Truyền hình thực tế: Nhập gia sao không tùy tục?

07:00 | 30/05/2013

577 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Có thể vì quá vồ vập, quá vội vàng hoặc cũng có thể vì lý do câu khách mà các đơn vị mua bản quyền các chương trình truyền hình thực tế đã quên rằng: Phàm là nhập gia thì phải tùy tục.

Hiện tại, những chương trình truyền hình thực tế, những gameshow nổi tiếng thế giới hầu như đã có mặt tại Việt Nam. Những chương trình này đang mặc sức tung hoành trên sóng truyền hình vào giờ vàng, đẩy các chương trình thuần Việt vào thế lép vế ngay trên sân nhà. Sẽ là rất khập khễnh nếu ai đó mang một chương trình bản địa ra so sánh với một chương trình được sản xuất từ các nền công nghiệp giải trí nổi tiếng thế giới.

Song, người viết bài vẫn giữ quan điểm rằng, hiện tượng thống lĩnh màn ảnh hay thu hút công chúng của các chương trình Việt hóa như hiện tại không phải là điều vẻ vang gì cho nền giải trí nước nhà. Bởi, nó đang tạo nên một trào lưu ăn sẵn và đặc biệt là góp phần làm triệt tiêu động lực sáng tạo của các nhà sản xuất chương trình truyền hình Việt Nam. Cụ thể, nhiều năm nay, không có một chương trình thuần Việt nào đáng xem được ra đời!

Đã có nhiều bài viết nói về những scandal liên quan chuyện giám khảo gay gắt thái quá, quát mắng thí sinh; chuyện giám khảo có hành động phản cảm, thiếu tôn trọng thí sinh ngay trên sóng truyền hình; rồi chuyện giám khảo quá “ác”… nhưng chủ yếu là đề cập khía cạnh văn hóa cá nhân của người giám khảo đó. Song, câu chuyện “giám khảo phản cảm” còn liên quan mật thiết đến chuyện format của các chương trình nhập khẩu.

Siêu mẫu Xuân Lan - giám khảo đóng vai "ác" trong "Người mẫu Việt Nam"

Về nguyên tắc, đối với các gameshow hay các chương trình giải trí thì nhà sản xuất mỗi nước khi nhập khẩu phải tuân thủ những giai đoạn diễn biến hoặc những chi tiết tưởng chừng là nhỏ nhất như chuyện: độ tuổi MC, bao nhiêu đèn chiếu sáng, cách giới thiệu mào đầu... Những điều này đều được ghi trong hợp đồng khi chuyển nhượng bản quyền.

Một giám đốc sản xuất chương trình tiết lộ rằng, những câu nói bị dư luận phản ứng gay gắt nhưng nhà sản xuất đã không thể cắt bỏ như: “Em phải ngay lập tức thu dọn đồ đạc quay về nhà” của người mẫu Hà Anh và Xuân Lan - giám khảo trong hai mùa chương trình "Vietnams Next Top Model" là vì lý do như trên.

“Đó là câu nói bắt buộc theo format và ở quốc gia nào mua bản quyền sản xuất cũng phải có” - vị giám đốc kia nói.

Có thể thấy rằng, việc khó khăn nhất khi Việt hóa một chương trình truyền hình thực tế chính là giữ nguyên tính giải trí cũng như sự kịch tính của chương trình nhưng nó phải phù hợp với văn hóa của Việt Nam. Một câu nói hay một hành động nào đó được xem là bình thường tại các phương Tây nhưng rất có thể nó lại là sự phản cảm, lố bịch đối với văn hóa, thói quen của người Việt.

Vì thế để Việt hóa an toàn, các nhà sản xuất thường tham khảo nhiều ý kiến dưới góc độ giải trí, văn hóa... nhưng không hề có sự an toàn tuyệt đối nào cho tất cả. Và thường thì đó chỉ là lý thuyết, còn trên thực tế thì nhà sản xuất nào cũng muốn chương trình mình ăn khách, thu hút quảng cáo và kiếm lợi nhuận càng nhiều.

Nhưng, đây không phải là một điều dễ dàng gì trong cuộc cạnh tranh giữa hàng loạt các chương trình Việt hóa khác. Thế nên những chi tiết “đinh”, cụ thể là những câu nói, hành động của các vị giám khảo (trong format ngoại) có thể sẽ tạo nên những phản ứng gay gắt từ dư luận vì không phù hợp với văn hóa người Việt vẫn sẽ được chọn trong quá trình Việt hóa.

Giám đốc công ty B, một công ty chuyên nhập khẩu các chương trình truyền hình thực tế cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, việc cắt giảm những chi tiết là những câu nói và hành động của giám khảo so với format ngoại đã làm chương trình mất đi kịch tính!

Vậy câu hỏi đặt ra: đâu là giới hạn văn hóa mà một chương trình Việt hóa cần tuân thủ? Sẽ rất khó để các nhà sản xuất chương trình trả lời chính xác câu hỏi này bởi thứ nhất là nó phụ thuộc vào cảm nhận của từng người, cũng một câu nói đó, hành động đó nhưng với người này thì bình thường nhưng với người kia thì phản cảm. Thứ hai, như đã nêu, những chi tiết ấy là chi tiết “đinh” của chương trình nên nhà sản xuất xứ ta không thể nào bỏ qua “miếng mồi ngon” để câu khách ấy!

Hành động thẳng tay đổ đĩa bánh xèo vào sọt rác của Luke Nguyễn được cho là cố làm giống format ngoại

 

Như việc đập bàn rầm rầm, cười hô hố và câu nói “kinh điển”: “chị thích em” của giám khảo Siu Black trong hai mùa đầu của chương trình “Thần tượng âm nhạc  - Vietnam Idol” vậy. Hành động ấy được cho là bê nguyên format ngoại và đương nhiên chị Siu bị nhiều công chúng phản đối vì hành động thiếu sự nghiêm túc ấy trên cương vị là một giám khảo. Song, cũng có một thực tế phải thừa nhận rằng, Siu Black là một giám khảo luôn tạo ấn tượng thú vị nhất của chương trình cho đến bây giờ!

Siêu mẫu Xuân Lan cũng là vị giám khảo đóng vai trò bảo vệ và thực hiện “format ngoại” của chương trình “Người mẫu Việt Nam - Vietnams Next Top Model”. Trong chương trình, giám khảo Xuân Lan luôn có những nhận xét lạnh lùng và gay gắt. Rồi cả những nhận xét thiếu chủ vị, đôi khi trịch thượng, bỡn cợt và đặc biệt là câu nói công bố thí sinh dừng cuộc chơi: “Người sau đây sẽ phải về phòng thu dọn hành lý và rời khỏi đây ngay lập tức”...

Sự gay gắt có phần thái quá ấy của giám khảo Xuân Lan cũng bị dư luận phản ứng gay gắt, có thí sinh không nhịn được sự “mắng mỏ” đã “bật” lại giám khảo này ngay trong chương trình.

Rồi đến chuyện giám khảo Luke Nguyễn đổ đĩa thức ăn không đạt yêu cầu vào sọt rác vừa qua cũng bị dư luận kịch liệt lên án vì họ cho rằng anh đang cố diễn cho giống với format ngoại vỉ nghe đâu ở MasterChef Mỹ cũng vừa có một giám khảo hành xử như thế..

Có thể nói, ở làng giải trí thế giới có Simon nổi tiếng khó tính và gay gắt thì ở Việt Nam hiện tại cũng có vài giám khảo đóng vai “cay nghiệt” như thế. Nhưng Simon được mọi người khâm phục vì nhận xét chính xác chuyên môn, dẫu có phần gay gắt. Còn một vài giám khảo đóng vai “ác” xứ ta thì lại bị dư luận phản ứng, “ném đá” vì sự gay gắt ấy chỉ làm theo format của chương trình.

Họ chưa có những nhận xét, đánh giá xác đáng nên việc cho điểm làm người chơi cảm thấy ức chế, khán giả thì thất vọng vì những giám khảo thế này đã phần ào làm cuộc chơi thiếu công bằng, không tôn vinh chính xác người xứng đáng chiến thắng.

Các sân chơi nhập khẩu đang cố gồng mình sao cho thật giống với phiên bản của nước ngoài nhưng nhà sản xuất lại quên rằng, sự nỗ lực đó sẽ không bao giờ mang lại hiệu ứng tích cực. Khán giả cần sự gần gũi, chân thực thì dường như các sân chơi hiện nay không đáp ứng được. Cũng vì lẽ đó mà, nhiều chương trình đã quá thành công ở nước ngoài nhưng khi vào Việt Nam thì lộ nhiều điểm yếu, gây thất vọng và nhàm chán ngay sau một, hai mùa đầu.

Có thể sự quá vồ vập, quá vội vàng hoặc cũng có thể vì lý do câu khách mà họ đã quên rằng: Nhập gia thì phải tùy tục.

Nếu các đơn vị mua bản quyền các chương trình này làm được công việc quan trọng của họ là: Thay đổi gia vị sao cho phù hợp với “gu”, tức phù hợp với văn hóa, thói quen và bản sắc của người Việt thì họ có thể làm nên một chương trình hấp dẫn, dù đó chỉ là một chương trình được Việt hóa.

T.L

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.