Quay lén phim, kịch: “Giết chết” nghệ thuật Việt

08:23 | 22/11/2017

1,797 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời đại công nghệ số, ai cũng có trong tay một chiếc điện thoại thông minh. Điều đáng nói là không chỉ sử dụng smartphone để giải trí thông thường, có không ít người dùng điện thoại quay lén tại các rạp hát, rạp chiếu phim để tung lên mạng.  

Bất chấp nội quy

Những ai đã từng vào rạp xem phim đều hiểu rõ những nội quy bắt buộc. Trong đó có việc cấm chụp hình, quay phim và nhân viên có quyền yêu cầu khách rời khỏi rạp nếu vi phạm. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn cố tình quay, chụp lén bộ phim đang chiếu trên màn ảnh rộng. Họ dùng điện thoại với những tính năng hiện đại quay lại những thước phim độc quyền. Theo một thành viên quản trị của trang phim P thì nhiều bạn trẻ không ngẫu nhiên hành động táo bạo như vậy. Họ cố làm vì có mục đích: Hợp tác với các trang cung cấp phim mang lại thu nhập từ quảng cáo, thu hút lượt xem, bình luận, từ đấy dẫn link qua facebook có thể tận dụng cơ hội để bán hàng online hoặc những mục đích tư lợi khác…

Ngọc Quỳnh là fan trung thành của rạp CGV cho biết: “Rất nhiều lần em thấy các bạn lén quay phim lại, nhưng em không dám nói, sợ mấy bạn chửi. Người ta mua phim bản quyền từ Mỹ về, chiếu cùng ngày với toàn thế giới, mấy bạn làm vậy là vi phạm pháp luật”. Cùng suy nghĩ với Quỳnh, một nhân viên rạp Galaxy chia sẻ, có vài lần đề nghị khách ngưng việc quay phim nhưng họ phản ứng lại như muốn “ăn tươi nuốt sống” nhân viên rạp.

quay len phim kich giet chet nghe thuat viet
Poster phim “Cô Ba Sài Gòn”

Không riêng gì ở rạp chiếu phim mà ngay cả sân khấu kịch cũng rơi vào tình cảnh này. Những vở kịch ăn khách, có dàn nghệ sĩ nổi tiếng là sẽ bị quay lén. Do sân khấu kịch có đèn sáng choang, thuận lợi hơn trong rạp chiếu phim tắt đèn, nên cơ hội quay lén dễ dàng hơn. Đơn cử là những vở kịch có NSƯT Thành Lộc tham gia. Loạt kịch “Ngày xửa ngày xưa” rất được lòng thiếu nhi lẫn người lớn nên năm nào cũng vậy, sau khi công diễn đủ suất thì Hãng phim Trẻ cho ra đĩa để những ai không đến rạp có thể mua về nhà xem. Nhưng rồi nạn đĩa lậu tràn làn, sự bùng nổ của kênh Youtube, nên những vở trong loạt kịch “Ngày xửa ngày xưa” về sau không phát hành đĩa nữa. Tuy nhiên, cũng chính vì lý do đó người ta nghĩ ra việc quay lén để đưa lên Youtube.

Đầu năm 2016, vở “Tấm Cám” của IDECAF sau 16 năm công diễn được trình làng trở lại tươi mới hơn. Nhưng sau ngày diễn tại sân khấu Trần Cao Vân (TP HCM), vở kịch đã bị quay lén và đưa lên Youtube. Rất nhiều nghệ sĩ như diễn viên Tú Vi, Ngọc Lan, ca sĩ Trung Quân Idol, Jun (365 Band) đã lên tiếng ủng hộ Thành Lộc trên facebook, cho rằng hành động đó giết chết kịch nói.

“Chơi cả” phim chiếu rạp

Sự việc phim “Cô Ba Sài Gòn” (do Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn làm đạo diễn) bị live-stream lén khi ra rạp vào ngày 13-11-2017 đã khiến bức xúc của các nhà làm phim dâng lên đến đỉnh điểm. Phim được ghi lén và phát tán trên một fanpage facebook chừng 30 phút đã thu hút hơn 5.000 lượt xem. Thảng thốt vì hành vi này, Ngô Thanh Vân đã bình luận dưới đoạn phim đang live-stream: “Em ơi, đừng làm vậy! Hãy để khán giả ra rạp xem em ơi. Em làm vậy thì em đang giết phim Việt đó”. Ngay sau đó, nhà sản xuất này đã nhờ đến ban quản lý rạp chiếu phim can thiệp. Phía công an cũng vào cuộc và nhanh chóng bắt được thủ phạm.

quay len phim kich giet chet nghe thuat viet
Ngô Thanh Vân đăng dòng timeline bức xúc về việc phim mình bị ghi lén (chụp từ facebook của Ngô Thanh Vân)

Sáng 15-11-2017, nhà sản xuất - diễn viên Ngô Thanh Vân đã có buổi làm việc với Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đã chính thức có đơn đề nghị cơ quan này xử lý người phát tán phim “Cô Ba Sài Gòn” trên mạng xã hội. Chiều cùng ngày, trên trang facebook cá nhân của mình, Ngô Thanh Vân đã tâm sự: “Anh T, người của ê-kíp quảng bá phim “Em chưa 18” cho biết anh vô cùng bức xúc khi nhận ra người bị bắt mấy ngày qua cũng chính là người đã từng thực hiện hành vi tương tự với “Em chưa 18” và rõ ràng người này không hề biết hối lỗi. Anh cũng mong Ngô Thanh Vân cùng công an sẽ xử lý thật nghiêm vụ việc lần này để làm gương cho nhiều bạn trẻ đang thiếu ý thức”.

Hành vi phát tán bản ghi âm, ghi hình các tác phẩm nghệ thuật mà không được phép của chủ sở hữu là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, được quy định theo Điều 27, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16-10-2013, với mức phạt 15-35 triệu đồng, đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ bản ghi âm, ghi hình. Vì vậy những ai đi xem phim nên có ý thức, kẻo vi phạm pháp luật. Hãy trân trọng thành quả lao động ấy, đặc biệt là phim Việt, đang bị phim ngoại lấn át, rạp ngoại “cạnh tranh”, nên mua vé vào rạp xem phim nghiêm túc như là cách ủng hộ nền điện ảnh nước nhà.

Đặng Trung Thành

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.