Vì sao Trung Quốc bắt buộc con cái phải có hiếu với cha mẹ?

06:46 | 07/07/2013

1,632 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - “Luật Hiếu thảo” của Trung Quốc - có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, quy định bắt buộc người con đến tuổi trưởng thành phải thăm nom, chăm sóc cha mẹ thường xuyên hoặc ít nhất là phải giữ liên lạc qua điện thoại, nếu không họ có thể sẽ bị chính những người sinh thành kiện ra tòa, đang gây ra nhiều phản ứng khác nhau trong dư luận nước này và thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Đối với người phương Tây, có vẻ như Chính phủ Trung Quốc đã quá can thiệp và điều tiết các mối quan hệ trong gia đình nhưng với người phương Đông - vốn có truyền thống hiếu kính với ông bà, bố mẹ, luật mới của Trung Quốc cũng không có gì bất thường. Do chính sách một con được duy trì trong nhiều thập niên qua ở Trung Quốc, trong khi chính sách hỗ trợ với người cao tuổi vẫn còn có những hạn chế nhất định, các bậc cha mẹ nước này - khi tuổi già sức yếu càng phụ thuộc hơn vào sự hiếu thảo, phụng dưỡng của đứa con duy nhất của mình. Trong khi đó, mặc dù truyền thống kính trọng cha mẹ vẫn được coi trọng, nhưng kể từ 3 thập kỷ nay, quá trình cải cách kinh tế thị trường đã phá vỡ truyền thống gia đình ở quốc gia châu Á này. Theo một khảo sát mới đây ở Trung Quốc, khoảng 12% người được hỏi đã nhiều năm không về thăm cha mẹ, trong khi đó 1/3 số người được hỏi, chỉ gặp cha mẹ mỗi năm một lần.

Người già cần được con cháu yêu thương, chăm sóc, phụng dưỡng

Theo tờ Nhân dân nhật báo, quy định mới vừa được đưa vào Luật Bảo vệ quyền và lợi ích của người già sửa đổi, nhằm mục đích “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cha mẹ từ 60 tuổi trở lên, để thực hiện và phát huy truyền thống đạo đức hiếu thảo của người Trung Quốc”. “Cha mẹ có con không sống cùng cũng như không thăm nom họ thường xuyên có thể yêu cầu pháp luật đứng ra hòa giải hoặc nộp đơn kiện”. Chính quyền địa phương phải hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi và cấm các hành vi phân biệt đối xử, xúc phạm, ngược đãi, bỏ rơi người già. Chủ sử dụng lao động cũng phải có nghĩa vụ cho phép người lao động có thời gian nghỉ phép để về thăm cha mẹ già của mình.

Phản ứng của đa số người Trung Quốc là hoan nghênh vì cho rằng đã đến lúc việc chăm sóc cha mẹ phải được áp đặt thay vì vận động. Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia lo ngại rằng luật mới sẽ rất khó để thực thi vì tâm lý “nước mắt chảy xuôi” - không cha mẹ nào nỡ đẩy con cái ra vành móng ngựa. Bên cạnh đó, luật sửa đổi tạo quá nhiều sức ép cho những người phải đi xa để tìm việc và có cuộc sống độc lập. Ngoài ra, cũng có không ít thắc mắc bởi luật mới không ấn định rõ mức độ thăm viếng hay các biện pháp trừng phạt sẽ ra sao.

Hiện chưa rõ là các điều khoản trong luật sẽ thay đổi được tình trạng hiện nay đến mức độ nào khi Trung Quốc đang ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc săn sóc thành phần cao niên bị con cái bỏ rơi vì nhiều lý do, trong khi nghiên cứu xu hướng dân số của Trung Quốc cho thấy tỷ lệ người già ở nước đang tăng. Dự báo, số lượng người Trung Quốc 60 tuổi trở lên sẽ tăng từ 185 triệu đến 487 triệu người vào năm 2053 (chiếm 35% dân số), trong khi số người trong độ tuổi lao động vào năm ngoái đã giảm 3,45 triệu xuống còn 937,27 triệu người. Đó không phải là điều gì to tát quá trong hiện tại nhưng đây là tín hiệu đánh dấu “sự khởi đầu của một xu hướng dự kiến sẽ tăng trong 2 thập niên tới”, chuyên san Lao động Trung Quốc nhận định trong một bài viết hôm 11/6. “Trung Quốc không còn là nơi cung cấp vô tận nguồn nhân công trẻ”.

Thiết nghĩ, ở Việt Nam, trong bối cảnh xã hội đang rất bức xúc sau các vụ con cái bạo hành, ngược đãi cha mẹ già được phát hiện liên tiếp, chúng ta cũng nên có một đạo luật để bảo vệ quyền lợi người cao tuổi, quy định trách nhiệm bắt buộc đối với những người đến tuổi trưởng thành, phải quan tâm đến nhu cầu tinh thần của cha mẹ, ông bà, không xem thường hay ghẻ lạnh người già.

Linh Linh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc