cũng vậy “cầu (mãng cầu hay quả na) - dừa - đủ - xoài” là 4 loại quả không thể thiếu trên mâm ngũ quả với mong muốn "cầu vừa đủ xài" , gia đình luôn sung túc và đủ đầy. Và họ không bao giờ thờ chuối vì cho rằng, chuối - chúi sẽ khiến một năm khó khăn.

Ngoài ra, dưới chân đế người ta còn đặt 3 trái dứa thơm thể hiện sự vững vàng, trái dưa hấu tượng trưng cho sự trung thành và trinh tiết. Mâm cỗ miền Nam chủ yếu là đồ nguội vì thời tiết nắng nóng nên không thể thiếu món thịt kho trứng dừa, canh bóng hay canh khổ qua. Ngày xưa, vào những ngày tết, người phương Nam còn để ít lúa vào trong cối xay ngụ ý cầu mong năm mới lúa gạo đầy tràn. Tết của người miền Nam tràn ngập nắng ấm, thay vì sum họp quây quần bên nhau, họ chọn thời gian này để đưa gia đình đi du lịch, đúng nghĩa đi nghỉ lễ.

tet ba mien

Tết ở miền Trung thì giản dị hơn tất thảy, có lẽ cũng bởi vì miền Trung chịu nhiều thiệt thòi, quanh năm mưa bão và thiên tai, người miền Trung mộc mạc, chất phác. Là nơi giao thoa giữa hai miền Nam - Bắc nên mọi sản vật từ đào hay mai, từ bánh chưng hay bánh tét cũng đều đủ cả. Miền Trung khô cằn, ít hoa trái nên thường có gì cúng nấy. Người miền Trung lại rất chú trọng mâm ngũ quả, họ ưu tiên những loại quả có vị ngọt và để được lâu và thường không trưng cam, quýt vì cho rằng “cam đành quýt đoạn” nhưng vẫn có đủ các loại quả như chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài...

Người miền Trung gói cả bánh tét và bánh chưng, bánh tét không được gói bằng lá dong mà bằng lá chuối. Trong mâm cỗ cũng có đủ các món từ gà, bò, heo, giò, chả, ram, dưa muối, giò bò. Người miền Trung không kỹ tính, cũng không cầu kỳ nhưng họ có những quan điểm riêng như: không ăn vịt vào những ngày tết, không mua trang phục trắng hay vải trắng trong tháng Giêng vì cho rằng điều đó sẽ mang đến một năm xui xẻo.

Tôi may mắn có dịp được cùng bà con dân tộc vùng cao chuẩn bị đón tết. Tết ở vùng cao ngoài cành đào được trưng trong nhà nhằm xua đuổi tà ma, vận đen thì cũng khác khá nhiều so với dưới đồng bằng. Chiếc bánh chưng thường được gói tròn giống như chiếc bánh tét của người miền Nam. Riêng người Tày thì gói những chiếc bánh nhỏ, không tròn trịa mà lại có phần giống với cách gói những chiếc bánh lá quà vặt mà chúng ta thường ăn và gọi là “bánh gù”. Gian bếp nhà nào cũng treo đầy những chùm lạp xưởng và thịt khô gác bếp. Tết của người Thái Tây Bắc thì không thể thiếu món cá sông nướng với mắc khén, xôi ngũ sắc được nhuộm màu từ lá cây rừng hay vò rượu cẩm, rượu hoẵng, rượu cần… Và còn có những “điệu xòe” nhảy sạp quanh đống lửa tăng phần gắn kết và ấm áp giữa mọi người dịp đầu xuân.

tet ba mien

Đặc biệt, người Dao ở Hoành Bồ, Bình Liêu, Quảng Ninh còn làm bánh chưng nhân màu đỏ. Bánh cũng gồm gạo nếp, đỗ, thịt lợn, nhưng được gói tròn bằng lá dong hoặc “lá ỏng” nhân bánh trộn chung với nước lá hung lam (hồng lam) tạo nên màu hồng đỏ đẹp mắt. Khi cắt, từng khoanh bánh tròn có hình tượng trưng cho bông hoa đào ngày xuân, trông thật hấp dẫn. Người Dao cho rằng, ăn chiếc bánh chưng hồng lam này sẽ nhận được may mắn cho cả năm. Cứ nói trẻ em vùng cao thiệt thòi chứ tôi lại thấy trẻ em nơi đây thật sướng “sướng từ trong tâm hồn, trong những ký ức” vì vẫn còn được thưởng thức cái tết mang đậm tính truyền thống dân tộc mình.

Quả thực, một khoảng lặng trước khi tết về, nhìn và ngẫm lại mới thấy cuộc sống hiện đại mang cho chúng ta nhiều thứ, nhưng cũng lấy đi quá nhiều thứ. Bao giờ lại được sống với không khí tết xưa?...

Việt Nguyễn