Tọa đàm khoa học về thi sĩ và triết gia Bùi Giáng

11:00 | 15/09/2013

2,159 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất thi sĩ, triết gia Bùi Giáng, hôm qua (14/9), tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, Khoa Văn học và Ngôn ngữ phối hợp với gia tộc họ Bùi tổ chức buổi tọa đàm khoa học đầu tiên về “thi sĩ kỳ dị” này.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1975, Bùi Giáng trở thành đề tài của một tọa đàm khoa học, ban tổ chức nhận được nhiều tham luận từ các nhà nghiên cứu, nhà báo, những nhà thơ nhiều thế hệ thân thiết và quan tâm đến cuộc đời và tác phẩm của ông.

Thi sĩ Bùi Giáng

GS-TS Huỳnh Như Phương đã lược khảo cuộc đời và sự nghiệp của Bùi Giáng với những đóng góp đặc biệt trên nhiều lĩnh vực: thơ, văn, dịch thuật. “Trong thế giới sáng tạo của Bùi Giáng, gắn liền với kết hợp Quê - Phố là kết hợp giữa cổ xưa và hiện đại, Ðông phương và Tây phương. Từ một làng quê xứ Quảng, giã từ bầy dê từng được ông choàng hoa và đặt tên, Bùi Giáng và những trang từ điển của ông mở lối lên thành phố và đi ra nhân loại. Rồi ra Trung Niên Thi Sĩ không chỉ thân thiết với Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Ðà...; mà còn làm quen với những tâm hồn xứ lạ của Martin Heidegger, Saint-Exupéry, Gérard de Nerval, André Gide, Albert Camus... Ông chơi với cái cổ điển nhất cũng hết mình như chơi với cái tân kỳ nhất”- trích “Bùi Giáng: Thơ phơi giữa nắng” của GS Huỳnh Như Phương.

Còn nhà nghiên cứu Nhật Chiêu thì đi sâu vào cảm hứng chơi trong thơ Bùi Giáng, một phong cách “trùng du điệp hí”, đùa giỡn với mọi thứ, kể cả giễu nhại những thần tượng đang lên, và kính cẩn một cách hồn nhiên trước những tượng đài mà tự ông thấy xứng đáng. “Đọc Bùi Giáng như thể là đi lạc vào một thế giới hỗn độn, chập chờn. Thiên la địa võng của ngôn từ tuôn ra từng trận từng cơn, trùng trùng điệp điệp… Bùi Giáng tung ngọc vào bùn, chẳng cần quan tâm thị phi, khinh trọng. Ông trộn nhã và tục trong nói lái, pha điên và tỉnh trong triết lý, lẫn giả và chân trong trò chơi văn bản, chen hay và dở những câu thơ. Thế giới đó, dẫu sao đi nữa, là có một không hai”, trích tham luận “Bùi Giáng “chơi” của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu.

Đông đảo nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên đến với buổi tọa đàm

Ngoài ra, các tham luận “Bùi Giáng trong cái nhìn phê bình văn học của miền Nam trước 1975” của Trần Hoài Anh, “Bùi Giáng - quê nhà và cuộc đời” của Vũ Đức Sao Biển, “Cõi Mộng và Điên trong thơ Bùi Giáng” của Huỳnh Thị Thu Hậu, “Bùi Giáng với kinh Phật thuyết đại thừa vô lượng thọ” của Giao Hưởng, “Bùi Giáng - thi sĩ tinh quái của nền thi ca VN hiện đại” của Lê Minh Quốc, “Triết gia và thi sĩ” của Bùi Văn Nam Sơn... cùng những cảm xúc của những người bạn thơ, người thân trong gia tộc họ Bùi đã làm cho buổi tọa đàm thêm sâu sắc, ý nghĩa.

Những tác phẩm in trước năm 1975

Bên cạnh đó, buổi tọa đàm còn có triển lãm tranh, ảnh, sách và di cảo của thi sĩ Bùi Giáng. Đáng chú ý là các trước tác của ông in trước 1975, và sách in sau 1975, cùng một số tập di cảo và trang thủ bút bản thảo của thi sĩ.

Một số tác phẩm của Bùi Giáng tái bản sau 1975

Cho đến nay, ông vẫn là một nhà thơ tài năng kỳ lạ, một nhà nghiên cứu triết học sâu sắc, nhà phê bình văn học uyên thâm và là một dịch giả tài hoa- tên tuổi của ông gắn liền với đời sống văn chương và học thuật Sài Gòn suốt từ cuối thập niên 50 đến năm 1975 và ở TPHCM sau năm 1975 cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào năm 1998.

Di cảo Bùi Giáng

Bùi Giáng sinh năm 1926 tại xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Lúc nhỏ học ở quê, lớn lên học ở Huế và ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của các thầy của mình là Lê Trí Viễn, Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Đào Duy Anh.

Năm 1965, trước nguy cơ cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ lan rộng, ông cùng một số trí thức tiến bộ ở Sài Gòn viết thư gửi 5 trí thức nổi tiếng ở phương Tây là Martin Luther Kinh, Jean Paul Sartre, Andre Malraux, Rene Char, Henry Miller để phản đối cuộc chiến tranh, kêu gọi hòa bình cho Việt Nam.

Gần nửa thế kỷ sống và viết, ông để lại lượng tác phẩm đồ sộ gần 60 tác phẩm ở nhiều thể loại, chủ yếu là thơ ca, bình giảng văn chương, nghiên cứu triết học và dịch thuật. Cho đến nay, những tác phẩm của ông vẫn tiếp tục được tái bản.

Những tác phẩm thơ tiêu biểu của thi sĩ Bùi Giáng: “Mưa nguồn” (1962), “Lá hoa cồn” (1963), “Màu hoa trên ngàn” (1963), “Mười hai con mắt” (1964), “Sa mạc trường ca” (1965), “Ngàn thu rớt hột” (1967), “Bài ca quần đảo” (1969), “Rong rêu” (1972), “Thơ vô tận vui” (1987), “Mùa màng tháng tư” (1987), “Đêm Chớp biển” (1996), “Ngắm trăng” (1997), “Như sương” (1998), “Rớt hột phiêu bồng”, “Ký ức”, “Thơ vịnh họa”, “Tuyết băng vô tận xứ”, “Bèo mây bờ bến”, “Các di cảo thơ” (2004)…

 

Thiên Thanh

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...