Dấu chấm hết của chữ viết tay?

04:00 | 15/10/2013

2,319 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bàn phím dần thay thế bút. Những lá thư tay đang trở nên hiếm hoi để nhường chỗ cho thư điện tử. Từ học hành đến trong công việc, thực hiện các thủ tục hành chính… con người dần quen với việc thực hiện thao tác ghi chép trên các thiết bị tin học.

Năng lượng Mới số 262

 

Người viết tay như người đi cày trên trang giấy

Trong bối cảnh đó, kỹ năng viết tay của con người, nhất là đối với thế hệ trẻ, đang bị đe dọa. Đây là tình trạng chung trên thế giới hiện tại, từ Thụy Điển đến Trung Quốc, từ Tây Ban Nha qua Ấn Độ… Báo chí thế giới đã phản ánh thực trạng này với một cái nhìn lo ngại.

Tờ Los Angeles Times (Mỹ) mới đây đăng bài viết với title “Một cái chết có lập trình và không bi thảm” đề cập đến việc tại 45 bang của Mỹ, dự kiến từ năm 2015, môn học viết tay sẽ không còn bắt buộc đối với học sinh tiểu học nữa. Có nghĩa là, môn học này sẽ không bị cấm nhưng cũng không được khuyến khích. Vấn đề đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Những người ủng hộ thì cho rằng việc viết trên bàn phím sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chữ thì dễ coi hơn và phù hợp với thời đại. Người phản đối thì lo rằng thế hệ sau sẽ không còn biết viết tay, và như vậy sẽ đánh mất truyền thống và sẽ là một thảm họa văn hóa. Tuy vậy, hiện số người phản đối chiếm đa số. Theo thống kê hồi tháng 7, có đến 89% người trưởng thành và 89% trẻ từ 8 đến 18 tuổi ủng hộ việc tiếp tục rèn luyện cho học sinh kỹ năng viết tay.

Nhìn sang Canada, sự mai một của chữ viết tay cũng làm dấy lên những lo ngại khi nhiều học sinh cấp 3 ở nước này không biết sử dụng bút viết tay để ký tên. Môn viết tay đã không còn được dạy ở hầu hết các trường, theo tờ The National Post. Người ta lo rằng, chữ viết tay đối với thế hệ trẻ sẽ chỉ còn là “ký ức”.

Từ Tây Ban Nha, tờ El Pais có trụ sở tại Madrid đăng bài viết có dòng tựa “Bàn tay không chỉ là một công cụ”. Tờ báo cho rằng, nên bảo vệ chữ viết tay, bởi vì chữ viết tay là dấu ấn riêng của mỗi người, cũng giống như vân tay của họ, là đặc điểm duy nhất và có tính cá nhân hóa rất cao.

Đối với Ấn Độ, chữ viết tay của nước này cũng đang bị đe dọa. Nhật báo The Indian Express tại Bombay chua chát ví von thực trạng này như một “cuộc chiến chống lãng quên tại Ấn Độ”. Tờ báo cho biết, ngày càng có nhiều người Ấn Độ mất đi kỹ năng cầm bút để viết mà chỉ quen dùng bàn phím máy tính. Tình hình nghiêm trọng đến mức mà việc mở lớp dạy viết tay đã trở thành một ngành thương mại mới tại nước này.

Đến với nước đông dân nhất thế giới Trung Quốc, tờ Thành Đô Nhật báo tại Tứ Xuyên cho hay, người ta đã bắt đầu đề cập đến khái niệm “Khủng hoảng chữ Hoa”. Thống kê cho biết, tại nước này, 47,9% người được hỏi cho biết “có viết tay thường xuyên”, 42,7% thì “rất hiếm khi viết tay” và 9% không ngại nói rằng, “đã từ lâu rồi không còn viết tay nữa”. Đối với câu hỏi “Viết tay trong trường hợp nào?”, thì kết quả thống kê cho thấy đứng đầu là 3 trường hợp sau đây: để điền thủ tục hành chính, để ghi chép trong các cuộc họp và để ký tên.

Hoa ngữ là một loại chữ phức tạp. Phức tạp là vì học chữ nào thì biết chữ nấy, người nhớ càng nhiều chữ thì được xem là người giỏi. Phức tạp từ thứ tự viết các nét đến việc ghi nhớ từng nét nhỏ vì thừa hay thiếu chỉ một dấu chấm thôi đã là khác nghĩa rồi. Bởi vậy, để có thể nhớ được chữ Hoa, thì đòi hỏi phải rèn luyện thường xuyên, mà việc viết tay chữ Hoa thường xuyên là cách tốt nhất để nhớ chính xác các mặt chữ. Ở Trung Quốc, Hán tự còn được coi là thể hiện tính cách của người viết và thậm chí người ta còn "biếu chữ" như tặng nhau một tác phẩm nghệ thuật. Truyền thống trân trọng chữ viết tay là thế mà giờ, người ta đã phải lo ngại kỹ năng viết chữ Hoa bằng tay của người Trung Quốc sẽ bị dập vùi bởi làn sóng tin học hóa đang ào ạt trên thế giới.

P.L (theo Courrier international)