Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Nguyễn Đăng Chương:

Sai phạm nhiều là do buông lỏng quản lý

07:01 | 31/08/2013

764 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Showbiz bát nháo, nghệ sĩ sử dụng chiêu trò để nổi tiếng bất chấp đạo lý, văn hóa, thuần phong mỹ tục. Các chương trình liên tục sai phạm trong biểu diễn… Trao đổi với phóng viên Báo điện tử PetroTimes, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) Nguyễn Đăng Chương khẳng định, sở dĩ có các vụ lùm xùm đó xảy ra là do buông lỏng quản lý, từ khâu thẩm định chương trình, hồ sơ cấp phép, kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm...

Năng lượng Mới số 252

Cấp giấy phép bằng phong bì

PV: Thưa Cục trưởng, vừa qua, Cục NTBD có văn bản rất được lòng công luận, như việc cấm “bà Tưng” biểu diễn. Nhưng cũng có luật sư cho rằng, việc cấm hay tạm cấm một cá nhân biểu diễn là vượt quá thẩm quyền?

Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương: Nói vậy nghĩa là họ không hiểu gì về chức năng, quyền hạn của Cục NTBD theo phân cấp nằm trong Nghị định 176 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy định về chức năng, quyền hạn với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) trong đó có Luật Biểu diễn. Điều chắc chắn nữa là nếu Cục NTBD làm sai thì đối tượng sẽ kiện.

Cơ quan quản lý biểu diễn quản lý toàn bộ những gì liên quan đến biểu diễn. Có nghĩa bất kỳ đối tượng nào tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn phải chấp hành quy định của pháp luật chứ không riêng nghệ sĩ.

PV: Thế nhưng, thực tế cho thấy thì trước đây cũng có không ít các trường hợp ăn mặc hở hang trên sân khấu, lộ hàng… rất phản cảm, thậm chí có người còn liên tục vi phạm. Nhưng chưa có văn bản nào khắt khe như đối với “bà Tưng”, ông lý giải thế nào về chuyện này?

Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương: Nhìn lại từ trước năm 2012, cơ quan quản lý Nhà nước buông lỏng quản lý trong lĩnh vực biểu diễn. Chính vì vậy trong vấn đề này phát sinh ra nhiều bất cập để báo chí và dư luận xã hội bất bình. Ví dụ lộ hình nóng hay nghệ sĩ ăn mặc hở hang, đánh nhau hoặc bất chấp các văn bản quy phạm pháp luật… Rõ ràng cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã không thực hiện hết trách nhiệm của mình.

Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn

Trước các hiện tượng xã hội như vậy, cơ quan quản lý hầu như vô cảm khiến hiện tượng đó bùng phát đến mức Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL ban hành Chỉ thị 65 để chấn chỉnh lại tất cả các hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang... Sau khi có Chỉ thị 65 Cục NTBD là đơn vị chủ trì được ủy quyền của Bộ hướng dẫn cho tất cả các sở, ban, ngành xiết chặt và thường xuyên có văn bản hướng dẫn rất cụ thể. Quan điểm của Cục là làm quyết liệt để chấn chỉnh lại việc biểu diễn của nghệ sĩ, thực sự đưa những hoạt động biểu diễn là những hoạt động lành mạnh nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân chứ không phải để một số tổ chức cá nhân doanh nghiệp trục lợi. Xiết chặt từ cơ quan quản lý Nhà nước thì sau đó mới có  chuyện cấm ca sĩ ở nước ngoài về Việt Nam hát, đình chỉ không cho phát hành táo quân, phạt các nghệ sĩ đi thi hoa hậu “chui”, cấm “bà Tưng” hay thu hồi giấy phép của Nữ hoàng biển… Điều đó khẳng định rằng muốn cho hoạt động văn hóa lành mạnh thì cơ quan quản lý Nhà nước không thể thờ ơ mà phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

PV: Có nghĩa là vì cơ quan quản lý vô cảm nên những hành vi sai trái của nghệ sĩ mới trở thành trào lưu, thưa ông?

Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương: Vì vô cảm trước những hiện tượng diễn ra trong giới biểu diễn nên họ mới để trôi đi mà không lường trước được rằng một người làm được thì nhiều người làm được, cuối cùng trở thành trào lưu để các nghệ sĩ khoe thân, phát ngôn những điều không đúng với đạo lý…  Nghệ sĩ họ cũng biết sợ chứ không phải không? Họ cố tình, bất chấp làm sai là vì chính chúng ta đang tạo điều kiện cho họ. Chính vì vậy mà khi Cục làm nghiêm, chấn chỉnh mọi hoạt động thì 8 tháng trong năm 2013 này mới chỉ xảy ra 2 vụ vi phạm và số lượng các nghệ sĩ vi phạm giảm trên 80%.

Nói gì thì nói nhìn vào quá khứ hay hiện tại thì cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đóng vai trò chính. Nếu không nhìn thẳng vào sự thật để thấy những yếu kém và sửa chữa thì không bao giờ chúng ta hoàn thành trách nhiệm vai trò của cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Phải dám nhìn vào sự thật mới đưa ra được giải pháp khắc phục.

Tại sao khi cấm “bà Tưng” một loạt các bậc phụ huynh ủng hộ vì nếu để có một “bà Tưng” thì sẽ có nhiều người như thế, cuối cùng sẽ trở thành trào lưu cho giới trẻ. Mà điều đó thể hiện cái gì, thể hiện đạo đức xuống cấp ở mức độ ghê gớm bất chấp đạo lý, văn hóa, thuần phong mỹ tục để thỏa mãn lợi ích xuất phát từ những trò lố bịch.

Điều quan trọng nữa nâng cao vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước. Tại sao trước kia bao nhiêu vụ lùm xùm xảy ra? Do chúng ta quá buông lỏng quản lý, từ khâu thẩm định chương trình, hồ sơ, cấp phép, kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm… Đến khi chúng ta xiết chặt quản lý rõ ràng các hiện tượng ấy tự nhiên mất dần.

Trước đây, có một số sở, cấp giấy phép bằng phong bì, mà khi đã nhận phong bì, bảo kê cho họ thì không thể nói được ai cả thậm chí thấy họ làm sai mình cũng phải ngơ đi vì “há miệng mắc quai”.

Mức xử phạt chưa đủ sức răn đe

PV: Thưa ông, hoa hậu cũng là vấn đề nóng trên mặt báo những ngày gần đây khi có thông tin Quế Vân đi thi chui. Điều quan trọng là trước đây cũng đã từng có các thí sinh biết luật nhưng vẫn cố tình vi phạm. Theo ông, những trường hợp này phải xử lý như thế nào?

Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương: Bản thân các người đẹp đó cũng biết rằng, mình làm như vậy là vi phạm pháp luật. Họ thừa biết, muốn đi thi các cuộc thi sắc đẹp quốc tế cần phải có những gì. Đây chính là việc cố ý vi phạm của các người đẹp để đạt được điều gì đó. Điều đương nhiên là khi người ta vi phạm rồi thì cơ quan quản lý Nhà nước phải căn cứ các quy định của pháp luật để xử phạt hành chính cho các hành động ấy.

PV: Nhưng việc phạt tiền vài chục triệu đồng không khiến người đẹp thấy e ngại, thưa ông?

Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương: Hiện nay, nghị định xử phạt này đang được sửa đổi để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, toàn bộ mức xử phạt được nâng lên để có sức răn đe với người vi phạm và phù hợp với điều kiện đời sống. Trong quá trình chờ phê duyệt, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn phải áp dụng những quy định cũ. Như trường hợp của Quế Vân cũng chỉ là 15 triệu đồng.

Thực ra, những bất cập liên quan đến mức xử phạt hay ở một số lĩnh vực khác là cũng một phần do các văn bản pháp luật đã lỗi thời và chúng ta cần phải chỉnh sửa cho phù hợp. Hy vọng hết năm nay văn bản chỉnh sửa mới sẽ được đi vào sử dụng trong đời sống .

PV: Theo ông thì lý do nào khiến các cuộc thi hoa hậu trong nước luôn để lại rất nhiều những lùm xùm phía sau?

Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương: Những cuộc thi sắc đẹp rất phức tạp. Trước tiên là từ những ý muốn của các đơn vị tài trợ, ở mối quan hệ của các thí sinh với nhau và ở các công ty tổ chức sự kiện, công ty người mẫu vì suy cho cùng ai cũng có mục đích của mình tại cuộc thi cả. Ở đây có sự cạnh tranh quyết liệt ngầm của các công ty và nếu sự cạnh tranh này không lành mạnh sẽ phát sinh vấn đề.

Chẳng hạn cuộc thi “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam”. Cuộc thi này bao gồm: Ủy ban Dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ VH-TT&DL, Liên hiệp Các hội Phụ nữ Việt Nam, Bộ Công an… tham gia chỉ đạo. Kết quả cuộc thi đánh giá mặt bằng chung là các giải thưởng không có tiêu cực. Tuy nhiên, sau đó có quá nhiều những dư luận không tốt. Bắt tay vào điều tra thì nguyên nhân là do sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị. Bộ VH-TT&DL đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu xử lý nghiêm các trang mạng đưa tin bịa đặt và Bộ Công an cũng xử lý nghiêm những thành phần bịa đặt ra chuyện này. Các đơn thư tố cáo của thí sinh, các tổ chức lôi kéo thí sinh bày chuyện đều có trong hồ sơ của cơ quan điều tra. Vấn đề này đã được làm rõ.

Cuộc thi hoa khôi trí tuệ cũng có mấy vấn đề xảy ra. Một là đóng dấu nổi có chữ Trung Quốc. Trong các quy định của pháp luật không quy định cấm điều này, dấu nổi ở đây là tên của một đơn vị tài trợ. Trường hợp này không thể nói người ta sai. Thứ hai trong đề án của người ta không cam kết chuyện không bán vé, rõ ràng đây là hoạt động buộc phải huy động nguồn lực xã hội vì tất cả các cuộc thi sắc đẹp Nhà nước không bỏ tiền ra. Với nguồn tài trợ không đủ buộc họ phải bán vé, điều đó hoàn toàn không có gì sai phạm.  Việc này, báo chí trong thời gian qua đưa tin sai phạm rất nhiều và tung tin đồn thất thiệt. Bản thân một số cơ quan báo chí đã thổi bùng lên để bán báo.

PV: Thưa ông, tại sao khi thông tin được đưa lên mặt báo, các cơ quan quản lý không vào cuộc ngay để tìm rõ nguyên nhân. Dường như sự phối hợp giữa các cơ quan này chậm trễ hơn nhiều so với các thông tin ào ào xuất hiện trên báo?

Ông Nguyễn Đăng Chương: Cục NTBD không thể làm thay những việc đó vì làm như vậy là không đúng chức năng của Cục mà thuộc quyền hạn của đơn vị tổ chức. Ở cuộc thi “Hoa hậu dân tộc” ngay khi báo đưa tin, Cục NTBD đã gửi văn bản hỏa tốc đến UBND tỉnh Quảng Nam, Công ty CIAT làm văn bản đề nghị các cơ quan xác minh xử lý. 

Nhưng cũng từ câu chuyện đó để nói lên một điều rằng, khi cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan truyền thông hay những người trong cuộc tổ chức ra sự kiện này… nếu làm vì mục đích trong sáng, vì cái tâm thì sẽ không xảy ra bất cứ vấn đề gì.

PV: Nhưng thực tế thì cũng có những cuộc thi mà năm nào sau khi kết thúc cũng có chuyện lùm xùm ví như cuộc thi “Nữ hoàng trang sức”. Cục NTBD có biện pháp gì để xử lý những cuộc thi như vậy, thưa ông?

Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương:  Khi hồ sơ đầy đủ, mục đích trong sáng thì không lý gì Cục không cấp phép vì trong Nghị định 79 quy định: Mỗi năm được tổ chức một cuộc thi vùng, ngành, miền của các tổ chức đoàn thể và cuộc thi này cũng của một đoàn thể nên không thể không cấp phép. Tuy nhiên, với những cuộc thi đã từng có vết thì Cục NTBD và các ban, ngành liên quan sẽ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc để họ làm tốt theo quy định pháp luật, trở thành một cuộc thi đúng mục đích. Để cuộc thi diễn ra tốt đẹp không còn cách nào khác ngoài việc nâng cao vai trò quản lý Nhà nước. Ví như “Nữ hoàng biển”, cơ quan quản lý mạnh tay thu hồi giấy phép chứ nếu để sẽ còn liên quan đến nhiều chuyện khác.

Rút kinh nghiệm từ những cuộc thi trước đây thì cách duy nhất là cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, cá nhân tổ chức ra các hoạt động này phải làm đúng các quy định của pháp luật và cơ quan quản lý Nhà nước nâng cao vai trò, từ cấp phép, đôn đốc kiểm tra cho đến xử lý sai phạm. Mọi việc phải đi theo quy trình mới đưa hoạt động này đi vào nề nếp được.

Chạy theo thị hiếu khán giả là thất bại

PV: Việc xử phạt là đương nhiên nhưng điều quan trọng là định hướng thị hiếu của công chúng, với cương vị Cục trưởng Cục NTBD ông có suy nghĩ gì về vấn đề này, thưa ông?

Ông Nguyễn Đăng Chương: Đảng, Nhà nước cũng đã có định hướng phát triển văn học nghệ thuật trong đó có nghệ thuật biểu diễn. Bản thân 128 đơn vị nghệ thuật công lập và một loạt các đơn vị xã hội hóa khác cũng có định hướng phát triển nghệ thuật. Nhưng trước sức ép của thời kỳ hội nhập, trước tác động của những văn hóa ngoại lai cả tốt và xấu đặc biệt tác động trực tiếp vào giới trẻ, không có cách nào hơn là trách nhiệm thuộc về bản thân các đơn vị nghệ thuật, các nhà tổ chức phải nâng cao vai trò trách nhiệm. Làm thế nào để chính tác phẩm định hướng cho tác giả chứ không phải ngược lại. Đơn vị nào chạy theo thị hiếu khán giả là thất bại, trước hết là đi ngược lại với định hướng phát triển văn học nghệ thuật của Đảng, thứ hai sẽ bị một số lượng đông khán giả tẩy chay vì đó cũng chỉ đáp ứng thị hiếu tầm thường của một bộ phận ít công chúng.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của các cơ quan chức năng trong vấn đề này?

Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương: Cơ quan quản lý mà cụ thể là Bộ VH-TT&DL và Cục NTBD, Sở VH-TT&DL của 63 tỉnh, thành phải định hướng cho các đơn vị nghệ thuật rằng, trong quá trình sáng tạo tác phẩm nghệ thuật anh cần đưa “món ăn” gì để phục vụ công chúng, để hướng họ tới các giá trị chân - thiện - mỹ. Vấn đề tiếp theo là giáo dục cho các cơ sở đào tạo nghệ thuật, về trách nhiệm công dân của nghệ sĩ trước công chúng.

Để nghệ thuật biểu diễn phát triển theo đúng quy luật, có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao về nội dung và hình thức thể hiện trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, đổ cho nghệ sĩ chỉ 1 phần thôi. Đơn giản như chuyện nói khán giả “quay lưng” lại với nghệ thuật sân khấu. Nói thế không đúng, quan trọng là những người sáng tạo nghệ thuật sân khấu không làm đúng nhiệm vụ của mình là sáng tạo tác phẩm đáp ứng nhu cầu của công chúng, không tìm ra được mâu thuẫn xung đột của cuộc sống hôm nay và khi tác phẩm ra lại chạy theo hiện thực, thiếu sự chân thực của đời sống nên khán giả không xem.

Bản thân các chương trình ca múa nhạc, từ tổ chức các show diễn đến các cuộc thi sắc đẹp từ Trung ương đến địa phương quan trọng nhất vẫn là đưa đến cho người ta sản phẩm như thế nào. Phải xác định khi tìm được chìa khóa sáng tạo tác phẩm dù có khó khăn vẫn phải cố gắng để làm ra tác phẩm.

Ngay bây giờ Bộ VH-TT&DL, Cục NTBD khởi xướng xây dựng quy hoạch phát triển cho 12 đơn vị trực thuộc chứ không như trước đây cứ quăng bừa cho họ hoạt động. Phải khẳng định rằng luôn luôn cần có định hướng nhất là về nghệ thuật. Sống còn của đơn vị nghệ thuật chính là chất lượng tác phẩm chứ không phải ở chỗ Nhà nước cho bao nhiêu tiền, ở đó có bao nhiêu con người…

PV: Xin cảm ơn Cục trưởng!

Thái Linh - Thanh Huyền (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.