Dạy thêm, học thêm: Có cầu thì mới có cung!

17:57 | 05/11/2012

2,112 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Dù cho ban hành bao nhiêu Thông tư, Nghị định, nhưng nếu nhu cầu của phụ huynh vẫn lớn thì không quy định nào có thể ngăn được. Bởi có cầu, ắt sẽ có cung, chỉ cần phụ huynh muốn, việc dạy thêm – học thêm vẫn có thể “vượt rào”, “lách luật” như thường!

Khi kỳ vọng của phụ huynh quá lớn

Dạy thêm, học thêm, nhất là ở bậc tiểu học, đã trở thành nỗi bức xúc dai dẳng của nhiều phụ huynh. Trong thư gửi ngành GD-ĐT nhân dịp khai giảng năm học 2012-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh, ngành cần tập trung giải quyết những bức xúc về dạy thêm học thêm không đúng quy định.

Sau đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 17, quy định cụ thể về việc dạy thêm – học thêm trong và ngoài nhà trường, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực mà hình thức dạy và học này mang lại.

Tuy nhiên, dù có ban hành bao nhiêu thông tư, nghị định, nhưng nếu việc dạy thêm học thêm xuất phát từ nhu cầu của chính phụ huynh và giáo viên, thì không quy định nào có thể ngăn chặn triệt để.

Phụ huynh mong con cái mình chăm học, học giỏi, học nhiều vừa để nâng cao trí thức, vừa để… thoát nghèo. Ngoài ra có rất nhiều gia đình có kinh tế khá giả, nên họ muốn con mình có thêm cái chữ, rồi thành đạt trong sự nghiệp cho nên ngoài chương trình chính khoá họ muốn con mình được học nhiều hơn, hiểu kiến thức sâu hơn và muốn có được tấm vé vào trường đại học, do đó rảnh thời gian nào là cho con đi học thêm.

 

Học thêm để thành ... "ông nọ bà kia"?

 

Câu chuyện về học thêm không chỉ “nóng” trên báo chí, trên các diễn đàn xã hội mà còn “nóng” cả trong từng gia đình. Học thêm bằng nhiều hình thức, có thể học ở trường do trường tổ chức, có thể đến tại nhà thầy do thầy tự mở lớp, hoặc gia đình tự mở lớp rồi thuê thầy về dạy cho con… thậm chí nhiều gia đình khá giả còn thuê hẳn thầy về dạy kèm con mình học!

Cách đây hai năm, thanh tra Bộ GD-ĐT từng khảo sát về tình trạng dạy thêm học thêm, kết quả là, khoảng 85% phụ huynh khi được hỏi cho biết việc dạy thêm học thêm là bình thường. Như vậy, việc dạy thêm học thêm trở thành vấn nạn của ngành giáo dục, có lẽ trách nhiệm không chỉ thuộc về người dạy.

Với những gia đình quá bận rộn cho việc chăm sóc, đưa đón con cái, việc cho con học thêm là ưu tiên hàng đầu, và từ đó, càng ngày càng “cổ súy” cho việc dạy thêm của các thầy cô giáo.

Chị Nguyễn Hồng Liên (Ba Đình, Hà Nội) là một ví dụ. Hai vợ chồng chị công tác trong ngành Kiểm toán, đi công tác liên miên, kể cả đi làm bình thường cũng 8 – 9h mới về đến nhà. Con trai anh chị năm nay học lớp 3, học 2 buổi trên lớp xong thì không ai đón, anh chị bàn nhau cho con đi học thêm tại nhà cô để… tiết kiệm thời gian.

Chị cho biết: “Con học xong trên lớp là cô đón đến nhà cô ngay gần trường học tiếp. Học xong thì chơi ở nhà cô, bao giờ bố mẹ đi làm về sẽ đón. Con vừa được học nhiều, đỡ chơi rông mất thời gian. Những ngày nghỉ cuối tuần, nếu cô có mở lớp thì nhà tôi cũng cho con đi học”.

Không chỉ nghĩ cho việc học của con, nhiều bậc phụ huynh còn coi thầy cô giáo như bảo mẫu, trông trẻ giá cao, giúp mình giữ con trong khi bố mẹ bận rộn vì công cuộc kiếm tiền.

Theo kết quả điều tra quốc gia mới nhất về vị thành niên và thanh niên Việt Nam được Bộ Y tế, Tổng Cục thống kế, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 70% số người trong độ tuổi 14-21 được hỏi đều trả lời rằng có tham gia các lớp học thêm. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị và dân tộc Kinh có xu hướng cao hơn nông thôn, dân tộc miền núi (78% thành thị, 66% ở nông thôn và 74,3% dân tộc Kinh, 31,7% dân tộc thiểu số).

Như vậy, càng là học sinh tại các thành phố lớn, việc học thêm càng nặng nề, mà nguyên nhân của vấn nạn học thêm, dạy thêm này chủ yếu do kỳ vọng quá lớn của phụ huynh. Họ mong muốn con mình thành học sinh giỏi toàn diện, mong con mình trở thành ông nọ bà kia. Và đôi lúc, chính họ là người biến học thêm thành học chính, mà học chính lại trở thành … học phụ.

Không học thêm là… cô không ưa

Từ sau khi Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT được ban hành về việc “siết” dạy thêm học thêm, đặc biệt là việc học thêm của học sinh tiểu học, có lẽ người buồn nhất là các vị phụ huynh và các giáo viên.

Các giáo viên tìm đủ các chiêu trò để “ép” học sinh đến lớp học thêm bởi hai lý do chính: áp lực thành tích và vấn đề thu nhập. Nếu số lượng học sinh giỏi trong lớp quá thấp, cô giáo không có cơ hội thành “chiến sĩ thi đua”, kéo tụt thành tích “tiên tiến xuất sắc” của nhà trường nên cô cũng đành “bế” học sinh lên.

Không thể sửa điểm trong sổ, không thể cho khống điểm, cô đành dạy thêm. Trong giờ phụ đạo ấy, cô sẽ cho các học sinh làm những dạng bài điển hình. Đến giờ kiểm tra, các con chỉ việc thay số vào cho hợp với câu hỏi. Và như thế, cả cô, cả trò và cả phụ huynh, ai cũng vui mừng cả.

Cũng phải nói rằng, tiền lương mà các giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học nhận được khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Có một cô giáo có gần 20 năm đứng lớp tại một trường tiểu học đã thốt lên rằng: “Cả tháng dạy khản tiếng chỉ được 3,5 triệu, tính cả phụ cấp thâm niên. Không bằng lương thử việc của sinh viên mới ra trường”. Và các cô đành … thâm canh gối vụ bằng cách dạy thêm, dạy trước chương trình, cho trước các dạng kiểm tra để “hút” học sinh, nhằm tăng thu nhập hàng tháng, phục vụ cho bản thân và gia đình.

Nhu cầu học thêm lại xuất phát từ chính phụ huynh

Nhưng vô tình, những lý do mà giáo viên “phải” dạy thêm lại được các vị phụ huynh hoan nghênh nhiệt liệt. Một phần do họ không có thời gian dành cho con, một phần do họ quá kì vọng vào con và cũng do họ … sợ cô giáo.

Chị Nguyễn Lan Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Con gái đang học cấp 1 mà hôm nào cũng phải học thêm ở nhà cô. Kể ra thì không học cũng không sao, nhưng bài mới, bài khó cháu không biết, lên lớp làm sao theo kịp các bạn? Cô giáo chủ nhiệm mở lớp chẳng nhẽ không cho cháu đi học, nói dại, cô trù úm hay ghét bỏ cũng tội”.

Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT ban hành đã được một thời gian, nhưng hiện vẫn chưa nhận được kết quả tương xứng, thậm chí việc dạy thêm học thêm còn diễn ra công khai và ngang nhiên hơn trước.

Việc ban hành các điều luật, các quy định hạn chế tiêu cực là đúng, song cũng nên cân nhắc nhu cầu của chính người dạy và người học cũng như giảm tải chương trình học cho học sinh. Thay vì cấm đoán một cách thô bạo, có lẽ các cơ quan chức năng nên có những quy định kiểm soát, quản lý và giám sát một cách thiết thực hơn, tránh tình trạng “ép” dạy, “ép” học như hiện nay. 

 

Vương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.