Vì sao nghệ sĩ chấp nhận "bán mình"?

11:43 | 29/06/2013

610 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xét về tuổi, Mr Đàm và hai diva Mỹ Linh, Hồng Nhung có thể xem là cùng lứa. Nhưng chẳng hiểu sao, chứng kiến Mr Đàm bày chiêu dở trò khán giả thấy rất bình thường. Khác hẳn với cảnh Mỹ Linh hay Hồng Nhung diễn như con rối trên sân khấu để lôi kéo thí sinh. Có cái gì đó không thật tự nhiên. Có cái gì đó hơi khiên cưỡng. Dường như trong mắt công chúng, những người làm nghệ thuật chân chính thì có lẽ, chẳng cần phải dựa vào truyền thông hay phải “biến hình” như thế để lấy lòng nhà sản xuất…

Làm huấn luyện viên hay giám khảo các cuộc thi trên truyền hình, công bằng mà nói là một công việc rất vinh quang. Thực tế cho đến nay, phần nhiều những người được ngồi trên ghế nóng cũng là những nghệ sĩ có tên tuổi, dù là thuộc dòng nghệ thuật thị trường hay chính thống. Không thể phủ nhận hiệu ứng, sức lan tỏa cực khủng của cái nghề mới xuất hiện trong showbiz cùng với sự bùng nổ của các chương trình truyền hình thực tế này.

Nhạc sĩ Quốc Trung thừa nhận: “Mấy chục năm làm nhạc tử tế của tôi chẳng giúp tôi được nhiều người biết đến như mấy tháng ngồi ghế nóng Vietnam Idol. Nếu sớm biết nổi tiếng dễ thế này tôi đã nhận lời làm giám khảo từ lâu”.

Nổi tiếng như cồn sau mấy tháng ngồi ghế nóng, đó là cái giá mà sao Việt nhận được đầu tiên từ cái nghề này. Sau đó, theo lời đồn thổi của giới truyền thông thì cát-xê ghế nóng cũng cao ngất ngưởng. Được ăn, được nói, được gói mang về - có sao nào dám từ chối lời mời làm giám khảo hay huấn luyện viên và cả MC cho các show truyền hình thực tế ăn khách hiện nay?

Tiền hay danh vọng khiến sao Việt chấp nhận "bán mình" cho truyền hình?

Có lẽ bởi thế, nên không chỉ sao dòng thị trường như Thu Minh, Hà Hồ, Đàm Vĩnh Hưng mà ngay cả những nghệ sĩ làm nghệ thuật một cách “tử tế” như Quốc Trung, Trần Tiến, Trần Ly Ly, rồi mới đây là Mỹ Linh và Hồng Nhung cũng không cưỡng nổi sức hấp dẫn của nghề ngồi ghế nóng.

Tuy nhiên, theo tiết lộ của giám khảo “Bước nhảy hoàn vũ” 2013 Trần Ly Ly thì tiền thù lao trả cho giám khảo cũng bình thường, không thể nói là ngất ngưởng như thiên hạ vẫn tưởng, tóm lại là đều theo khung của nhà sản xuất.

Bởi vậy, dư luận lại càng thắc mắc: Nếu chỉ để lấy danh tiếng, hay thêm danh tiếng thì những nghệ sĩ làm nghề chân chính, đã được đứng vào hàng đỉnh của làng nhạc Việt như Trần Tiến, Quốc Trung, như Mỹ Linh, Hồng Nhung có cần thiết phải bon chen theo những ngôi sao của dòng thị trường như Mr Đàm cũng nhí nhắng lôi kéo thí sinh, cũng lý lắc cưa sừng cho hợp với đối tượng khán giả trẻ của một gameshow trên truyền hình hay không?

Ngược lại, giả dụ tiền cát xê được trả cho mấy tiếng ngồi lên chiếc ghế HLV/giám khảo cực cực khủng, cỡ 12 triệu USD như Jennifer Lopez đã được nhận, thì những Mỹ Linh, Hồng Nhung hay cả Mr Đàm vốn đã giàu nứt đố đổ vách cũng có cần thiết phải hô biến như tắc kè hoa mỗi lần lên sóng để đánh đổi?

Quanh đi quẩn lại, chẳng ai có thể hiểu vì sao, hà cớ gì mà hết nghệ sĩ này đến nghệ sĩ khác thi nhau ngồi lên chiếc ghế đó, đối diện với sự mạo hiểm với rủi ro cực cao cho cái gì đó mà không một ai biết chắc. Bởi nếu là danh tiếng, thì họ cũng đã có đủ. Nếu là tiền, thì có lẽ, cũng chẳng đáng để “làm thêm”? Rõ ràng, nghề “bán mình” cho truyền hình, hay cụ thể hơn là cho nhà sản xuất này thực sự có quá nhiều những mặt trái, nhiều tấm gương đủ để các nghệ sĩ “đời” sau của ghế nóng phải cân nhắc, đắn đo, thận trọng.

Trần Tiến, người nhạc sĩ du ca với những bản nhạc bất hủ: “Vết chân tròn trên cát”, “Điệp khúc tình yêu”, “Mặt trời bé con”… một thần tượng đáng ngưỡng mộ của khán giả cả nước chỉ vì một vài câu nói rất ngẫu hứng như tính cách hay như âm nhạc của ông mà bao nhiêu thành tựu trở nên bỏ sông bỏ biển. Không chỉ khán giả thất vọng, mà bản thân ông cũng thất vọng về chính mình, đến mức phải thốt lên chua chát, chỉ sau hai đêm ngồi ghế nóng: “Có lẽ người ngu nhất chính là người chọn nghề làm giám khảo”. Vì “không phải mình chấm thí sinh mà khán giả đang chấm mình”.

Danh sách những nghệ sĩ “bán mình” cho gameshow truyền hình, từ huấn luyện viên, giám đốc âm nhạc, giám khảo cho đến thí sinh phải nhận về mình những điều tiếng chẳng mấy hay ho như Trần Tiến chiếm phần nhiều trong số các nghệ sĩ đã từng đảm nhận vai diễn này. Họa mi của núi rừng Siu Black, nhạc sĩ Phương Uyên, Lê Minh Sơn, đạo diễn Lê Hoàng, người mẫu Thúy Hạnh, ca sĩ Mỹ Lệ… Chưa kể những người dính đòn thị phi đúng nghĩa là tai bay vạ gió như Cát Phượng sau “Cặp đôi hoàn hảo”.

Khán giả vẫn đang nín thở hồi hộp dõi theo những màn đấu khẩu giữa bộ tứ quyền lực của “The Voice” 2013. Mỹ Linh, Hồng Nhung và cả Quốc Trung là những nghệ sĩ “đóng đinh” tên tuổi bởi sự chừng mực, chín chắn, nghiêm túc và thậm chí, có chút cổ điển. Và họ đều đã ở lứa tuổi trung niên, sắp thành ông, thành bà. Thế nhưng, từ khi trở thành HLV của “The Voice” 2013, họ vẫn phải hóa thân vào những vai diễn khác nhau trên sân khấu. Khi thì lao lên giành lại thí sinh. Khi thì tháo cả mắt kính chớp chớp đôi mắt để một cô gái trẻ nhìn thấy sự chân thành trong “cửa sổ tâm hồn” của mình.

Có thể, vì không phải làm giám khảo để đưa ra những kết luận quyết định đến số phận của thí sinh, nhưng việc họ đóng vai trò giữ lửa cho thí sinh, cho khán giả tại trường quay, cho sự thành công của chương trình đã bắt buộc họ phải diễn. Không biết khi ký hợp đồng “bán mình” cho truyền hình này, họ có ngờ rằng bản thân sẽ bị biến thành con rối trong tay nhà sản xuất hay không?

Đâu là lý do sâu xa nhất, chân xác nhất để nhà sản xuất câu được những nghệ sĩ dòng nghệ thuật “tử tế” sẵn sàng hứng chịu những “ganh tị, ảo vọng của đồng nghiệp” (chữ dùng của nhạc sĩ Tuấn Khanh)? Tiền hay danh vọng hay lòng tham không đáy đã khiến nghệ sĩ chấp nhận đánh đổi, mạo hiểm được ăn cả ngã về không khi “trao thân” cho các chương trình truyền hình thực tế được phát trực tiếp hằng tuần trên sóng?

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, bên cạnh những người diễn không thành công, dẫn đến những scandal không đáng có, bị dư luận ném đá, phản ứng kịch liệt, cũng có không ít người sau một đêm ngủ dậy bỗng thành vĩ nhân, nhờ truyền hình! Càng phải thừa nhận vai trò của một số nghệ sĩ khi tìm ra những tài năng nghệ thuật mới cho nước nhà thông qua các cuộc thi trên sóng truyền hình. Không phải ngôi sao nào làm giám khảo hay huấn luyện viên cũng đánh mất mình theo yêu cầu của format.

Bằng bản lĩnh, trí tuệ và phông văn hóa nền cao, họ đã góp phần định hướng cho khán giả tới những giá trị chân mỹ của nghệ thuật, trong những lĩnh vực đòi hỏi tài năng thực thụ. Vấn đề ở đây chính là, mục đích của bản thân nghệ sĩ đó khi dấn thân vào con đường đầy những thách thức mạo hiểm này là gì? Đã nổi tiếng, muốn nổi tiếng thêm nữa? Đã giàu có, muốn giàu có thêm nữa? Hay thuần túy là thử thách bản thân? Và cao hơn, nỗ lực tạo nên một show truyền hình có chất lượng? Bằng chính uy tín của bản thân…

Gieo nhân nào gặt quả nấy, mục đích của nghệ sĩ là gì khi dấn thân vào gameshow cũng sẽ trả lại cho họ sự thành công hay thất bại trong “bản hợp đồng” lắm rủi ro nhưng lợi nhuận cũng rất cao này.

Ha Ny

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.