Phương Tây sẽ đỡ “phát súng” đầu tiên của Putin như thế nào?

10:00 | 08/03/2014

11,833 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang nhanh chóng xây dựng kế hoạch chia sẻ một phần khí đốt của Nga bán cho khối này cho Ukraine và các nước Đông Âu khác. Đây là kế hoạch nhằm đối phó với kịch bản Tổng thống Nga Putin sẽ phản ứng với các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách “bỏ đói” lục địa thiếu năng lượng này.

>> Nga dọa đưa Ukraine trở lại cuộc “khủng hoảng khí đốt”

>> Ukraine không cần khí đốt của Nga?

Muốn “bảo kê” cho Ukraine, trước hết, EU cũng phải phải tính đến việc bảo đảm an ninh năng lượng cho Kiev

Không phải chờ đến lúc ông chủ Gazprom bắn đi "phát súng" đe dọa cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine nếu Kiev không thanh toán gần 2 tỷ USD nợ cũ và hóa đơn khí đốt đã nhận trong tháng Hai vừa qua, phương Tây đã rất đau đầu với bài toán làm thế nào để giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga của chính Liên minh châu Âu (EU), chứ chưa nói tới việc “bảo kê” cho Ukraine. Tất cả những kế hoạch về xây dựng đường ống dẫn khí Nabucco đối phó với hai “gọng kìm” Dòng chảy phương Nam (South Stream) và Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) của Nga, hay tăng tốc chiến lược xuất khẩu khí đá phiến từ Hoa Kỳ… từ trước đến nay đều là nhằm mục tiêu làm suy yếu thứ vũ khí lợi hại này của Moskva.

Tuy nhiên, dù được khởi thảo từ đầu những năm 2000 nhưng đến nay, Nabucco vẫn bị coi là “đề án chỉ nằm trên giấy” vì rất nhiều trở ngại về chính trị và ngoại giao - cho dù, yếu tố tài chính dường như luôn được đảm bảo ở mức độ nhất định. Là một đại dự án với sự tham gia của nhiều tập đoàn năng lượng, nhiều nước, mỗi bên tham dự dều có những đòi hỏi, yêu sách và trong mỗi thời điểm, đều có sự lừng chừng, không dứt khoát, khiến công việc chung bị ảnh hưởng.

Mặt khác, nguồn cung khí đốt cho dự án cũng là vấn đề. Các đối tác Trung Á của Nabucco luôn là tâm điểm giành giật giữa châu Âu, Nga và cả Trung Quốc và cũng tỏ rõ sự chẳng mặn mà gì với dự án mà cả Mỹ và phương Tây đã đặt kỳ vọng này.

Trong khi đó, mặc dù đang tiến tới độc lập năng lượng, trở thành một trong những nước khai thác khí đốt lớn nhất thế giới, nhờ thành quả của cuộc cách mạng khí đá phiến, Hoa Kỳ lại đang không xuất khẩu nguồn năng lượng này. Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ, trong đó có các thành viên Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã gây áp lực với Tổng thống Obama để nới lỏng những hạn chế xuất khẩu năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh EU và  Ukraine đang bị Nga gây sức ép về năng lượng.

Tuy nhiên, vẫn có những người e ngại rằng, việc bán khí đốt cho nước ngoài có thể làm tăng giá năng lượng cho người tiêu thụ Hoa Kỳ. Mặt khác, dù có ra tay “trượng nghĩa”, xuất khẩu khí đốt để bảo vệ đồng minh EU, cứu giúp Ukraine và cho Nga “biết mặt”, thì việc xây dựng một số ít các terminal xuất khẩu khí đốt của Washington cũng không thể hoàn thành trong một sớm một chiều, chí ít cũng phải tới 2015.

Nabucco gần như phá sản, trông chờ vào khí đá phiến của Mỹ cũng chưa thấy kết quả đâu, phương Tây giờ chỉ biết tự xoay sở đối phó với kịch bản Nga tung “đòn” đánh vào năng lượng. Muốn “bảo kê” cho Ukraine, trước hết, EU cũng phải phải tính đến việc bảo đảm an ninh năng lượng cho Kiev – như khẳng định của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso: “An ninh năng lượng là một ưu tiên hàng đầu với Ukraine”.

Hơn nữa, dù gì, hơn ¼ nhu cầu khí đốt của châu Âu cũng trông chờ vào Nga và 80% số đó phải đi qua đường ống dẫn ở Ukraine. Người châu Âu và Ukraine cũng hẳn chưa quên nỗi thống khổ của những lần thiếu khí đốt của Nga trong giá rét trước đó.  

Tại Brussel hôm 6/3, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo luận chi tiết về tính khả thi của việc chuyển đổi dòng chảy khí đốt trong đường ống phía Đông của lục địa này. Các kho dự trữ khí đốt ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức và Hungary, với nguồn cung cấp phong phú, có thể được sử dụng để bơm ngược tiếp tế cho Ukraine.

Một dự án hiện đại hóa cơ sở hạ tầng truyền dẫn khí đốt của Ukraine cũng là một phần của gói cứu trợ 15 tỷ USD mà EU hứa dành cho Kiev. Bên cạnh đó, EU sẽ tìm cách kích hoạt “dòng chảy ngược” khí đốt cho Ukraine và đảm bảo nó có thể “vận hành càng sớm càng tốt”. Và điểm đầu tiên của “dòng chảy ngược” có thể sẽ là Slovakia. Hiện các quan chức EU đang gây sức ép với Slovakia và Ukraine để nhanh chóng ký thỏa thuận cho phép khí đốt chạy trong đường ống theo hướng ngược lại. “Hành lang dòng chảy ngược” bổ sung cũng có thể được triển khai thông qua Bulgaria và Romania, hoặc Croatia và Hungary.

Tuy nhiên, có một vấn đề mà các quan chức châu Âu và các chuyên gia năng lượng cũng phải thừa nhận rằng, họ nghi ngờ về khả năng đảm bảo kỹ thuật trong việc dẫn khí xuyên lục địa, từ Tây sang Đông, nếu Nga quyết định hạn chế nguồn cung cấp khí trong một thời gian đáng kể. Mặc dù có thể hỗ trợ Ukraine trong vài tháng hè ngắn ngủi nhưng Tây Âu sẽ không có khả năng cung cấp khí đốt cho nước láng giềng phía Đông trong một khoảng thời gian dài.

Một lãnh đạo cấp cao giấu tên của châu Âu cho biết, đảo chiều dòng khí sẽ là một động thái cực kỳ phức tạp. “Đây không phải là việc có thể dễ dàng làm được. Chắc chắn là các đường ống xuất khẩu của Gazprom được xây dựng để dẫn khí chỉ theo một hướng. Và việc đảo chiều sẽ cần rất nhiều thời gian và tiền bạc để cấu hình lại. Hơn nữa, việc này cũng cần được thỏa thuận với hàng tá tổ chức khác. Mà điều này thì không khả thi”.

Xem ra, vũ khí năng lượng này của Nga vẫn có thể khiến châu Âu "run rẩy"!

Linh Linh