Thêm cho em ngày sống

00:11 | 16/09/2012

840 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đứa trẻ lũn chũn với cái đầu trọc lốc thơ thẩn bước ra hành lang Khoa Nhi, Bệnh viện K với với bông hoa trước thềm. Bé chới với, mất đà, bất ngờ ngã úp sấp mặt xuống đất rồi khóc ré lên. Xung quanh em là những đám dây nhợ, ống truyền lằng nhằng càng làm cho cơ thể teo tóp của bé thêm yếu ớt.

Mẹ cháu, chị Đặng Thị Lê, 28 tuổi, quê ở Tân Yên, Bắc Giang ngồi bệt xuống ghế, thở dài não nuột: “Hôm qua cháu còn đi ra được đến đây, hôm nay chắc mắt mờ hẳn rồi, chẳng nhìn thấy gì nữa. Khổ thân con tôi, biết sống được bao lâu nữa mà khổ thể này”.

Những cơn đau quá sức trẻ thơ

Những giọt nước mắt, những nỗi đau đớn dường như không còn là một điều gì lạ lẫm ở nơi mà mấy chục đứa trẻ đang phải từng ngày, từng giờ, giành giật sự sống từ tay thần chết bởi căn bệnh quái ác: ung thư.

Trong những phòng bệnh lạnh lẽo, các cháu nằm đó, gọn lỏn, bé tẹo trên giường, thiêm thiếp thở. Bên cạnh những ánh mắt buồn bã, lo lắng của bố mẹ các cháu là những cái đầu trọc lốc, những cánh tay chằng chịt mụn nhọt, mũi tiêm.

Những đứa trẻ ngây thơ này đang cần lắm những tấm lòng hảo tâm

Các cháu còn quá nhỏ để hiểu về bệnh tình của mình. Cháu Nguyễn Thị Liên, con gái chị Lê mới 3 tuổi đầu đã phải nạo bỏ một mắt vì ung thư võng mạc. Mắt còn lại đã mờ hẳn, chỉ chờ ngày bỏ đi. Trên khuôn mặt tròn xinh, thơ ngây của Liên chằng chịt những vết rạch mổ. Thuốc kháng sinh liều cao làm cho da cháu xanh bủng, bợt bạt. Những lúc khỏe khoắn, Liên sờ lên đầu mình hỏi mẹ: “Mẹ ơi, tóc đâu hết rồi, giờ thì lấy gì mà thắt nơ, múa hát cùng các bạn”. Rồi cháu ngơ ngác nhìn nước mắt lăn lã chã trên khuôn mặt sạm đen của mẹ.

Bên cạnh giường bệnh cháu Liên là cháu Nguyễn Văn Hiệp, 4 tuổi ở Thanh Hóa bị ung thư tủy sống, mỗi lần đứng lên ngồi xuống là một lần đau đớn như có ngàn mũi dao đâm. Hiệp gào rú, luôn miệng đòi mẹ cho về nhà.

Hiện tại, ở Khoa Ung bướu trẻ em của Bệnh viện K Trung ương cơ sở 2, có hơn 60 em điều trị. Một nửa trong số đó là bệnh nhân điều trị nội trú. Nước mắt đẫm gối, cô bé Nguyễn Thị Thanh Thủy kể cho chúng tôi nghe về ước mơ được trở thành tiếp viên hàng không, về miền quê nghèo lam lũ của mình. Thủy mắc bệnh ung thư xương, mặc dù đã qua nhiều lần điều trị hóa chất nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan. Khi nghe nhắc đến trường lớp, Thủy bật khóc nghẹn ngào: “Em phải về đi học. Bạn bè nhớ em lắm. Em không muốn làm người tàn tật. Em không muốn bị cắt chân đâu…”. Ngồi ở đầu giường bên kia nghe Thủy nói, mẹ em chỉ biết mím chặt môi để nước mắt không trào ra. Rồi mai kia, với đôi chân không lành lặn, ai sẽ giúp em viết tiếp giấc mơ còn dang dở?

Chỉ ít ngày nữa thôi, chiếc chân phải bị bệnh của em sẽ bị cắt bỏ. Có lẽ giấc mơ thành một nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp của Thủy vẫn mãi chỉ là mơ ước. Chưa một lần được đến Hồ Gươm, chưa một lần được ăn kem Tràng Tiền cũng như chưa một lần đặt chân đến Lăng Bác. Ấp ủ mong muốn được ra thủ đô bấy lâu nhưng trớ trêu thay, em lại đến Hà Nội trong hoàn cảnh bi đát như thế này.

Đang hỏi han bệnh tình của Thủy, bỗng cạnh đó vang lên những tiếng ho dữ dội, cơn khó thở đang hành hạ một cậu bé mệt mỏi nằm trên giường. Bác sĩ phải khẩn trương mang bình ôxy vào. Nhìn bà mẹ lóng ngóng đắp lại chăn cho cậu bé, đâu đó có người chép miệng thở dài: “Tế bào di căn vào phổi rồi. Mong manh lắm!”, nghe tiếng nói sao mà xót xa.

Cậu bé Nguyễn Minh Khánh (Quảng Ninh) sinh ra mắc bệnh down bẩm sinh, sau đó không lâu thì em bị phát hiện mắc căn bệnh ung thư máu quái ác. Chỉ chưa đầy 14 tháng tuổi nhưng Khánh đã mang trong mình tới 3 căn bệnh. Có bệnh thì vái tứ phương, bố mẹ Khánh ôm con đi gõ cửa từng bệnh viện từ Bệnh viện Quảng Ninh cho đến Viện Nhi, Bệnh viện Thụy Điển và 2 tháng nay thì “trú chân” tại đây.

Ôm con vào lòng, bà mẹ trẻ Tạ Thị Kim Oanh 27 tuổi nói với chúng tôi: “Nhiều khi bón bột cho con mà không cầm được nước mắt. Khánh mắc hội chứng down từ lúc sinh ra nên phế quản không nở, hốc họng ngắn, dạ dày cũng không co bóp. Do đó, việc ăn uống rất khó khăn. Đặc biệt mỗi khi truyền thuốc bé gần như không ăn được gì, vừa bón được thìa sữa thì lại bị nôn ộc ra. Nhìn con mệt nhọc ăn từng thìa sữa mà mẹ nhói cả lòng”. Hơn 1 tuổi mà em vẫn không biết gì, cứ ngây ngô chẳng khác gì một em bé sơ sinh. Thế giới của em từ khi sinh ra cho đến bây giờ đều gắn chặt với màu trắng của bệnh viện.

Hóa chất trị liệu là phương pháp điều trị ung thư được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Mỗi đợt hóa chất thông thường kéo dài khoảng 15 ngày, trong thời gian đó ngày nào bé cũng phải truyền từ 6 đến 8 chai. Sau đó khoảng 2, 3 tuần các bệnh nhân lại bước vào một đợt điều trị tiếp theo. Hôm nay, bé Tân phải truyền 8 chai đến tận đêm mới xong. Không lấy được ven ở tay và chân nên buộc bác sĩ phải lấy ven trên đầu. Tân nằm đó, dặt dẹo và yếu ớt, dính lấy chiếc giường sắt của bệnh viện và đầu được băng trắng muốt. Khuôn mặt em nhợt nhạt, xanh xao, đôi mắt nhắm nghiền vì mệt. Bà nội em không giấu được lo lắng: “Ông ngoại, bác, mẹ và giờ đây đến lượt Tân đều ung thư, không biết ông trời có thương, tha cho đứa cháu trai thứ hai mới 14 tháng tuổi ở nhà?”.

Trò chuyện với chúng tôi, hộ lý Trần Thị Lan trăn trở: “Nếu không vì mắc căn bệnh hiểm nghèo phải lấy bệnh viện làm nhà, thì có lẽ ít em trong số này được đặt chân đến thủ đô Hà Nội. Mình chỉ mong ước các em có cơ hội được đến thăm vườn thú hay được đi xem xiếc, có cơ hội ngắm tận mắt những con vật mà từ trước tới giờ chúng mới chỉ thấy qua tivi, tranh, ảnh”.

Các cháu, mỗi đứa đến từ một miền quê xa xôi nào đó, nhưng đều mang trong mình một nỗi đau thể xác ghê gớm. Anh Nguyễn Văn Bạt, quê ở Triệu Sơn, Thanh Hóa có con bị ung thư, chạy chữa đã gần 4 năm nay ở Bệnh viện K. Anh hướng cặp mắt đục ngầu của mình vào không gian vô định: “Tôi chỉ ước mình có thể đỡ cho con được phần nào đau đớn”.

Xin hãy giúp đỡ các em!

Bác sĩ Trần Văn Công, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện K cho biết: “Thời điểm hiện tại khoa chúng tôi đang tiếp nhận điều trị hơn 60 bệnh nhi ung thư, chủ yếu là bệnh bạch cầu cấp, u ác tính. Sau 2-3 năm ủ bệnh, thời kỳ truyền hóa chất là thời kỳ rất đau đớn với các cháu. Bệnh nhi nhỏ tuổi, sức đề kháng kém, cơm không ăn được nên chủ yếu là ăn cháo loãng và uống sữa”.

Theo bác sĩ Công, tuy được miễn phí toàn bộ tiền thuốc thang, viện phí, nhưng thời kỳ trị bệnh kéo dài, tiền đi lại, ăn uống đã làm nhiều phụ huynh kiệt quệ về kinh tế. Mua cháo, mua sữa cho con cũng phải tính toán chi li từng đồng tiền lẻ.

Chút lòng hảo tâm của độc giả có thể giúp thêm cho các em mỗi ngày một ly sữa, một tô cháo lành, để các em phần nào bớt đi nỗi đau đớn khi tuổi còn quá nhỏ.

Minh Tiến

(Năng lượng Mới số 154, ra thứ Ba ngày 11/9/2012)