Nữ đạo diễn đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam qua đời

07:15 | 18/08/2013

1,263 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp, nữ đạo diễn đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam vừa qua đời vào sáng 17/8 do bị bệnh ung thư, hưởng thọ 85 tuổi.

Anh em trong nghề vẫn gọi bà với biệt danh đầy trìu mến, “lão tướng trường quay”, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy những lăn lộn của con người này. Bởi khi tuổi đã cao, sức đã yếu, hơn nữa còn mang trọng bệnh nhưng bà vẫn tả xung hữu đột trên mọi vùng miền của tổ quốc để cho ra đời những bộ phim hay.

Nói đến tiểu sử của nữ đạo diễn này cũng thật nhiều oanh liệt. Bà sinh năm 1929 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh. Năm 6 tuổi, bà đã được đưa theo học ở trường tu viện Saint Dominique ở Hải Phòng. Đến năm 1944, gia đình bà chuyển về Hải Dương. Lúc đó, NSND Bạch Diệp mới chỉ là cô bé 16 tuổi nhưng bà đã gan dạ  tham gia vào phong trào phụ nữ cứu quốc ở Hải Dương. Sau này, bà hoạt động trong Tỉnh hội, rồi công tác ở thường vụ liên khu III. Năm 1955, bà chuyển về làm tại báo Nhân Dân, làm tổ trưởng tổ Hà Nội, chịu trách nhiệm thông tin về thành phố.

Nữ đạo diễn Bạch Diệp

Bước ngoặt trong sự nghiệp của bà là vào năm 1959, bà quyết tâm bỏ nghề báo để theo học lớp điện ảnh do Bộ Văn hóa Thông tin mở dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô. Ở thời điểm đó, đạo diễn vẫn còn là một nghề khá mới mẻ, hơn nữa với phụ nữ thì quả là một công việc không dễ dàng. Thế nhưng, nữ đạo diễn này vẫn quyết tâm theo đuổi bằng được với niềm đam mê.

Còn nhớ trước mối băn khoăn của đồng chí chuyên gia Liên Xô về việc làm đạo diễn thật khó đối với phụ nữ, bà đã không ngần ngại trả lời: Ở Việt Nam chúng tôi có câu ngạn ngữ “Đã yêu thì tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, thập cửu đèo cũng qua”. Và thế là, người đàn bà ấy đã làm theo đúng những gì con tim mình mách bảo, để rồi... trở thành một hiện tượng trong làng điện ảnh Việt.

Tác phẩm đầu tay của bà là bộ phim Trần Quốc Toản ra quân, chuyển thể từ chèo. Sau này, bộ phim đã được trao giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai. Những bộ phim tiếp theo được ra đời sau đó là: Người về đồng cói (1973), Ngày lễ thánh (1976), Câu chuyện làng Dừa (1977), Người chưa biết nói (1979), Mảnh trời riêng (1983), Trừng phạt (1984), Cuộc chia tay không hẹn trước (1986), Huyền thoại về người mẹ (1987), Hoa ban đỏ (1994)...

Nữ đạo diễn này đã có đóng góp nổi bật khi có một cái nhìn mới về dòng phim cách mạng. Phim của bà hay ở chỗ, không có nhiều tiếng súng hay cảnh bom đạn như phim của những vị đạo diễn khác nói về chiến tranh, nhưng những cái tên như: Ngày lễ thánh, Huyền thoại mẹ, Hoa ban đỏ, Thời gian của dòng sông... lại khiến người ta day dứt bởi một cái nhìn sâu thẳm trước nỗi đau âm thầm của những thân phận con người sống trên mặt trận không tiếng súng. Còn những sản phẩm về sau của bà lại là những nỗi đau của cả một đời người, là sự khai thác nội tâm nhân vật sâu sắc và bám đuổi tận cùng đến những đam mê mang sắc thái riêng rất Bạch Diệp.

Bà về hưu năm 1992 nhưng với lòng yêu nghề, bà vẫn xông pha khắp các nẻo đường để tiếp tục làm phim và cộng tác với Đài truyền hình Việt Nam trong chuyên mục Điện ảnh chiều thứ 7 và Văn nghệ Chủ nhật.

Thành tựu cả cuộc đời cống hiến của nữ đạo diễn này là được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1997. Năm 2007, bà được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm Ngày lễ thánh, Huyền thoại mẹ.

Được biết, NSND Bạch Diệp là một trong số các nghệ sĩ Việt Nam có tên trong Bách khoa toàn thư điện ảnh Liên Xô. Năm 2008, bà là một trong 11 nghệ sĩ đương đại được tôn vinh trong ngày kỉ niêm 55 năm thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Huy An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.